ClockThứ Hai, 22/08/2016 13:46
THÔNG TUYẾN BẢO HIỂM Y TẾ:

Ngăn ngừa nguy cơ trục lợi

TTH - Sau 8 tháng triển khai, thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã đem lại lợi ích cho người dân, song, đặt ra không ít thách thức cho cơ sở y tế lẫn ngành chủ quản.

Thực hiện kỹ thuật cao ở Bệnh viện T.Ư Huế 

Thuận tiện

Trước đây, một người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải xác định nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu. Đó có thể là trạm y tế xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện/tỉnh. Khi có nhu cầu KCB hoặc chăm sóc sức khỏe, người dân phải đến nơi đăng ký đầu tiên. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, đơn vị đó sẽ giới thiệu chuyển lên tuyến trên nhưng thông thường sẽ theo tuần tự từ thấp lên cao, từ xã lên huyện, đến tỉnh...

Bắt đầu từ 01/01/2016, người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, huyện và tương đương, không phân biệt địa giới hành chính, miễn phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong phạm vi một tỉnh, người dân có thể từ huyện nọ chuyển sang huyện kia nếu họ không tin tưởng vào chất lượng cơ sở nơi đăng ký KCB. Bà Đặng Thị Bi, Phó Trưởng phòng Giám định chi Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết: Luật thông tuyến chỉ mới áp dụng đối với 3 đơn vị: Trạm y tế xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện huyện trong cùng tỉnh. Nghĩa là, người dân khám chữa bệnh với BHYT  tại 1 trong 3 đơn vị này không cần giấy chuyển tuyến, các vấn đề chuyên môn khác vẫn cần giấy chuyển tuyến như bình thường. Ngoài ra, thông tuyến bao gồm cả trường hợp người có thẻ BHYT được bệnh viện  tuyến huyện chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng.

Khám bệnh cho người dân ở xã Phú Hải (Phú Vang)

Trước đây, tại BV tuyến huyện, trong trường hợp người dân muốn đến các phòng khám đa khoa ở thành phố Huế để khám thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phí KCB. Từ 1/1/2016, tất cả đối tượng trước kia chỉ được thanh toán 70% nhưng nếu trong cùng địa bàn tỉnh thì họ sẽ được thanh toán 100%. Quy định này tạo cơ hội cho người bệnh tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn theo nhu cầu mà không nhất thiết phải theo tuần tự từ xã lên huyện. Chị Đỗ Thị Như ở Vinh Thanh (Phú Vang) cho hay: Trước đây, tôi muốn lên bệnh viện huyện Phú Vang khám phải đến trạm xá xã xin chuyển viện, nhưng bây giờ tôi có thể đến thẳng bệnh viện Phú Vang mà không cần xin giấy chuyển viện”. Chính quy định thông thoáng nên nhiều người đăng ký khám chữa bệnh  BHYT tại huyện Phong Điền nhưng lại đến bệnh viện Hương Trà khám bệnh khi thấy phù hợp. Tình trạng bệnh nhân các huyện đến Bệnh viện Hoàng Viết Thắng, phòng khám đa khoa Medic... khá đông. Lý do mà nhiều người đưa ra, dù các cơ sở này không điều trị nội trú, song máy móc hiện đại, thuận tiện trong việc siêu âm, xét nghiệm để người bệnh yên tâm hơn. 

Lo nguy cơ trục lợi

Không thể phủ nhận những lợi ích về quy định thông tuyến KCB BHYT cả cho người bệnh và cơ sở y tế. Song, nhìn ở một phương diện khác, với cơ chế mới và thoáng này, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT có thể càng thêm phức tạp. Theo thông tin từ BHXH tỉnh, từ khi thực hiện  thông tuyến, có tình trạng bệnh nhân BHYT đi khám bệnh ở nhiều nơi trong cùng một ngày. Dù có nhiều biểu hiện cho thấy nguy cơ trục lợi BHYT từ  thông tuyến  nhưng phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB hiện chưa hoàn thiện. Thế nên, chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau.

Thông tuyến mở ra một giai đoạn phát triển mới cho các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh, đó là sự cạnh tranh bằng chất lượng, với mục tiêu cao nhất là thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Tuy nhiên, người dân được lựa chọn nơi KCB nên  sẽ đến những cơ sở có chuyên môn tốt, trang thiết bị hiện đại hơn và họ sẽ tiếp cận bệnh viện tuyến huyện nhiều hơn tuyến xã. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nơi làm không hết việc, nơi lại ít hoặc không có bệnh nhân.Thông tuyến còn gây khó cho việc thực hiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất. Khi người bệnh chọn nơi KCB là cơ sở khác với nơi đăng ký ban đầu sẽ xảy ra tình trạng quỹ KCB của một số cơ sở sẽ bị bội chi lớn do tăng chi phí đa tuyến.

Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH  tỉnh cho biết: Để quản lý tốt quỹ BHYT bảo đảm đúng người, đúng quyền lợi, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác kiểm tra thẻ BHYT xác định đúng người có thẻ khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ngành BHXH đang đẩy mạnh các biện pháp để đồng bộ hóa phần mềm liên thông quản lý dữ liệu KCB tại các cơ sở y tế. Với phần mềm này, khi bệnh nhân đến KCB chỉ cần gõ mã vạch trên thẻ sẽ xuất hiện thông tin thời gian qua bệnh nhân đã điều trị ở đâu, đã uống thuốc gì. Đây sẽ là cơ sở để từ chối thanh toán chi phí KCB đối với những trường hợp trục lợi.             

Bài, ảnh: Huế Thu - Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên

Aon, công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Báo cáo Khí hậu và Thảm họa năm 2024, trong đó xác định các xu hướng thiên tai và khí hậu trên toàn cầu và ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn nhằm quản lý sự biến động và tăng cường khả năng phục hồi.

Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại kinh tế 65 tỷ USD do các thảm họa tự nhiên
“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm

Truyền thông được xem là “chìa khóa” trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nên BHXH tỉnh không ngừng thay đổi, đa dạng hóa cả về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền nhằm lan tỏa chính sách BH đến với người dân để người dân hiểu và chủ động tham gia.

“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm
Return to top