ClockThứ Tư, 10/08/2016 09:04

Ngành than lại kêu khó, tiếp tục xin giảm thuế tài nguyên

Lý giải nguyên nhân vì sao than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu, đại diện TKV cho rằng, thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Úc, Trung Quốc từ 5 - 7%.

(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị giao ban ngành công thương tháng 7, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hiện tình hình sản xuất của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn do tình hình mưa lũ. Dự kiến, kế hoạch sản xuất 6 tháng cuối năm sẽ giảm về sản lượng.

Lý giải nguyên nhân vì sao than trong nước kém cạnh tranh hơn so với than nhập khẩu, ông Biên cho rằng, thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Úc, Trung Quốc từ 5 - 7%.

Theo đó, Phó Tổng giám đốc TKV đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình việc làm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã đề ra các giải pháp ổn định việc làm bằng cách giảm sản lượng đủ để công nhân mỏ làm việc 5 ngày/tuần.

Theo báo cáo mới đây, kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của toàn TKV đạt 48.247 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch năm, bằng 92% cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu than đạt 24.385 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch năm, bằng 90% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đáng lưy ý, lợi nhuận toàn ngành đạt 150 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch năm. Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đạt 6.889 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và bằng 100% so với cùng kỳ năm 2015.

Đây không phải là lần đầu tiên TKV kêu khó do thuế tài nguyên cao. Trước đó, trong tháng 4, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Năng lượng cho biết, TKV đã có văn bản gửi hai tổng cục này kiến nghị xem xét giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên đối với sản phẩm than nói riêng bằng mức các nước trong khu vực. Cụ thể: than hầm lò 5%, than lộ thiên 7%, không tính phí môi trường trên cả đất đá thải ra trong quá trình khai thác.

Trong văn bản kiến nghị này, TKV từng trình bày: Trong các năm gần đây, ngành Than gặp nhiều khó khăn, bởi nhu cầu năng lượng cũng như giá than trên thị trường thế giới đều giảm, trong đó giá than giảm trên 30%. Thế nhưng, các loại thuế, phí lại tăng chiếm khoảng 15%, gồm: Thuế tài nguyên bình quân 10%; phí môi trường và thuế môi trường khoảng 2,5%; tiền cấp quyền khai thác 2%; các loại thuế, phí khác 0,5%. Ngoài mức thuế và phí nói trên, sản phẩm than trong nước phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng.

Thêm vào đó, theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên sẽ tiếp tục tăng thêm từ ngày 1/7/2016. Theo đó, sản phẩm than khai thác lộ thiên sẽ tăng 12% và than khai thác hầm lò 10%. Theo tính toán, với mức thuế tài nguyên điều chỉnh tăng đồng nghĩa với việc TKV tăng chi phí phải nộp lên khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

TKV cho biết, đối với sản phẩm than xuất khẩu, tổng số thuế sẽ bằng 35% giá thành/tấn than. Theo đó, đơn giá tính thuế tài nguyên, phí môi trường và phí cấp quyền khai thác cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng ngày càng tăng.

Năm 2015, TKV xuất khẩu 1,2 triệu tấn chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và các nước Tây Âu. Cũng trong năm 2015, TKV đã nhập khẩu 460 nghìn tấn than các loại từ Nam Phi, Úc và Nga để cung cấp cho các đơn vị chế biến kinh doanh than trong Tập đoàn để tiêu thụ và pha trộn với than trong nước cấp cho các hộ sử dụng.

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng than trong nước năm 2016 là 47,5 triệu tấn, năm 2020 là 86,5 triệu tấn, năm 2025 là 121,5 triệu tấn và năm 2030 là 156,6 triệu tấn. Đối chiếu với sản lượng Quy hoạch Phát triển ngành Than, dự báo ở các mốc lộ trình nói trên thì Việt Nam sẽ thiếu hụt một lượng than đáng kể. Cụ thể, mức nhập khẩu năm 2016 là 6,5 triệu tấn, năm 2020 là 36,4 triệu tấn, năm 2025 là 67 triệu tấn và năm 2030 gần 100 triệu tấn.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cạnh tranh bằng chất lượng & bao bì, mẫu mã

Xây dựng quy trình sản xuất chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã và đang được nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm áp dụng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Cạnh tranh bằng chất lượng  bao bì, mẫu mã
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống địa phương

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống địa phương, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh triển khai chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương trong khuôn khổ nhiệm vụ đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống địa phương
Return to top