ClockThứ Tư, 01/05/2019 10:08

Nghệ nhân quốc tế kể chuyện giữ nghề truyền thống

TTH.VN - Trong không gian Bảo tàng Văn hóa Huế (23-25 Lê Lợi) hàng chục nghệ nhân quốc tế đến từ nhiều làng nghề nổi tiếng khác nhau của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc miệt mài kể về câu chuyện gìn giữ nghề truyền thống của mình. Không ồn ào, nhưng cách mà nghệ nhân ấy “kể chuyện” luôn cuốn hút người xem.

Cuộc hội ngộ của những nhà tơ lụa hàng đầu Việt Nam15 sản phẩm trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 đạt giải bình chọn sản phẩm tiêu biểuNơi làng nghề tỏa sáng

Nghệ nhân Shim Young Mi  - Hàn Quốc (phải) trình diễn kỹ thuật đan sợi truyền thống 

Ở đó, câu chuyện gìn giữ, phát triển và đưa sản phẩm nghề truyền thống của những làng nghề của các nước được mỗi nghệ nhân chú trọng. Bởi với họ, nghề truyền thống đã ăn sâu trong máu, linh hồn mà cha ông từ ngàn xưa để lại, không còn cách nào khác, phải phát huy.

Được bài trí ở một không gian nhỏ ngay phía sau Bảo tàng Văn hóa Huế, gian hàng đan sợi của các nghệ nhân đến từ Hiệp hội nghề truyền thống Hàn Quốc từ ngày khai trương luôn nhộn nhịp người yêu thích tìm đến để tìm hiểu và mua làm quà. Những chiếc vòng đeo tay, đeo cổ, hay những chiếc nơ trang trí đủ màu sắc được đôi bàn tay nghệ nhân đan rất điêu luyện.

Sau một hồi tìm hiểu, nhiều người mới biết rằng đó là kỹ thuật đan sợi Knot – một loại hình đan sợi nổi tiếng của Hàn Quốc, có nét tương đồng với nhiều kỹ thuật đan sợi khác trên thế giới.

Ngồi ngay ngắn trong bộ trang phục truyền thống Hanbok, nghệ nhân Shim Young Mi thoăn thoắt trình diễn cho nhiều người xem kỹ thuật đan sợi. Ít ai nghĩ rằng người nghệ nhân 74 tuổi này có hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống mà cha ông mình đã để lại. “Tôi yêu nghề này như yêu chính bản thân mình” – bà Mi mở đầu câu chuyện.

Bà Mi kể rằng, nghề này có từ xa xưa, ngày đó họ dùng kĩ thuật này chỉ đơn giản để thắt những múi dây để buột các vật dụng phục vụ cuộc sống đời thường. Nhưng đến thời kỳ Koryo, kỹ thuật ấy đang được người ta phát triển lên, các sản phẩm đẹp mắt bắt đầu hình thành, các kỹ thuật cao cấp được nghiên cứu để ứng dụng.

Ứng dụng cụ thể nhất đó là những sợi đan ấy được đưa lên trang phục truyền thống Hanbok của người Hàn. Tùy theo từng bộ trang phục mà nghệ thuật này được biến tấu theo từng thời đại. Đặc biệt, kỹ thuật đan sợi còn được trang trí trên các loại nhạc cụ truyền thống, hoặc trong vật dụng cung đình. “Vốn dĩ văn hóa này có khắp các nước Đông Nam Á, tuy nhiên hiện nay một vài nước không còn phát triển nhiều, vì thế Hàn Quốc đang cố gắng cứu sống nghề này. Bởi vậy, ở Hàn Quốc nghề của tôi đang được ứng dụng và phát triển rất tốt”, bà Mi chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi nghĩ sao về các làng nghề truyền thống ở Việt Nam đang được trình diễn tại ngày hội Festival Nghề truyền thống Huế 2019, bà Mi nói rằng các làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề Huế rất đa dạng, phong phú. Bà kể rằng, đã tự mình về làng mây tre đan Bao La ở Quảng Điền để tận mắt xem các công đoạn làm ra sản phẩm.

Bà rất ấn tượng và vui khi các sản phẩm ấy cũng như những sản phẩm nghề truyền thống của quê hương mình được phát triển, và thị trường đón nhận rất tốt. “Cũng như chúng tôi, hy vọng rằng làng nghề Việt Nam, làng nghề Huế sẽ được sự quan tâm của chính quyền địa phương, để họ phát triển, và gìn giữ”, bà Mi nói.

Cũng như không gian làng nghề đan sợi truyền thống của Hàn Quốc, du khách khá ngỡ ngàng khi đi vào bên trong các gian trưng bày khác. Ở đó, có thể bắt gặp kỹ thuật vẽ tranh nước của người Thổ Nhĩ Kỳ, hay cách chế tác bình gốm của các nghệ nhân đến từ Trung Quốc mà đại diện là gốm Tử Sa Nghi Hưng.

Ra đời khá muộn so với các làng nghề gốm khác trên đất nước Trung Quốc, nhưng gốm Tử Sa Nghi Hưng có bề dày thành tích bởi sự đầu tư, nghiên cứu táo bạo và được thị trường chấp nhận. Theo các nghệ nhân đến từ làng nghề này để có được thành tựu như thế, họ đã phải dựa vào nguyên liệu độc đáo với kỹ thuật thủ công tinh xảo, màu sắc tự nhiên theo phong cách cổ xưa nhưng đa dạng về hình thức.

Một nghệ nhân gốm Tử Sa (Trung Quốc) giới thiệu về bình gốm uống trà

Gốm Tử Sa có tính thoát khí tốt, loại đất sét làm ra sản phẩm không phải pha trộn hay kết hợp thêm hợp chất khác nhưng vẫn có thể tạo thành loại gốm chất lượng cao. “Đặc biệt, sử dụng càng lâu thì màu sắc của nó càng sáng, bóng” – nghệ nhân Dương Văn Ba chuyên làm gốm Tử Sa cho hay.

Người nghệ nhân này cũng nói rằng, ở Việt Nam có nhiều làng gốm nổi tiếng, riêng ở Huế có làng gốm Phước Tích. Tuy nhiên mỗi làng nghề có một kỹ thuật, cách làm khác nhau, và khi cho ra sản phẩm có điểm khác biệt tất yếu. Nhưng quan trọng trên hết là đem đến sự hài lòng cho thị trường tiêu dùng, ở đó vừa đáp ứng được yếu tố như bản sắc, nghệ thuật truyền thống nhưng giá trị công năng vẫn đảm bảo.

“Tôi tin chắc các nghề truyền thống không riêng gì ở Trung Quốc mà ngay ở Việt Nam nếu biết tìm hướng đi đúng, cộng thêm sự quan tâm từ chính quyền sở tại thì không chỉ phát triển mà còn lưu giữ được những gì cha ông để lại”, nghệ nhân Ba nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh – Phó Chủ tịch UBND TP. Huế kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2019 nói rằng, chính ở không gian trưng bày của các nghệ nhân đến từ các nước quốc tế này đã giúp cho lễ hội trở nên sôi động hơn. Thông qua không gian này, nghệ nhân của nhiều nước và Huế có thể giao lưu, thúc đẩy hữu nghị, hợp tác. Xa hơn, các làng nghề có thể kết nối với nhau, từ đó phát triển thương hiệu sản xuất hàng thủ công truyền thống của Việt Nam và các đối tác quốc tế.

Bài, ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Chén vỡ… hóa rồng!

Từ những mảnh sành sứ của chén bát vỡ được thu mua, bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành sứ xứ Huế đã làm hồi sinh dáng vẻ uy nghi của rồng bay, phượng múa trên những di tích Cố đô Huế, đình chùa, miếu vũ…

Chén vỡ… hóa rồng
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản

Với sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO, 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ và hơn 10 tổ chức quốc tế đã triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu bảo tồn di sản Huế, với tổng kinh phí hơn 10 triệu USD.

Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản
Cơ hội cho du lịch Huế từ đường bay quốc tế

Trong rất nhiều dấu ấn nổi bật của ngành du lịch năm 2023, việc khai thác các đường bay quốc tế tạo ra nhiều gam màu tươi sáng cho bức tranh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những cột mốc mới từ lượng khách quốc tế, khi họ ngồi trên chuyến bay đáp thẳng xuống sân bay quốc tế Phú Bài.

Cơ hội cho du lịch Huế từ đường bay quốc tế
Return to top