ClockThứ Bảy, 19/11/2016 12:04

“Ngày thầy giáo”

TTH - Từ khi làm nghề thầy giáo, “Ngày 20/11” hằng năm đối với tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. 50 năm dạy học, trong đó có 30 năm ở miền Băc, 20 năm sau giải phóng, dạy đủ các cấp , tại gần 20 trường của gần 10 tỉnh để lại cho tôi biết bao ý tưởng, cảm xúc.

Nhớ lại năm 1958, năm đầu tiên ra đời “Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”, tại Trường sư phạm trung cấp Trung ương Hà Nội, nơi tôi dạy bộ môn Sinh vật, đào tạo giáo viên cấp 2, Ban Giám hiệu tổ chức một lễ hội tưng bừng, mừng các thầy cô và cả giáo sinh.

Cái ngày ấy đã gieo trong lòng tôi một suy nghĩ mới. Người thầy giáo chỉ có giá trị khi tiếp xúc đối tượng là học trò. Có học trò thì người dạy dỗ các em mới có ý nghĩa, “người thây” mới có vai trò trong xã hội. Đào tạo con em của họ “nên người” là một nhiệm vụ đâu có dễ dàng. Xã hội có một ngày trong năm dành cho những người thầy là dịp để bày tỏ sự biết ơn, sự tri ân, nhắn nhủ. Đáp lại, “người thầy phải ra thầy” là một yêu cầu. Thầy giáo có yêu nghề mới dạy hay, mới yêu trường, gắn bó với nó, thương yêu học trò và cái ngày 20/11 dành cho các thầy, cô mới có ý nghĩa. Đẹp thay khi học sinh, từ nhỏ đến lớn mang bó hoa đến tặng thầy, cô đang dạy, hoặc không còn dạy, mới hay cũ, trẻ hay cao tuổi. Trời ngày ấy mưa hay nắng, lạnh hay nóng, các học sinh không quản ngai. Tinh cảm thầy trò tự nhiên tạo ra những nụ cười thân thiết, lời nói âu yếm làm xáo động lòng người.

Tôi nghỉ hưu nhưng vẫn nhớ cái “ngày 20/11” hằng năm. Tôi không ngờ hơn mấy chục năm nay, các lớp học sinh cũ vẫn còn nhớ cái ngày ấy dành cho tôi... Thiếp hoa, e-mail, cú điện thoại...khắp nơi gửi về chúc mùng, chúc thọ thầy giáo cũ. Đây là một niềm vui lớn ngang với một liều thuốc trường sinh!

Đặc biệt, cũng trên mười mấy năm nay các bạn đồng nghiệp cùng dạy với tôi ở một trường ngoài Phong Điền có tên thay đổi nhiều lần và gắn bó với cuộc đời làm thầy của tôi. Ngôi trường đó mang tên”Trường 2-3 Phong Chương”. .

 Ngôi trường này có một lịch sử bắt đầu từ 1950. Sau khi nước nhà độc lập năm 1945, thì đến 1946 chiến tranh toàn quốc bùng nổ.Vùng đất ven biển Phong Điền bị giặc Pháp chiếm đóng. Lô cốt giặc khắp nơi, xung quanh phá Tam Giang. Thế mà có một ngôi trường nhỏ ra đời ngay ở giữa vùng cát trắng, một “chiến khu đồng bằng” mang cái tên rất hợp với hoàn cảnh đất nước bấy giờ là “kháng chiến”. Đó là “Trường trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diễu”. Tồn tại ngắn ngủi do chiến tranh, trường phải giải thể và chuyển ra miền Bắc, mãi đến năm 1975 mới lập lại và nâng lên cấp 3. Tên mới là “Trường 2-3 Phong Chương”. Tôi trở lại dạy nhưng chỉ dạy môn tiếng Pháp mà thôi.

 Sau 5 năm đóng ở Phong Chương, trường được chuyển về huyện ly Phò Trạch, đổi tên thành “Trường 2-3 Phong Điền”. Đội ngũ giáo viên toàn từ Huế ra. Những thầy cô dạy ở đây lâu năm dần được chuyển vào dạy các trường lớn ở Huế. Đến nay, chỉ có một vài người còn ở lại vì họ xây dựng gia đình tại địa phương. Tuy xa ngôi trường mà họ đã gắn bó hàng chục năm nhưng họ vẫn không quên trường cũ, bạn bè đồng nghiệp cũ, cả học trò cũ nay đã trưởng thành. Thầy Hiệu phó Nguyễn Tiếp với trợ lý là Nguyên Sĩ Thụy có sáng kiến hàng năm đến ngày 20/11 tổ chức một cuộc gặp mặt thân mật của những thầy cô từng dạy ở Phong Chương, Phò Trạch nay chuyển vào Huế hay về hưu. Mỗi năm, số lượng ngày càng đông vui. Năm nay số lượng các thầy cô và học sinh cũ (nay đã là công chức) lên tới trên 25. Thầy Tiếp mời luôn cả các phu nhân, phu quân đến dự cuộc họp mặt. Cuộc gặp thứ hai mươi mấy rồi nói lên ý nghĩa cao đẹp của “ngày 20/11” dành cho nhà giáo, phát huy tinh thần “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “quân sư phụ”... của cha ông ta để lại. Đẹp thay nhóm thầy cô giáo trường 2-3 Phong Điền, nay mang cái tên mới là “Trường trung học phổ thông Phong Điền” của Thừa Thiên Huế, luôn nhớ về cội nguồn. Găp nhau tay bắt mặt mừng, hàn huyên thân mật, kéo dài hàng giờ mà vẫn không muốn rời nhau.

 Tôi yêu cái ngày đó và tự hào biết bao! Cuộc gặp tuy ngắn ngủi nhưng đầy thân thương, tầm lòng các anh chị em trường cũ đối với tôi thật là tuyệt diệu. Tôi mong còn có dịp như thế nhiều năm nữa, mặc dầu năm nay tôi ngoài 90!

NGƯT THÂN TRỌNG NINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Từng là đầu bếp của một nhà hàng hạng sang ở TP. Hồ Chí Minh, cháu gái tôi quyết định về lại Huế làm việc. Một buổi đi làm, buổi còn lại nhận làm bánh sinh nhật. Khách thấy mẫu mã đẹp lại đặt hàng nên có việc làm quanh năm. Cộng hai khoản tiền thu nhập, cháu tôi bắt đầu có tiền dành dụm.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề
Return to top