ClockThứ Sáu, 06/10/2017 13:36

Nghệ thuật chạm khắc gỗ tại nhà bia lăng Thiệu Trị

TTH - Năm 1840 vua Thiệu Trị lên ngôi và chỉ 7 năm sau thì mất (4/11/1847) khi mới 41 tuổi. Vua Tự Đức nối ngôi và ngày 11/2/1848 đã khởi động việc xây lăng với hàng ngàn thợ thuyền và binh lính tham gia.

Đến ngày 19/11/1848, sau khi dựng tấm bia với bài văn "Xương lăng Thánh Đức thần công bi" do vua Tự Đức viết cũng là lúc việc xây lăng hoàn tất.

Đôi sáo...

Lăng Thiệu Trị hội tụ khá nhiều những tạo hình có giá trị mỹ thuật cao với nhiều chất liệu trang trí, loại thể nghệ thuật phối hợp với nhau như nghệ thuật đúc đồng với các phường môn hình long ẩn tinh nhã, tượng nghê đồng oai vệ đặt ở bái đình, nghệ thuật pháp lam đặc sắc ở các ô hộc phường môn và cổ diêm điện Biểu Đức, nghệ thuật đắp nổi nề, khảm sành sứ, nề họa, chạm khắc đá, sơn son thếp vàng... Tất cả hiện ra với tính đa dạng, phong phú về kiểu thức đề tài, như tứ linh (long ẩn - lân hý cầu - rùa đội pho sách - phụng hàm thơ...), tứ thời (mai điểu - liên áp - liễu hạc - tùng lộc...), bát bửu (ngư cổ -kiếm - sách - bút - quạt - sáo - tam sơn - bàn cờ...), bát quả (đào - lựu - na - phật thủ - bầu - mận...).

Một trong những đơn nguyên nổi bật là nhà bia (bi đình) nằm ở sau không gian bái đình, rộng lớn, được xây móng cao trên hai tầng nền với 13 bậc cấp lát đá, giữa cặp rồng to lớn bằng đá thanh uốn lượn theo chiều cao của bậc cấp. Nhà bia gần như hội đủ các chất liệu trang trí, như nề đắp nổi, nề họa, pháp lam, khảm sành sứ, gốm tráng men, gốm đất nung, chạm gỗ, chạm khắc đá, gạch trang trí... Nội thất, nơi có tấm bia đá thanh nguyên khối cao 3m25, rộng 1m50... Khối bia đặt trên một tấm đá nguyên khối khác rộng 2m30, cao 1m. Trang trí chạm khắc cẩn trọng, đề tài lưỡng long, long ẩn, bát bửu, hoa lá hóa rồng tinh tế với 2.539 chữ, chia thành 23 cột.

Trong bài khắc trên bia, vua Tự Đức có viết: “Ta làm bài văn này để nó được khắc lên mặt bia và mục đích để kể lại hay ca ngợi những hành động và công việc của đức Hoàng đế Thiệu Trị được mãi mãi tồn tại”. Ngoài những giá trị bia đá, nổi bật ở nhà bia lăng Thiệu Trị là hệ thống đề tài bát bửu được chạm trên các xà gỗ, ô hộc gỗ trang trí ở các liên ba, ô gió...

Điều khác biệt ở nhà bia là được trang trí đề tài bát bửu khá nhiều, nhưng tại đây bát bửu trên gỗ không có sơn son thếp vàng như nhà bia lăng Gia Long và nhà bia lăng Minh Mạng. Nét thô mộc của chất gỗ và những trang trí chạm rất đều tay và trang nhã đã làm cho bộ bát bửu của nhà bia lăng Thiệu Trị trở thành “độc bản” mà không có ở bất cứ nơi nào khác trong di tích thời Nguyễn. Tại đây có một hệ thống ô hộc ván gió trang trí bát bửu hai mặt, có những ô hộc cả hai mặt đều giống nhau nhưng đại đa số là khác nhau.

...và lá ngải chạm gỗ ở lăng Thiệu Trị

Có thể thống kê, xem xét, đánh giá hệ thống trang trí bát bửu theo bố cục của liên ba «nhất thi nhất họa» ở các ô gió ngoại thất bi đình lăng Thiệu Trị bao gồm cả bốn mặt nhưng chỉ nằm ngay trên khung cửa chứ không bao quanh trọn vẹn như nội thất. Mỗi hướng từng đãy ô gió liên ba với 7 ô hộc, trong đó có 4 ô đề thơ, chữ Hán, đại tự xen kẽ là 3 hình chạm bát bửu cụ thể. Trong trang trí chạm gỗ thời Nguyễn, nói chung trang trí bát bửu ở các liên ba chủ yếu là sơn son thếp vàng với bố cục “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa” vốn là một trong những đặc trưng trong bố cục trang trí kiến trúc thời Nguyễn. Nhưng ở nhà bia lăng Thiệu Trị, tất cả liên ba ván gió đều để mộc không phủ sơn. Có thể nói mô típ bát bửu ở các liên ba là rất phong phú, đa dạng không chỉ chủ đề mà còn rất đa dạng ở bố cục và chất liệu trang trí, tạo hình khác nhau.

Trang trí bát bửu nội thất nhà bia lăng Thiệu Trị có ở 4 mặt và bao quanh trọn vẹn chứ không ngắt nhịp như ở ngoại thất. Đồng thời, có đến 2 lớp tầng liên ba khác nhau gồm liên ba ở vòng trên cao trung tâm bi đình và liên ba bát bửu bao quanh tường phía dưới. Tất cả đều được thể hiện qua những nét chạm tinh nhã, thanh thoát và mềm mại. Hoa lá, hình vật phối hợp với nhau rất đa chiều, có chính phụ rõ ràng và đa phần hình chạm đều có những dải nét hoa văn mềm mại như dải lụa phụ họa một cách rất hài hòa, trang nhã.

Đa phần chúng là phần nền để làm nổi bật mô típ trang trí chính, trong đó cây như ý, lá cây được sử dụng khá nhiều và hoa văn hóa rất tinh tế, uyển nhã. Độ nông sâu trong diễn tả rất khác nhau nhưng không nhấn mạnh khối như phù điêu mà đan xen các lớp không gian trên dưới, cao thấp, khép mở, xoắn xít và bung mở nhiều hướng. Thêm vào đó là chạm thêm những hoa văn "đặc tả" theo kiểu chạm tạo rãnh nét trên vật quý như hoa văn sóng mây trên các hồ lô, hoa văn trên sáo, bút, đàn tỳ bà và cả những nét tả lá cây trong lớp hoa văn chồng lấp tinh tế, trau chuốt. Nghệ thuật diễn tả trong chạm khắc gỗ nhà bia lăng Thiệu Trị đạt đến trình độ cao của những người thợ cả được triều đình trưng tập về kinh đô Phú Xuân từ khắp mọi miền đất nước, và như Langrand ca ngợi khi nói về nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị: “ ... bằng cách sử dụng gỗ, những người An Nam là bậc thầy và tác phẩm của họ phần lớn đều là những tác phẩm lớn”.

Nhà bia lăng Thiệu Trị hiện bị xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy việc nghiên cứu, bảo tồn các giá trị kiến trúc, mỹ thuật ở đây đang được đặt ra rất khẩn thiết, hơn nữa đây là nhà bia cột gỗ lợp ngói duy nhất còn lại trong các lăng vua Nguyễn chưa được trùng tu.

Phan Thanh Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư pháp phương Tây) dành tâm trí hoàn toàn vào từng nét chữ. Dưới cử động thuần thục của những ngón tay, từng chữ cái với những nét mực uốn lượn thanh tao lần lượt xuất hiện trên trang giấy.

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy
Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top