ClockThứ Tư, 18/10/2017 08:24

Ngân hàng không “đẻ” thêm bất kỳ thủ tục nào

TTH - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình (ảnh), Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank)-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, đơn vị dẫn đầu trong cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ (NĐ67) trên địa bàn tỉnh xung quanh các quy định để thực hiện cho vay đối với ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Thừa Thiên Huế

Về những điều kiện cần để ngư dân có thể vay vốn đóng tàu theo NĐ67, ông Bình cho biết: "Bất kỳ khoản vay nào, chúng tôi cũng phải thẩm định năng lực tài chính của khách hàng.

Khi đủ năng lực tài chính, có nghĩa là khách hàng "đủ tư cách" để vay vốn. Với gói tín dụng theo NĐ67 cũng vậy. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng được chúng tôi xem xét như khách hàng có nợ thuế hay không, các mối quan hệ tín dụng như thế nào, tư cách pháp nhân ra sao, có làm gì trái pháp luật… Nếu tất cả hội đủ, chúng tôi sẵn sàng cho vay vốn".

Thưa ông, ngư dân có nhất thiết dùng tài sản đảm bảo như nhà cửa, sổ đỏ…khi vay vốn NĐ 67?

Theo quy định, khi vay vốn đóng tàu theo NĐ67, người dân có trách nhiệm và cam kết đưa thẻ đỏ cho ngân hàng giữ hộ.

Tại sao lại là giữ hộ mà không phải là thế chấp?

Nếu là thế chấp, khách hàng phải công chứng và thực hiện một số thủ tục khác trước khi đưa sổ đỏ cho ngân hàng. Đằng này, khách hàng chỉ cần đưa sổ đỏ cho ngân hàng giữ hộ để tránh trường hợp khách hàng dùng sổ đỏ vay thêm những khoản khác, gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

Vậy người dân có thể dùng tài sản hình thành trong tương lai là con tàu để thế chấp?

Con tàu là vật thế chấp quan trọng nhất mà bất kỳ người vay nào cũng phải thực hiện. Tuy nhiên, để tránh các trường hợp bất khả kháng như gặp sự cố, tai nạn… khi chưa mua bảo hiểm nên Nhà nước buộc phải bổ sung thêm các điều khoản liên quan như cam kết đưa sổ đỏ cho ngân hàng giữ hộ như đã nêu.

Liệu có làm khó cho ngư dân, khi nhiều người có nhà cửa ổn định nhưng không hoặc chưa có sổ đỏ, trong khi năng lực đánh bắt của họ tốt, điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng trả nợ của họ cao?

Như tôi đã nói, quan trọng nhất vẫn là năng lực tài chính của người dân, nếu ngư dân chứng minh được khả năng trả nợ, chúng tôi có thể xem xét để cho vay vốn. Thực tế có rất nhiều người khi vay vốn họ nói quá về khả năng đánh bắt của mình và cho hay có chuyến thu được vài trăm triệu đồng, song khi kiểm tra thực tế, những điều họ nói không đúng sự thật nên chúng tôi từ chối cho vay. Ngược lại có một số hộ dân dù nhà cửa chưa được khang trang nhưng họ chăm chỉ làm ăn, đánh bắt hải sản tốt, thu nhập ổn định nên được chúng tôi tin tưởng cho vay.

Bên cạnh đó, tất cả các công đoạn thẩm định đều có sự tham gia và xác nhận của chính quyền địa phương, do đó, cho vay trường hợp nào hay không cho vay trường hợp nào chúng tôi đều có lấy ý kiến từ chính quyền địa phương.

Như vậy, điều kiện thực tế của ngư dân có vai trò quyết định trong việc có được vay vốn ngân hàng hay không?

Đúng vậy! Chúng tôi có thể chấp nhận rủi ro nhưng phải ở trong giới hạn cho phép, không thể để mất nguồn vốn của Nhà nước khi cảm thấy món vay chưa an toàn. Hơn nữa, đây đều là món vay lớn, nhất là với tàu vỏ sắt, mỗi chiếc vài chục tỷ đồng chứ không phải ít.

Người dân cho rằng, việc vay vốn đóng tàu theo NĐ67 vẫn còn nhiều khó khăn về thủ tục, nhất là họ không được tự quyết định các hạng mục, thiết kế của tàu cũng như mua sắm máy móc, phương tiện?

Đối với tàu vỏ sắt, thiết kế con tàu buộc phải tuân thủ theo quy định, tức là có bản vẽ và đã được phê duyệt của các cấp có liên quan. Phía ngân hàng không can thiệp vào những vấn đề này, miễn là đáp ứng các tiêu chí từ phía ngân hàng. Tất cả các thủ tục đều theo quy định, chúng tôi không “đẻ” ra thêm bất kỳ thủ tục nào.

Ngư dân thực hiện việc trả nợ thì thế nào, thưa ông?

Với gói vay để đóng tàu xa bờ theo NĐ 67, ngư dân được hỗ trợ lãi suất, chỉ trả lãi suất 1%/năm sau khi giải ngân vốn, số lãi suất còn lại được Nhà nước hỗ trợ, tương đương 6%/năm. Song từ khi thực hiện cho vay đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được khoản bù lãi suất của các bộ ngành liên quan, trong khi vẫn phải giải ngân theo hợp đồng.

Ông có thể cho biết số vốn Agribank đã giải ngân cho vay đóng tàu theo NĐ67 đến thời điểm này?

Đến nay, con số giải ngân của chúng tôi đạt gần 110/151 tỷ đồng đã ký hợp đồng cho vay, với 14 tàu gỗ, 1 tàu vỏ sắt và 3 tàu hậu cần. Từ đây đến cuối năm, trước khi kết thúc chương trình cho vay, chúng tôi sẽ giải ngân toàn bộ số vốn đã ký hợp đồng. Nếu khách hàng có thêm nhu cầu, chúng tôi sẽ xem xét thẩm định cho vay đến 31/12/2017. Hiện, Agribank là đơn vị dẫn đầu trong 4 ngân hàng cho vay theo NĐ67 trên địa bàn cùng với: BIDV, Vietcombank, Vietinbank. 

Ông đánh giá thế nào về khả năng trả nợ của ngư dân và ngân hàng có những cách thức nào để thu hồi nợ tốt?

Khi đã quyết định cho vay, chúng tôi đã tin tưởng vào khả năng trả nợ của khách hàng. Tuy thế, để thu hồi vốn tốt, chúng tôi khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm sau mỗi chuyến đi biển để tích luỹ dần. Từ tài khoản tích luỹ đó, khi đến hạn thu nợ, chúng tôi sẽ trừ dần. Như thế khách hàng vừa có tiền trả nợ, vừa có vốn, vừa có lãi. Ngư dân đã làm theo cách này nhưng tiếc là chưa nhiều.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Tâm Huệ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Lệch pha tăng trưởng

Nguồn vốn huy động vẫn chảy đều vào các ngân hàng, dù lãi suất huy động đang chạm đáy. Trong khi đó, lãi suất cho vay đang ở mức thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng lại không mấy khả quan.

Lệch pha tăng trưởng
Cảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện

Ngày 11/4, cơ quan chức năng huyện Quảng Điền phát đi thông tin cảnh báo: Có một số kẻ xấu lập giả các trang mạng xã hội (MXH) tương tự các trang đã có từ lâu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện để kêu gọi từ thiện nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh báo lập giả trang mạng xã hội để kêu gọi từ thiện
Tài khoản ngân hàng nếu không có nhu cầu sử dụng: Nên hủy

Thủ tục đăng ký mở tài khoản, thẻ ATM khá đơn giản, người dân được miễn phí phát hành thẻ… đó là điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với hệ thống thanh toán hiện đại của ngân hàng. Tuy nhiên, việc một người dân sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản ngân hàng nhưng không sử dụng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tài khoản ngân hàng nếu không có nhu cầu sử dụng Nên hủy

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top