ClockThứ Ba, 19/03/2019 15:23

Ngăn dịch tả lợn Châu Phi lây lan

TTH.VN - Sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại hộ gia đình ông Tạ Hồng Uẩn và bà Trần Thị Hồng (thôn Hiền An, xã Phong Sơn), hiện nay các cấp chính quyền và người dân đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống lây lan dịch bệnh…

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Phong ĐiềnHương Thủy tiếp tục ra quân phòng ngừa dịch tả lợn châu PhiKiểm soát nhập lợn vào địa bàn: Xuyên đêm phòng dịchDịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang ngườiKiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Lập chốt chặn sau khi xuất hiện ổ dịch tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền

Chốt chặn tại ổ dịch

Sáng 19/3, tại điểm dịch gia đình Trần Thị Hồng đã có 2 chốt chặn được lập. Công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng được các ngành chức năng của huyện và xã Phong Sơn tiến hành ngay tại khu vực xảy ra dịch.

Ông Lê Quảng, thôn Hiền An, xã Phong Sơn cho biết, ngay sau khi có thông tin DTLCP xảy ra tại nhà ông Uẩn, bà Hồng, gia đình ông thấp thỏm, lo lắng cho đàn lợn gia đình vì đời sống kinh tế thu nhập cả nhà chủ yếu dựa vào đàn lợn này.

Trước khi xảy ra ổ dịch và hiện tại, gia đình ông Quảng cũng như các hộ chăn nuôi trên địa bàn thôn đã chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường chuồng trại cũng như dùng vôi bột rải khắp các vùng xung quanh chuồng trại và trên những tuyến đường dẫn vào nơi chăn nuôi, tiêm phòng các loại vắc xin đầy đủ và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa khác theo hướng dẫn của ngành thú y.

Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn thông tin: "Toàn xã có tổng đàn lợn khoảng 5.500 con. Ngay sau khi xảy ra ổ dịch, xã khoanh vùng dịch và lập biên bản các thức ăn tại ổ dịch của hộ ông Uẩn, bà Hồng để tiêu hủy. Ngoài ra, xã đã tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền đến tất cả các hộ chăn nuôi lợn về DTLCP; đồng thời phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực có dịch, các gia trại, trang trại chăn nuôi lợn, điểm giết mổ gia súc, chợ… ngày 2 lần".

Đẩy mạnh công tác phòng, chống

Toàn huyện Phong Điền hiện có tổng đàn lợn hơn 31.000 con, trong đó có 4 trang trại chăn nuôi lớn với hơn 11.600 con, 80 gia trại gần 5000 con và gần 4000 hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau khi xảy ra DTLCP và nguy cơ dịch bệnh lây lan trên địa bàn, UBND huyện Phong Điền đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát 2.500 tờ rơi đến các hộ chăn nuôi hiểu được tác hại của bệnh DTLCP; đồng thời, tổ chức ký cam kết chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch.

Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết, đến nay ngoài lập 2 chốt kiểm soát tại ổ dịch và 1 điểm chốt chặn của tỉnh trên Quốc lộ 1A, huyện cũng đã lập 4 chốt và rải 4 tấn vôi tại các xã giáp ranh với tỉnh Quảng Trị là Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương. Đã phân bổ 1.500 lít hóa chất cho các địa phương để tiến hành công tác tiêu độc khử trùng và dự phòng 500 lít để xử lý, nếu phát hiện ổ dịch mới. Bên cạnh đó, cho 100% hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện 5 không (không dấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không xử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt) trong phòng, chống DTLCP.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng các phương tiện đi qua ổ dịch

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành họp dân để tuyên truyền và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống DTLCP. Ngoài ra, chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác tiêu độc khử trùng, rải vôi tại hộ chăn nuôi ở thôn Hiền An và khu vực, các xã lân cận ổ dịch như: Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An. Tổ chức chốt chặn tại vùng có dịch để kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Huyện cũng đã có giải pháp về quản lý chăn nuôi là tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chủ nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; khuyến khích các trang trại, gia trại chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Phú Vang cũng triển khai công tác phòng chống dịch

Tuy chưa xuất hiện trên địa bàn, song để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, UBND huyện Phú Vang đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo trong việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư để chủ động ứng phó kịp thời khi có bệnh dịch tả lợn châu phi xảy ra trên địa bàn…

UBND huyện chỉ đạo các ngành có liên quan, UBND các xã, thị trấn kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn. Đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, lưu thông lợn và các sản phẩm từ lợn. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Quỳnh Anh

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 12/3, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 khóa VII, nhiệm kỳ (2021 - 2026) để xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top