ClockThứ Ba, 27/09/2016 14:44

Ngân hàng Thế giới: "Đã đến lúc Việt Nam không thể làm nông nghiệp theo cách cũ"

Đây là khuyến cáo của ông Ousmane Dinoe - tân Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tại Lễ công bố "Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016, Chuyển đổi Nông nghiệp Việt Nam: tăng giá trị, giảm đầu vào" tại Hà Nội sáng nay 27/9.

Theo Báo cáo của WB, thời gian qua ngành nông nghiệp Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc, trở thành nước xuất khẩu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều... Việt Nam từ nước nhập khẩu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã xuất hiện trên nhiều thị trường quốc tế.

Ông Ousmane Dinoe - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam), thứ 2 từ trái sang

Tuy nhiên, đánh giá tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam, WB cho rằng: Chất lượng nông nghiệp còn thấp, thể hiện qua một số hiện tượng như tỷ suất lợi nhuận của nông dân sản xuất nhỏ còn thấp, tỷ lệ thiếu việc làm trong nông nghiệp còn cao, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn thấp, trình độ sáng tạo công nghệ và thể chế còn non yếu. Tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa vào tăng vụ và tăng sử dụng vật tư đầu vào như phân bón, tài nguyên thiên nhiên (nước).

Tổng Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định: "Ngành nông nghiệp Việt Nam tạo ra sản phẩm nhưng cũng kèm theo một cái giá phải trả về môi trường. Đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa. Tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp cũng tạo dấu ấn môi trường nghiêm trọng. Chúng ta cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân Việt Nam được tốt hơn".

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu đến từ WB, hiện sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương của Việt Nam ngày càng đòi hỏi chi phí đầu vào cao hơn và làm tăng chi phí môi trường. Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều thách thức từ các thảm họa tự nhiên như hiện tượng nóng lên của trái đất, nước biển dâng, xâm nhập mặn gia tăng. Bên cạnh đó, việc chặn dòng các con sông thượng nguồn ở Mê Kông khiến vựa lúa lớn nhất của Việt Nam đang bị đe dọa, cần thay đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng phù hợp hơn.

"Ngành nông nghiệp Việt Nam đang bị canh tranh bởi các yếu tố trong nước như quá trình đô thị hóa, công nghiệp và dịch vụ về lao động, nguồn nước, đất đai. Hệ quả tiêu cực của việc sử dụng thái quá vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên đối với cả môi trường và lợi nhuận của người nông dân đã thể hiện ngày càng rõ. Đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải thực hiện tăng giá trị, giảm đầu vào, tức là phải tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân và người tiêu dùng", báo cáo của WB khuyến cáo.

Theo các chuyên gia WB: Nông nghiệp Việt Nam đang ở ngã ba đường bởi đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước do quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên nhiều lợi thế và chi phí sản xuất thấp.

Thời gian qua để thực hiện chức năng bệ đỡ cho nền kinh tế (ổn định an ninh lương thực cho quốc gia, cho thế giới), WB nhận xét, ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng đã phải trả giá, bộ phận nông dân trồng lúa không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất lúa có giá trị thấp. Do đó, WB cho rằng, cần thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế thị trường và thay đổi của các dạng tài nguyên.

"Việt Nam thực sự không nhất thiết phải sản xuất một lượng lương thực dư thừa bằng 30% sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực trong khi người nông dân trồng lúa có giá trị gia tăng rất thấp. Hầu hết phần chênh lệch giữa sản lượng gạo và tiêu thụ nội địa ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long từ những năm 2000 đến nay đều được xuất khẩu, chủ yếu nhắm vào thị trường giá thấp, chất lượng thấp. Việt Nam đã bị trói buộc bởi thành tựu về an ninh lương thực đối với tăng trưởng ngành nông nghiệp của mình", báo cáo của WB cho biết.

Đặc biệt, theo Ngân hàng Thế giới, một số vấn đề môi trường đang cản trở tăng năng suất lao động và vị thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang đứng trước các cơ hội hứa hẹn cả trên thị trường trong nước và quốc tế nhưng muốn thành công thì các hộ nông dân và DN phải có khả năng tạo ra các sản phẩm có độ tin cậy, chất lượng, an toàn và bền vững.

Theo khuyến cáo của WB, thời gian từ 2025 - 2030, Việt Nam cần tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp một cách bền vững, trong đó đưa tăng trưởng năng suất lao động nông nghiệp phụ thuộc vào tăng trưởng của các yếu tố tổng hợp (TFP) như: tăng trưởng xanh, tăng trưởng dựa vào công nghệ, sinh hóa... Đặc biệt, vai trò của Chính phủ, bộ ngành rất quan trọng với việc tạo ra các cơ chế, quy hoạch và chính sách phát triển của toàn ngành, cụ thể cần có những cơ chế chính sách đặc thù để tạo đều kiện cho các nông hộ sản xuất nhỏ đạt lợi thế quy mô lớn hơn, cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WB nhận được cam kết hơn 11 tỷ USD để ứng phó với khí hậu và thách thức toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cho biết 11 quốc gia đã cam kết đóng góp hơn 11 tỷ USD cho các công cụ vốn kết hợp và bảo lãnh danh mục đầu tư mới, được thiết kế để mở rộng năng lực cho vay của WB thêm 70 tỷ USD trong một thập kỷ, nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch và các thách thức toàn cầu khác.

WB nhận được cam kết hơn 11 tỷ USD để ứng phó với khí hậu và thách thức toàn cầu
Làm nông khép kín - bền & xanh

Khái niệm làm nông theo kiểu "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trong thời buổi hiện nay đã không còn phù hợp, thậm chí được xem là lạc hậu. Thay vào đó là làm nông "khép kín", ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo hướng công nghệ cao.

Làm nông khép kín - bền  xanh
Xây dựng chính sách ưu đãi tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp

Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt khẳng định: năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Xây dựng chính sách ưu đãi tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp
Ngân hàng Thế giới (WB):
Kiều hối xuyên biên giới tiếp tục ở mức cao nhất mọi thời đại

Tạp chí Nikkei Asia ngày hôm nay (28/12) trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, lượng kiều hối quốc tế đã tăng ước tính khoảng 3% lên khoảng 860 tỷ USD vào năm 2023 so với một năm trước đó, đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại trong năm thứ 3 liên tiếp.

Kiều hối xuyên biên giới tiếp tục ở mức cao nhất mọi thời đại
Return to top