ClockThứ Năm, 19/04/2012 05:10

Nghệ sĩ Thanh Tâm - một giọng ca có âm sắc độc đáo

TTH - Tôi có một niềm vui và cũng là cái duyên mà ít người yêu thích ca Huế ở miền Bắc có được, đó là thưởng thức ca Huế trên cái nôi sinh ra nó ngay sau ngày giải phóng 1975. Sự rung động về một giọng ca Huế trên đất Huế tự ngày đó vẫn còn đậm trong lòng tôi – giọng ca nghệ sỹ Thanh Tâm.

Quả thực, nghe lại băng hay trực tiếp nghe nghệ sĩ ca, ta đều nhận thấy chất giọng của Thanh Tâm có một sức cuốn hút độc đáo. Một điệu hò mái nhì quen thuộc mà sao khi Thanh Tâm cất lên, ta như thấy được nét đẹp vừa mộc mạc, vừa cổ kính của giai điệu và thấp thoáng đâu đây vẻ hoang sơ của sông nước, ruộng đồng…

 

Chất nghệ sĩ đã thấm đượm hồn cô gái Huế. Và người nghệ sĩ cũng đã trải qua nhiều biến đổi của xã hội và cuộc đời, làm cho Thanh Tâm lắng lọc được nỗi thăng trầm trong từng nét nhạc, lời ca. Phải chăng những yếu tố đó đã làm nên Thanh Tâm – một giọng ca Huế có âm sắc riêng làm đẹp cho đời.

 

 

Thanh Tâm xuất thân trong một gia đình hoạt động nghệ thuật. Cha là ông Phan Hữu Lễ, một nghệ nhân tuồng, phục vụ trong ban nhạc cung đình. Người anh của Thanh Tâm cũng là một giọng hát tuồng, từng được bà Từ Cung khen thưởng. Hơn 10 tuổi, cô bé Thanh Tâm được cha dạy hát tuồng, được học nhạc ở ban nhạc cung đình và sau này trở thành diễn viên của đoàn Ba Vũ. Thanh Tâm từng sắm các vai trong các tích tuồng xưa như: Phụng Nghi Đình, Tống Địch Thanh, Điêu Thuyền, vai đào điên…. Nhưng ca Huế mới là sở đắc của Thanh Tâm. Năm 14 tuổi, Thanh Tâm đã hát ca Huế trên làn sóng của Đài Phát thanh Huế, và sau đó là Đài Truyền hình Huế.

 

Trước giải phóng 1975, Thanh Tâm từng biểu diễn phục vụ cho khách nước ngoài tại Phủ Tổng thống chính quyền cũ. Thanh Tâm bồi hồi nhớ lại: “Tôi học ca Huế với thầy Khai, thầy ở trong ban nhạc cung đình. Thầy dạy ca rất nhiệt tình, ai cũng kính phục thầy. Chúng tôi được học một ngôi nhà phía sau cung Diên Thọ ở Đại Nội Huế. Tôi học đàn nguyệt và đàn Tỳ. Tình cảm thầy trò thật cao quý”.

 

Nhưng rồi nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, trong đó có ca Huế bị tàn phai. Năm 1970, Thanh Tâm chuyển sang hát tân nhạc. Sau giải phóng 1975, vốn cổ dân tộc được bảo tồn và phát huy, giọng ca da diết của Thanh Tâm lại cất lên ở các hội diễn, câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật, trong các buổi sa-lông tri âm, tri kỷ. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hữu Ba, Hoàng Châu Ký, Huy Hồng… đều đánh giá cao tài năng nhiều mặt, nhất là giọng ca của Thanh Tâm.

Còn nhớ 2 năm sau ngày giải phóng, Nhạc hội ca Huế toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Huế năm 1977. Đây là sự gặp mặt lớn, quy mô toàn quốc của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên ca nhạc Huế. Các giọng ca lớp trước như Thanh Hương, Hồng Lê, Vân Phi, Minh Mẫn… như trẻ lại trước sự trưởng thành của các giọng ca đàn em đã sớm khẳng định tài năng, mà Thanh Tâm là một gương mặt nổi bật. Hình như đã khá lâu, mọi người mới lại nghe tiếng đàn nhị nỉ non, tha thiết của Nguyễn Hữu Ba, và Thanh Tâm trong những giờ phút thăng hoa đã ca Nam Ai, Nam Bình thật da diết, thâm trầm. Sức biểu cảm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ca Huế của Thanh Tâm chính là mỗi ca - từ ngân lên một cách điêu luyện mà rất tự nhiên, cộng với giọng ca có âm sắc riêng độc đáo.

Minh Khiêm

Nghệ sĩ Thanh Tâm đang biểu diễn ca Huế. Ảnh: Internet

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn
23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống
Return to top