ClockThứ Hai, 30/05/2016 14:09

Ngăn chặn khai thác cát trái phép trên sông Bồ

TTH - Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Bồ thuộc địa phận xã Phong Sơn (Phong Điền) vẫn đang là “điểm nóng”, gây bức xúc cho người dân.

Làng kêu cứu

Đây là khu vực giáp ranh giữa huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà, cụ thể là xã Phong Sơn và phường Hương Vân. Ngay giữa lòng sông Bồ, hàng chục chiếc đò máy đang sục những chiếc ống cắm sâu vào lòng sông hút cát. Nạn khai thác cát trái phép bừa bãi khiến sông Bồ vốn hiền hoà thơ mộng đang thay đổi dòng chảy, trở nên hung dữ và khó lường hơn, nhất là trong mùa bão lũ. Hàng chục hộ dân sống dọc hai bên bờ sông hết sức hoang mang trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Khái thác cát, sỏi trên sông Bồ

Những ngày cuối tháng 5/2016, chúng tôi về thôn Hiền Sĩ để tìm hiểu tình hình. Ông Trần Công Theo, một người dân ở đây đưa chúng tôi đến khu vực bị sạt lở mà người dân cho là do tình trạng khai thác cát trái phép gây nên. Ông Theo kể: “Làng Hiền Sĩ trước đây là một dãy bến sông rất thơ mộng, hằng ngày có nhiều người đến tắm rửa, giặt giũ quần áo. Tháng 11/1999, do trận lũ lịch sử đã làm sạt lở hàng trăm mét và ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10 mét. Ðể giúp người dân ổn định cuộc sống, huyện Phong Điền đã xây kè dọc bờ sông Bồ từ cầu Hiền Sĩ đến Trường mầm non Phong Sơn 2 để chống sạt lở. Hiện nay mỗi ngày tại khu vực này có khoảng 20 - 30 tàu thuyền kéo về khai thác cát trái phép”.

Ông Lê Văn Bang, thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn (người dân sống trong khu vực sạt lở) cho biết, từ 3h30 đến 16h hàng ngày, các đối tượng lộng hành, khai thác có lúc gần bờ từ 10 đến 15m, kè chống sạt lở cũng sập xuống sông, nguy cơ mất kè trong tương lai gần là có thực. Cùng tâm trạng như ông Theo, ông Bang, ông Hoàng Ngọc Việt, Trần Công Thọ, Hoàng Anh… (những hộ dân sống gần khu vực sạt lở) cũng rất bức xúc trước tình trạng này. Nạn khai thác cát sẽ làm kè sụt lún xuống sông, làm cho người dân sống gần bờ sông luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang vì nhà cửa có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Người dân đã nhiều lần kêu cứu đến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nhưng tình trạng khai thác cát sạn trái phép vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Trước thực trạng trên, những người dân sống ở khu vực bị sạt lở và sát bờ sông Bồ phải sắm những chiếc ná cao su để mỗi khi các đối tượng xuất hiện, thì xua đuổi. Mỗi khi thấy động, những tàu thuyền khai thác cát trái phép đã di dời ra xa một đoạn để “tránh đạn” từ phía người dân, nhưng ngay sau khi thấy người dân bỏ đi thì mọi chuyện vẫn như cũ. Có nhiều khi bọn họ này còn dằn mặt và đe dọa người dân nơi đây. Ông Bang cho biết thêm.

Cần mạnh tay

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi làm việc với UBND xã Phong Sơn. Theo hồ sơ xã Phong Sơn hiện có, bãi bồi cát, sỏi thuộc thôn Hiền Sĩ, Cổ Bi 1 được UBND tỉnh, UBND huyện Phong Điền giao Hợp tác xã (HTX) sản xuất Thương mại và Dịch vụ sông Bồ khai thác, theo mô hình cộng đồng với thời hạn 6 tháng kể từ ngày Quyết định có hiệu lực (23/9/2015). Quyết định cũng nêu rõ khai thác khu vực được cấp phép, cách bờ 30m. Ngoài ra, tại UBND xã Phong Sơn không có thêm quyết định nào về việc khai thác này.

Theo quyết định trên của UBND huyện Phong Điền, đến ngày 23/3/2016 HTX SX TM&DV sông Bồ hết hạn khai thác. Khi được hỏi vì đề sao các tàu, thuyền vẫn khai thác rầm rộ trên sông Bồ mà không gặp sự ngăn cản nào của chính quyền địa phương? Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, sắp tới sẽ làm việc với HTX SX TM&DV sông Bồ để xem xét lại vấn đề này. Ông Nhân cho biết thêm, đối với việc khai thác cát, sỏi trên sông Bồ, UBND xã phối hợp với Công an xã thường xuyên ra quân kiểm tra, nhắc nhở các tàu, thuyền khai thác cát sỏi để chấn chỉnh, xử lý. Năm 2015 đã lập biên bản, xử phạt 2 trường hợp. Năm 2016 đã kiểm tra nhiều lần, nhưng chưa xử phạt trường hợp nào…Ngoài ra, UBND xã cũng đã phối hợp với các ngành chức năng của UBND huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà và phường Hương Vân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên do lực lượng mỏng nên không thể xử phạt hết được và nạn khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX SX TM&DV sông Bồ khẳng định: “Việc khai thác cát, sỏi trên sông Bồ của HTX đã được UBND huyện ra Quyết định số 2314/QĐ-UBND ngày 29/4/2016 gia hạn khai thác trong thời hạn 6 tháng. Còn việc khai thác trái phép là những thuyền, đò đến từ nơi khác, khai thác ngoài phạm vi đã được UBND huyện cấp phép cho HTX.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn xã Phong Sơn có 4 bãi tập kết cát, sỏi. Ngoài bãi cát, sỏi của ông Tuấn được cấp phép thì 3 bãi còn lại gồm: bãi của ông Trần Chung (thôn Đồng Dạ), bãi của ông Giáp Thanh Hối (thôn Cô Bi 1) và bãi của ông Nguyễn Đăng Tiên (thôn Cổ Bi) là những bãi tập kết cát, sỏi trái phép. Điều này đã tiếp tay cho việc khai thác cát, sỏi trái phép ở xã Phong Sơn, nhưng chính quyền xã không ngăn cấm, buộc các hộ trên tháo dỡ.

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp đồng bộ, ngăn chặn tận gốc tình trạng khai thác cát trái phép để người dân địa phương yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.             

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vận chuyển gỗ trái phép không rõ nguồn gốc

Ngày 10/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An -BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh; Công an phường Thuận An và Hạt Kiểm lâm TP. Huế bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 2m3 gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vận chuyển gỗ trái phép không rõ nguồn gốc
Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Huế như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái... thì du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng và thu hút khách.

Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề
Return to top