ClockThứ Hai, 26/09/2016 14:07

Ngăn chặn khai thác vàng sa khoáng trái phép

TTH - Do có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng nên vấn nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn tạm lắng trong một thời gian. Tuy nhiên, gần đây ở A Lưới lại tái diễn tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thăm dò hoặc nơi có công trình đang thi công để lén lút tập kết phương tiện, nhân lực tổ chức khai thác vàng sa khoáng.

Một phương tiện đào đãi vàng trái phép ở A Lưới bị cảnh sát môi trường thu giữ

1,5 chỉ vàng, “đổi” 1,5 tỷ đồng

Sau một thời gian sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, rạng sáng 14/7/2016, lực lượng trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh bất ngờ ập vào khu vực suối A Lin (thôn Tal Ây, xã Hồng Trung, huyện A Lưới) bắt quả tang các đối tượng Trần Quang Trường (SN 1983, trú Như Hòa, Kim Sơn, Ninh Bình) đang trực tiếp điều khiển xe múc bánh xích loại gàu 0,9m3 (không biển kiểm soát) đang khai thác đất đá dưới lòng suối đổ lên giàn lọc được lót thảm đãi vàng sa khoáng. Cũng tại hiện trường còn có đối tượng Trương Văn Phẩm (SN 1989, trú Sơn Thủy, Sơn Hà, Quảng Ngãi) đang điều khiển máy bơm nước phục vụ lọc, đãi vàng sa khoáng. Kiểm tra tại khu vực lán trại gần đó, lực lượng công an phát hiện thêm 10 đối tượng khác, trong đó có vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1977) và Vũ Văn Huân (SN 1966, cùng trú Nghĩa Trung, TX. Gia Nghĩa, Đắk Lắk) là người đứng ra thuê 10 người còn lại tập kết máy móc khai thác vàng sa khoáng tại khu vực nói trên. 

Tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Vân Anh khai nhận, do biết được khu vực suối A Lin có vàng sa khoáng lại giáp ranh các công trình đang xây dựng thủy điện A Lin B1 nên “tuồn” các phương tiện và lực lượng vào khai thác vàng sa khoáng. Cũng theo bà Vân Anh, mặc dầu tập kết phương tiện vào ngày 10/7, đến đêm 13/7 mới khai thác mẻ đầu tiên được 1,5 chỉ vàng cám thì bị bắt giữ. Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Phòng Cảnh sát Môi trường tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với bà Vân Anh về hành vi “Khai thác khoáng sản (vàng sa khoáng) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định”. Giữa tháng 9/2016, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, phạt bà Vân Anh số tiền 900 triệu đồng. Ngoài ra, bà Vân Anh còn phải nộp số tiền hơn 643 triệu đồng tương đương giá trị phương tiện vi phạm bị tịch thu do sử dụng trái phép để vi phạm hành chính (xe múc bánh xích được Vân Anh thuê của một người nói là đi trồng cà phê nhưng lại sử dụng khai thác vàng sa khoáng). Như vậy, do khai thác vàng sa khoáng trái phép mà bà Vân Anh bị mất tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng, chưa kể giàn lọc hàng chục triệu đồng, tiền thuê nhân công… để đổi lấy 1,5 chỉ vàng.          

Thanh tra toàn diện công tác thăm dò trữ lượng vàng

Không riêng vụ việc trên, thời gian gần đây, tại xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, chính quyền và người dân địa phương đã “nghi ngờ” một doanh nghiệp lợi dụng giấy phép thăm dò trữ lượng để khai thác vàng trái phép. Từ năm 2011, Công ty CP Khoáng sản Đông Trường Sơn (Công ty Đông Trường Sơn) được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp giấy phép thăm dò vàng gốc tại khu vực đồi A Pey B, thuộc xã Hồng Thủy. Sau 5 năm cày nát khu rừng khoảng 180ha với 2 lần xin giấy phép Bộ TN&MT, doanh nghiệp tiếp tục xin gia hạn thời gian thăm dò lần thứ 3. Phía đầu nguồn suối là đồi A Pey B, nơi Công ty Đông Trường Sơn tiến hành thăm dò vàng gốc, nhiều năm nay cuộc sống người dân tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, doanh nghiệp lấy lý do trữ lượng vàng thấp, chưa tìm được công nghệ khai thác phù hợp để kéo dài thời gian thăm dò càng khiến dư luận thêm bức xúc. Đến nay, dù giấy phép đã hết hạn gần 10 tháng và đang chờ Bộ TN&MT trả lời nhưng công ty vẫn tiếp tục hoạt động. Điều đáng nói, mặc dầu một công ty lớn hoạt động thăm dò khoáng sản trên địa bàn nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền huyện A Lưới không kiểm soát được hoạt động thăm dò này. Và không ai biết chắc, doanh nghiệp đã lấy đi bao nhiêu lượng vàng. Bởi, tất cả mọi thủ tục từ đánh giá trữ lượng, thẩm định đề án, cấp phép hoạt động… đều được công ty làm việc trực tiếp với Bộ TN&MT.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, ngày 19/8, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Công ty Đông Trường Sơn khẩn trương hoàn thành các thủ tục gia hạn liên quan; thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về hoạt động khoáng sản, về bảo vệ môi trường và quy định về quản lý lao động người nước ngoài. Nếu để tiếp tục xảy ra các vi phạm, UBND tỉnh sẽ xem xét thu hồi chủ trương nghiên cứu dự án và đề nghị  Bộ TN&MT thu hồi, chấm dứt hoạt động thăm dò khoáng sản. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã thành lập một Đoàn thanh tra liên ngành do ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TN&MT làm trưởng đoàn nhằm làm rõ những phản ánh của người dân về những sai phạm của Công ty Đông Trường Sơn. “Chúng tôi sẽ xử lý những vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, báo cáo Bộ TN&MT để xử lý vi phạm nếu vượt quá thẩm quyền. Đồng thời, công bố rộng rãi kết quả thanh tra cho người dân được biết về tình hình hoạt động của Công ty Đông Trường Sơn”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Dự kiến, từ 27/9- 27/10/2016, đoàn thanh tra sẽ lên A Lưới và công bố quyết định thanh tra toàn diện đối với hoạt động của Công ty CP Khoáng sản Đông Trường Sơn. Được biết, Bộ TN&MT cũng đã cử đoàn công tác vào A Lưới để kiểm tra tình hình thăm dò vàng gốc tại khu vực đồi A Pey B của công ty này.  

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động thăm dò khoáng sản; quản lý đất đai; bảo vệ môi trường; tiến độ thực hiện dự án; quản lý lao động người nước ngoài; chế độ thông tin báo cáo; bảo đảm ANTT khu vực biên giới và các nội dung liên quan khác trong hoạt động đầu tư, khoáng sản tại khu vực A Pey B của Công ty Đông Trường Sơn.

THÁI SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắt giữ tàu giã cào hoạt động trái phép

Chiều tối ngày 23/4, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã phát hiện 1 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi hành nghề giã cào trái phép tại vùng biển ven bờ thuộc huyện Phú Lộc và đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ người cùng phương tiện để xử lý theo quy định.

Bắt giữ tàu giã cào hoạt động trái phép
Vận chuyển gỗ trái phép không rõ nguồn gốc

Ngày 10/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An -BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh; Công an phường Thuận An và Hạt Kiểm lâm TP. Huế bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 2m3 gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vận chuyển gỗ trái phép không rõ nguồn gốc

TIN MỚI

Return to top