ClockChủ Nhật, 15/04/2018 11:47

Nghề kiến trúc: Cần đam mê & cả dấn thân nữa

TTH - Một thời kiến trúc được xem là nghề “sang chảnh”, mang lại thu nhập cao nên không ít bạn trẻ lựa chọn “đầu quân” cho ngành học này. Nhưng thực tế đây là một nghề khắc nghiệt đối với kiến trúc sư trẻ, nhất là khi nhu cầu thị trường việc làm ngày càng bão hòa.

Từ tình yêu Huế

CLB Kiến trúc sư trẻ Huế tham gia Liên hoan Kiến trúc sư trẻ toàn quốc

Khó khăn và kiên trì

Bạn N.T.H, sinh viên năm cuối Khoa Kiến trúc Trường đại học Khoa học Huế tâm sự, khi học năm đầu THPT cũng là thời điểm ngành kiến trúc đang “hot”.  “Có khiếu mỹ thuật, lại nghĩ đây là nghề có thu nhập cao nên mình quyết định theo ngành kiến trúc. Không ngờ khi theo học mới biết đây là nghề không hề đơn giản”.

Theo H., năng khiếu mỹ thuật chỉ là điều kiện cần. Bởi, ngành kiến trúc đồng đòi hỏi sinh viên cần trang bị kiến thức ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ toán, vật lý cho đến công nghệ thông tin để sử dụng các phần mềm chuyên dụng. Chưa kể, người học phải không ngừng tìm tòi, học hỏi để bắt kịp các xu thế chuyển động về kiến trúc, nhu cầu của thị trường. Chuyện tìm thầy học ngoài gần như là điều bắt buộc nếu muốn trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm. “Thầy” có thể là đàn anh khóa trên, kiến trúc sư có kinh nghiệm hay thậm chí là bạn bè.

Trước những thử thách, một số sinh viên nhận thấy khó bắt kịp với nghề và có những “ngã rẽ” cho riêng mình. Ngay bản thân H., thời điểm tốt nghiệp đã cận kề nhưng vẫn mông lung về tương lai. Cung vượt cầu, lượng công việc đúng ngành học dành cho sinh viên mới ra trường lại càng ít ỏi. “Nhiều người bạn của mình đã chuyển hướng sang chụp ảnh, làm đồ handmade để kiếm tiền chứ không còn tha thiết với nghề”, H. cho biết.

Giờ học của sinh viên kiến trúc Trường đại học Khoa học Huế

Khó khăn, thử thách cũng là sự sàng lọc và “thưởng công” cho những sinh viên nhiệt huyết với nghề, yêu nghề và dám đối diện để vượt qua. Bạn G.H, sinh viên năm cuối Khoa Kiến trúc cho biết, để trau dồi kiến thức đã đăng ký học việc tại một công ty ngay từ đầu năm 3 đại học với mức phụ cấp 800 nghìn đồng/tháng. Mức thù lao ít ỏi đến mức bạn bè thường đùa còn ít hơn lương nhân viên chạy bàn. “Lúc đầu cũng nản lắm, chỉ được giao việc lặt vặt, thậm chí chẳng liên quan đến chuyên môn. Kiên trì, dần tích lũy kinh nghiệm, được đàn anh đi trước chỉ dạy nên mình đã có thể đảm nhận những công việc chính, mức phụ cấp cũng được tăng lên 3 triệu đồng/tháng. Công ty sẵn sàng nhận làm việc chính thức ngay khi mình tốt nghiệp”, G.H hồ hởi.

Hiện G.H đã có đủ kinh nghiệm và tự tin nhận thiết kế một số công trình vừa và nhỏ như nhà hàng, quán café… Ngoài thu nhập từ công ty, G.H còn nhậm thêm việc ở ngoài để làm với thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy ban đầu còn khá bỡ ngỡ do phải “tự thân vận động” trong tất cả công đoạn, từ tính toán, thiết kế đến xin giấy phép xây dựng, nhưng đây lại là cơ hội để G.H tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá.

Dám thay đổi

Anh L.H.Đ, mới tốt nghiệp ngành kiến trúc năm ngoái cho biết, ngay từ khi còn đi học anh đã nhận công việc diễn họa để kiếm thêm thu nhập. Khác với thiết kế kiến trúc, việc diễn họa chỉ cần nhận bản vẽ chi tiết có sẵn từ khách hàng rồi trên cơ sở đó dựng thành ảnh 3D, mô phỏng hiện thực ảo của công trình.

Công việc này không đòi hỏi quá nhiều chuyên môn mà thiên về kỹ năng sử dụng phần mềm và khiếu thẩm mỹ. Một sản phẩm diễn họa mất khoảng 3 - 5 ngày để hoàn thành và mang lại thu nhập trên dưới 4 triệu đồng, tùy theo khối lượng công việc. Một tháng chỉ cần nhận làm 3-4 sản phẩm là đủ sống dư dả. Với thu nhập thuộc mức khá như vậy, H.Đ quyết định dừng theo đuổi ngành học để “làm giàu”.

“Làm diễn họa chỉ có thể giải quyết chuyện tiền nong tức thời chứ không bền. Trở thành kiến trúc sư vẫn luôn là mong ước bấy lâu nay nên mình quyết định làm lại từ đầu. Lúc trước ham kiếm tiền nên mình thường bỏ bê việc học, làm diễn họa lâu nên cũng quên hẳn nghề chính, khi bắt đầu lại cảm thấy lạ lẫm và khó thích nghi. Cũng may được đàn anh đi trước giúp đỡ làm quen lại từ đầu”, H.Đ tâm sự.

Hiện nay, H.Đ đang làm việc tại một công ty kiến trúc tầm trung với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với việc diễn họa nhưng anh vẫn luôn nuôi mơ ước, không ngừng cố gắng học hỏi để trở thành một kiến trúc sư với những công trình có chất lượng cao.

Ông Phan Thế Đạt, Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư tỉnh cho biết, số lượng sinh viên kiến trúc được đào tạo và tốt nghiệp hàng năm khá lớn nhưng lượng công việc ở Huế chưa đáp ứng. Thị trường việc làm hiện rất khắc nghiệt, đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm nên sinh viên mới ra trường khó có thể đáp ứng. Muốn thành công, sinh viên kiến trúc cần không ngừng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có thể đáp ứng được công việc ngay khi ra trường. Hiện nay, Hội Kiến trúc sư tỉnh đã thành lập CLB Kiến trúc sư trẻ. Hằng năm CLB đều tổ chức các hoạt động nâng cao chuyên môn, thể dục thể thao và tham gia các sự kiện giao lưu với các CLB Kiến trúc sư trẻ trong cả nước.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thỏa đam mê & phát triển toàn diện

Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, các trường học đã hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), từ CLB học thuật đến sở thích. Không chỉ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, các CLB còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thỏa đam mê  phát triển toàn diện
Đam mê vượt lên bệnh tật

Giữa tháng 12 vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra giải đấu Vietnam Powerlifting Competition (VPC) 2023. Giải đấu có sự góp mặt của nhiều vận động viên trên toàn quốc, trong đó có đội tuyển Powerlifting đến từ Huế, do anh Nguyễn Thanh Vỹ (1997) dẫn dắt. Rời Sài Gòn, các bạn trẻ Cố đô mang theo vinh quang trở về khi cả 4 thành viên đều giành được huy chương. Trong đó, phải kể đến vận động viên (VĐV) Hoàng Trần Trọng An (1999) khi mà mới hơn 2 năm trước, VĐV này vẫn còn tuyệt vọng vì thoát vị đĩa đệm nặng, có nguy cơ liệt vĩnh viễn.

Đam mê vượt lên bệnh tật
Nhà khoa học Huế đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên

Tại Lễ trao Giải thưởng “L’ORÉAL - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung gây ấn tượng với hình ảnh “rất Huế” khi thuyết trình với quan khách về đề tài nghiên cứu liên quan đến tiềm năng và ứng dụng những cây dược liệu đặc hữu ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong hỗ trợ điều trị bệnh phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chị là một trong 3 nhà khoa học nữ được L’ORÉAL - UNESCO vinh danh năm 2023.

Nhà khoa học Huế đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top