ClockChủ Nhật, 20/03/2016 04:04

“Ngày gió qua sông”

TTH.VN - Trong không gian ấm áp, gần gũi của phòng trà Hoàn Kiếm, đêm nhạc “Ngày gió qua sông” của nhạc sĩ Diệp Chí Huy (đến từ Đà Nẵng) diễn ra tối 18/3 mang đến cho người nghe một chương trình âm nhạc thuần khiết, sang trọng.

Đồng cảm và gần gũi

Không ồn ào, náo nhiệt, “Ngày gió qua sông” diễn ra lặng lẽ nhưng gần gũi, ấm áp ở phòng trà Hoàn Kiếm. Chương trình giới thiệu những ca khúc mới sáng tác của nhạc sĩ Diệp Chí Huy trong album cùng tên vừa được phát hành rộng rãi toàn quốc. Với 16 ca khúc được chắt lọc trong hàng chục tác phẩm, những giai điệu da diết, hoài niệm của “Ngày gió qua sông” mang đến cho người nghe một chút yêu thương, một chút khắc khoải, mong nhớ.

Không chỉ gồm những bản tình ca – chủ đề quen thuộc, bất tận, đêm nhạc còn có những ca khúc viết về cuộc sống hôm nay: Nhức nhối, Kiếp nạn, Chiếc áo gấm, Những bình thường… cùng những ca khúc đã đi vào lòng công chúng, như: Tôi về đếm lại ca dao, Nghêu ngao, Như cây đã khô, Quê quán ơi... Trong “Ngày gió qua sông” còn có các tác phẩm Diệp Chí Huy phổ thơ của bạn bè, như: Thấp thoáng tuổi thơ tôi trên cánh đồng (thơ Văn Công Hùng), Đợi gió sang mùa (thơ Nguyễn Đức Nam)...

Nhạc sĩ Diệp Chí Huy (bên phải) cùng bạn của mình biểu diễn ca khúc trong “Ngày gió qua sông”.

Ngoài sự tự tình của chính tác giả, chương trình còn có sự tham gia của các khách mời đến từ TP. Hồ Chí Minh: Nguyễn Thoa, Đình Dzũ, Thành Nguyễn, Trần Xuân, Hữu Đức. Tiếng hát, tiếng đàn của họ được cất lên tự nhiên bằng một tình yêu thuần khiết với âm nhạc, làm cho người nghe đồng cảm, cùng đắm mình trong giai điệu, giao hòa với người nghệ sĩ.

“Ngày gió qua sông” là tên một ca khúc của nhạc sĩ Diệp Chí Huy. Đó là một ca khúc cuốn hút người nghe bởi giai điệu nhẹ nhàng, ca từ đẹp như một bài thơ: “Hoa cải vàng đã lìa bỏ triền sông/ Những cái tên đã lìa bỏ mặt người/ Con nước ròng đã lìa bỏ triền sông/ Chảy ngang qua xóm nhỏ nhà em/ Và bầu trời đã lìa bỏ những vì sao/ Anh nông phu đã lìa bỏ đồng làng/ Chiếc yếm đào đã lìa bỏ hàng cau/ Lời ru đã lìa bỏ môi người/ Rồi một ngày tất cả sẽ dần phai/ Như bóng ai băng qua cánh đồng”…

Nhạc sĩ tâm sự: “Ca khúc “Ngày gió qua sông” là nỗi ám ảnh, đến bất chợt trong lần tôi đi qua cầu sông Hàn vào buổi trưa hè, lúc ấy gió mạnh đến mức như muốn thổi bay cả tôi và chiếc xe đang đi. Gió bên này sông hiền hòa nhưng bên kia sông rất mãnh liệt. Tự nhiên tôi liên tưởng đến ngày khốc liệt nhất của đời người, cuối cùng, tất cả mọi người đều phải “qua sông”. Nghĩ đến sự hữu hạn của đời người để mọi người sống tử tế hơn, làm những việc có ý nghĩa là thông điệp tôi gửi gắm qua bài hát”.

Nghe ca khúc của anh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Tổng biên tập tạp chí Nghề báo từng chia sẻ rằng: “Nghe bài hát của anh, người ta bị lôi cuốn bởi sự da diết, bởi sự day dứt, bởi ca từ đau đời, nhức nhối. Anh có lối nhấn nhá giai điệu mà tôi không biết dùng từ gì để nói, nó như hơi thở của đại ngàn, của nắng lửa miền Trung, của xa vắng kiếp người. Tôi thích tựa “Ngày gió qua sông”, nó chất chứa cả niềm tiếc nuối, trông mong và khao khát”.

“Nghêu ngao” cùng đời sống

Cùng chủ đề này, nhạc sĩ Diệp Chí Huy đã tổ chức hai liveshow ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Cùng với những người bạn của mình, anh cũng đã tổ chức concert tour từ mùng 6 đến 14 Tết Bính Thân  từ Bình Định đến TP Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Diệp Chí Huy tốt nghiệp Đại học Thủy sản tại Nha Trang rồi về Đà Nẵng sinh sống. Sinh ra từ gia đình có truyền thống âm nhạc, cha anh là một nghệ sĩ violon và guitar. Cha mất khi còn nhỏ, nhưng trong tiềm thức, anh được nuôi dưỡng và truyền dẫn bởi niềm say mê âm nhạc của cha. Trải qua tuổi niên thiếu ở Bình Định, hành trình anh Huy đến với âm nhạc hoàn toàn bằng cách tự học, học từ sách vở, bạn bè và những bậc đàn anh. Với hơn trăm ca khúc đã sáng tác và phổ biến, Diệp Chí Huy là một trong những gương mặt quen thuộc của âm nhạc Đà Nẵng thời gian gần đây.

Năm 2004, Diệp Chí Huy lên đường bắt đầu cuộc mưu sinh phiêu dạt ở một số nước châu Phi, như: Togo, Benin, Ghana, Nigieria, Bukinafaso. Thời gian sống ở châu Phi, anh tìm kiếm, nghiên cứu một số hình thái văn hóa âm nhạc ở xứ sở này, cách những người nhạc công da đen sử dụng trống vỗ Djembe, quan sát điệu nhảy hoang dã Mapouka. Những ngày sống trên đất khách đã ảnh hưởng lớn đến phong cách, tạo tính cách âm nhạc riêng có của người nhạc sĩ với vẻ ngoài bụi bặm này. Đặc biệt, Diệp Chí Huy vận dụng khá thành công thể loại âm nhạc những người da màu yêu thích Bob Marley là Reagae vào trong ca khúc của mình như “Nghêu ngao” anh viết lúc ở Togo và “Như cây đã khô” viết khi về Việt Nam. Có lẽ thế nên ca khúc của Diệp Chí Huy dù buồn nhưng không ủy mị, cũng không ồn ào mà sâu lắng, khắc khoải.

Ngoài chủ đề về tình yêu, âm nhạc của Diệp Chí Huy còn phản ánh những vấn đề nhức nhối của cuộc sống đương đại: trẻ em bị bạo hành, tai nạn giao thông, người nông dân mất ruộng, xây tượng đài nghìn tỷ… qua chùm bài hát: Nhức nhối, Kiếp nạn, Những bình thường, Chiếc áo gấm… Ca khúc lạ nhất của anh là bài “Lumantang – tình yêu của mẹ”, viết sau khi anh đọc xong phóng sự Lumantang của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đăng trên báo Lao Động. Nhiều ca khúc của anh, như: Quê quán ơi, Như cây đã khô làm nhiều người xa xứ không cầm được nước mắt.

Ca từ được chọn lọc tinh tế, trau chuốt trong giai điệu và tiết tấu, những ca khúc của Diệp Chí Huy trẻ trung, mạnh mẽ, tự nhiên như hơi thở đời thường mà day dứt tha thiết, tạo được sự sâu lắng, sang trọng trong ngôn ngữ âm nhạc, gợi sự đồng cảm, chia sẻ với người nghe. Nhiều người cho rằng, Diệp Chí Huy có phong cách âm nhạc tử tế, mới mẻ, sang trọng. Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng nhận xét rằng: "Những ca khúc của Diệp Chí Huy là một thứ âm nhạc tử tế đang còn nằm trong bóng tối, rất cần sự chia sẻ". Nhạc sĩ Diệp Chí Huy cũng tự sự: “Phụng sự âm nhạc tử tế là điều mà các bậc nhạc sĩ đàn anh đã từng lo lắng, trăn trở suốt nhiều năm. Tôi cũng vậy…”.

Có lẽ chính từ những suy nghĩ tâm huyết với âm nhạc như thế mà nhạc sĩ Diệp Chí Huy, bằng con đường âm nhạc “nghêu ngao” của mình, đã âm thầm làm ra những tác phẩm mang đậm hơi thở, nỗi niềm của cuộc sống này.

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top