ClockChủ Nhật, 23/04/2017 12:57

Nghề... “ngồi đồng”

TTH - Mỗi lần la thằng út chuyện học hành, lần nào câu cuối cùng ba tôi cũng “chốt”: “Không lo học hành chăm chỉ, siêng năng, thì sau này chỉ có nước thất nghiệp. Suốt ngày lông bông, uống cà phê đến hết ngày như cái đám thanh niên ngoài kia thôi con ơi”…

“Phố ngồi đồng” trên đường Phạm Hồng Thái

Nếu cái “đám” nam thanh nữ tú ngồi ngoài kia mà nghe ba nói vậy chắc ấm ức lắm. Người ta phần lớn có nghề nghiệp hẳn hoi, chỉ là thời gian làm việc hơi lệch so với thiên hạ.

Uống cà phê… “nuôi gia đình”

Một lần, có đứa bạn đến nhà chơi, gặp đúng lúc thằng út bị ba la như thế, bạn tôi giảy nảy: “Người ta uống cà phê để chờ kiếm cơm thôi đó bác. Chỉ dân công sở mới làm việc giờ hành chính. Chứ những người làm nghề tự do, thì câu nệ gì giờ giấc”. Rồi nó vỗ vào ngực bạch bạch mà bảo: “Cháu là chuyên gia “ngồi đồng” cà phê đây. Nhưng việc làm không hết, ai bảo cháu thất nghiệp?”. Nó là dân làm sales có thâm niên gần chục năm nay trên đất Huế.

Bạn tôi bảo, ở Huế có nhiều quán cà phê mà dân sales suốt ngày ngồi. Như quán cà phê ở góc đường Lê Viết Lượng, Chi Lăng, Nguyễn Hữu Thọ, Tăng Bạt Hổ, Phạm Hồng Thái… Cứ nhà phân phối “đóng đô” ở đâu, thì dân sales sẽ tề tựu ở quán cà phê ngay gần đó. Nó bảo, buổi sáng ra cà phê “họp giao ban”.

Tò mò, tôi theo chân đứa bạn ra “phố ngồi đồng” cà phê trên đường Phạm Hồng Thái - như cách gọi của nó - lúc 8 giờ sáng, dù mặt trời đã lên cao, dù trên phố, dòng người vẫn hối hả trôi đi nhưng, người uống cà phê trong các quán trên con đường này cứ như thể “mọc rễ”...

Một thanh niên thấy tôi cứ ngó quanh liền hỏi: “Lần đầu uống ở khu vực này hả?”. Lân la bắt chuyện một lúc, anh ta giới thiệu là Nguyễn Minh Hùng - và bảo, ở đây hầu hết là những người làm nghề tự do, hoặc các công việc không bị ràng buộc về thời gian như những nhân viên văn phòng. “Họ làm đủ ngành nghề, từ nhân viên cho đến ông chủ. Nhưng nhiều nhất vẫn là dân làm sales (nhân viên kinh doanh). Sales ngân hàng, sales bất động sản, sales hàng tiêu dùng, sales  bảo hiểm… đủ cả”.

Nguyễn Minh Hùng năm nay đã ngoài 30 tuổi, có thâm niên gần 10 năm làm sales cho các nhãn hàng gia dụng, bây giờ Hùng đã là giám sát. Cứ sáng sáng, dắt xe ra khỏi cửa là Hùng đến thẳng quán cà phê này. Do đặc thù công việc nên buổi sáng anh em gặp gỡ nhau tại quán, vừa uống cà phê, vừa triển khai kế hoạch cho một ngày làm việc mới. Buổi chiều, anh em lại gặp nhau ở quán, “chốt” lại đơn hàng sau một ngày vất vả bôn ba. Nói tóm lại, sáng - chiều đều “vác mặt” ngồi ngoài quán, nên nhiều khi anh em hay nói vui với nhau là uống cà phê nuôi gia đình. Nhiều người không hiểu, cứ nhìn thấy toàn thanh niên “ngồi đồng” trưa nữa ngày chưa chịu về nên mới có chuyện, Hùng cười cười.

“Làm nhân viên kinh doanh mà suốt ngày ngồi ở công ty sao bán được hàng”. Hùng kể, hồi anh theo đuổi người yêu, cũng chính là vợ anh bây giờ, có người họ hàng bên nhà vợ còn rỉ tai với cô ấy, bảo: “Thằng đó là dân lông bông, chứ có nghề ngỗng gì đâu. Suốt ngày tau thấy nó ngồi ngoài quán. Sáng đi làm thấy nó với một đám ngồi tán dóc, chiều về cũng thấy nó ở đó. Vậy mà bảo là đi làm này kia, coi chừng bị lừa…”.

Hồi Hùng vào nghề, nghề sales còn chưa thịnh như bây giờ. Đi bán hàng, chào hàng, mới sáng sớm đã “mò” vào cửa hàng, người ta còn chưa kịp bán “mì xưa” mà mình đến “ám”, chỉ có nước bị… đuổi thẳng cổ. Cho nên, dân sales lúc nào cũng sau 9 giờ mới xuất phát. 11, 12 giờ trưa, trời nắng chang chang, quán, chợ thưa khách, chủ quán nghỉ ngơi, mình vào chào hàng mới dễ.

Gian nan bám nghề

Đặc tính của dân làm sales là phải siêng năng, chăm chỉ, và nhất là tính kiên trì, nhẫn nại. Nếu không nhẫn nại, sẽ nhanh chóng bị đào thải ngay. Như trường hợp của Hòa. Hòa năm nay 24 tuổi, vừa “nhập môn” non một tháng, nhưng đang tính đến chuyện… bỏ nghề. Nhãn hàng mà Hòa đang làm vừa mới ra đời, đang tìm cách chiếm thị phần. Doanh số công ty đưa ra là 30 triệu đồng/1 tháng. Mỗi ngày, ít nhất Hòa phải “kiếm” được 1 triệu đồng. Nhưng rong ruổi khắp các cung đường, từ phố về huyện, đội nắng đội mưa, nói rả miệng nhưng có ngày Hòa phải về tay không. Nản lòng, Hòa đang tính quay lại với nghề kéo cáp dây điện.

Theo anh Hùng, làm sales phải thường xuyên đối đầu với những cái lắc đầu lạnh lùng của khách hàng. Nhiều khi đi chào hàng 10 nơi, nhưng chỉ 1 nơi khách hàng đồng ý. Những người mới vào nghề, thường khó chịu đựng được những cái lắc đầu đó. Nhưng một sales chuyên nghiệp, họ sẽ kiên trì, đôi khi còn “lì lợm đeo bám” để chinh phục được khách hàng. Nghề này, chủ yếu là nghề dạy nghề, người trước chỉ dạy cho người sau. “Chỉ cần có tính kiên trì, lại thêm khiếu ăn nói, hiểu tâm lý người khác là có thể dễ dàng gia nhập đội ngũ sales mà không cần bằng cấp”, anh Hùng cho biết. Nhưng làm sales bán hàng, không dành cho những người đã quen sống cảnh sung sướng, nhàn hạ. Bao nhiêu năm tuyển dụng nhân viên, theo Hùng, ít khi sinh viên mới ra trường chấp nhận làm nghề này dù đang thất nghiệp. Nếu có làm, “tuổi thọ” với nghề của họ cũng không cao, dễ bị đào thải.

Là một cử nhân ngành sư phạm, kinh qua đủ công việc, Trần Quang (33 tuổi) mới dừng lại với nghề sale. Quang bảo, những ngày đầu chở hàng mẫu đi chào, bán hàng, rồi tư vấn cho khách, nhiều lúc cũng thấy ngại. Ngại nhất là khi khách hàng thấy mặt, chưa kịp mở miệng đã bị “đuổi như đuổi tà”. Bởi nhiều người cứ nghĩ rằng, chỉ có sản phẩm không tốt, kém chất lượng mới cần sales đi… bán dạo. Nhưng họ đâu biết, sales chính là cầu nối giữa khách hàng với công ty. Trong maketting, sales chính là công cụ truyền thông cá thể hiệu quả nhất.

Quang kể, có những lúc nhắm được khách hàng tiềm năng, anh phải đứng chầu chực ngoài cửa đến 1 – 2 tiếng đồng hồ, vì cửa hàng buôn bán quá đắt, khách vô ra liên tục, nên Quang chẳng thể chen ngang để chào hàng. Rồi có những khách hàng, anh phải đi đi lại lại cả chục lần, mới bán được hàng. Những ngày gian khổ đã qua, theo thời gian, Quang yêu nghề lúc nào chẳng hay. Dù khách khó tính mấy, Quang cũng nghĩ được cách để chinh phục. Bây giờ, Quang đang được nhiều công ty chèo kéo về.

Cũng như nhiều ngành nghề khác, sales cũng chịu áp lực rất lớn từ doanh số và khách hàng. Đầu tháng, sales có thể thỏa thích la cà, ngồi đồng cà phê, nhưng đến cuối tháng lại “vắt chân lên cổ” để chạy doanh số. Có nhãn hàng, doanh số của sales mỗi tháng chỉ vài chục triệu, nhưng cũng có nhãn hàng doanh số lên đến hàng trăm triệu, hoặc cả tỷ đồng. Có người nói, làm sales cạnh tranh rất khốc liệt. Bởi “thương trường là chiến trường”, chỉ cần bạn “buông súng” trong một khoảnh khắc là bị đối thủ hạ gục ngay. Thế nên, cứ nhìn “một đám” thanh niên mỗi sáng nhàn hạ “mọc rễ” ở các quán cà phê thì đừng nên hiểu nhầm, “vơ đũa cả nắm”…

Bài, ảnh: LINH CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng nghề nghiệp tại Cộng hòa liên bang Đức

Chiều 23/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Hội hữu nghị Việt - Đức tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội “Hành trang du học và định hướng nghề nghiệp tại Cộng hòa liên bang Đức”.

Định hướng nghề nghiệp tại Cộng hòa liên bang Đức
Một nghề cho chín...

Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được định hướng phát triển theo hướng mở, linh hoạt, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp; trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng theo nhu cầu ngành, lĩnh vực, giúp người lao động vững tay nghề, chắc công việc.

Một nghề cho chín
Cập nhật kiến thức, ngành nghề mới vào đào tạo

Xã hội luôn vận động không ngừng, nhu cầu công việc cũng có sự thay đổi tương ứng. Vì vậy, những kiến thức, ngành nghề mới phải cập nhật liên tục vào chương trình đào tạo đại học.

Cập nhật kiến thức, ngành nghề mới vào đào tạo
Thành lập Tổ Hội nông dân nghề nghiệp trồng củ riềng

Tổ Hội Nông dân (HND) nghề nghiệp trồng củ riềng tại xã Quảng Thái (Quảng Điền) được thành lập và ra mắt ngày 31/10. Đây là tổ hội nghề nghiệp trồng củ riềng đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động.

Thành lập Tổ Hội nông dân nghề nghiệp trồng củ riềng
Return to top