ClockChủ Nhật, 02/06/2019 13:00

Nghệ thuật điêu khắc khó tiếp cận công chúng

TTH - Tác phẩm khó tiếp cận công chúng, nghệ sĩ chưa thể sống được bằng nghề, sự góp mặt của điêu khắc trong đời sống mỹ thuật Huế có phần lặng lẽ là thực trạng hiện nay của loại hình nghệ thuật điêu khắc.

Lê Ngọc Thái & “hạt”

Tác phẩm "Tình yêu" của Lê Ngọc Thái

Lẻ loi

Giữa tháng 4, nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái ra mắt công chúng triển lãm “Hạt” tại không gian trưng bày của New Space Arts Foundation. Lâu lắm rồi, điêu khắc mới có một sân chơi riêng như vậy, dẫu chỉ là triển lãm nhỏ của một cá nhân. Không gian dành cho điêu khắc vẫn còn khiêm tốn. Trong các triển lãm mỹ thuật ở Huế, vẫn có sự góp mặt của điêu khắc nhưng chỉ vài tác phẩm, hơi lạc lõng trong những sắc màu của hội họa và các loại hình mỹ thuật khác. PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế nhớ rằng, triển lãm quy mô dành cho điêu khắc được Trường đại học Nghệ thuật phối hợp với Hội Mỹ thuật tổ chức ở Huế đã diễn ra cách đây nhiều năm.

Trong lực lượng nghệ sĩ tạo hình ở Huế, nghệ sĩ điêu khắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, đây cũng là tình hình chung của cả nước. Mấy năm nay, Khoa Điêu khắc, Trường đại học Nghệ thuật chỉ tuyển được vài thí sinh, cả khoa hiện chỉ có 8 sinh viên theo học. Theo nhà điêu khắc Nguyễn Hiền, nguyên Trưởng Khoa Điêu khắc, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, thời kỳ rực rỡ nhất cách đây gần 20 năm, Khoa Điêu khắc tuyển được 18 sinh viên và có 17 người tốt nghiệp. Còn lại chỉ khoảng 2-3 sinh viên mỗi khóa.

Nhiều người ra trường phải bỏ nghề khi không chịu được sự thử thách khắc nghiệt. Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền ưu tư: “Nghệ thuật điêu khắc học khó, ra trường hành nghề cũng vất vả. Nhiều học trò của tôi phải bỏ nghề, trong đó có những người rất giỏi. Trong số vài chục sinh viên ra trường mới có được một người trụ được với nghề, như Lê Ngọc Thái là người quá tâm huyết với nghệ thuật điêu khắc”.

Không nhiều nghệ sĩ theo đuổi điêu khắc, vì đây là loại hình nghệ thuật “đặc thù của đặc thù”. PGS. TS. Phan Thanh Bình cho hay: “Nhà điêu khắc vừa là người nghệ sĩ vừa là người thợ. Không chỉ có ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, họ phải lao động bằng tay chân, cầm búa, kìm đục đẽo rất vất vả”.

Việc chuyển thể từ phác thảo trên giấy thành tác phẩm không gian ba chiều đòi hỏi quá trình vật chất hóa công phu về chất liệu. Nhà điêu khắc Đỗ Văn Lân chia sẻ, dù anh có nhiều ý tưởng sáng tạo với điêu khắc nhưng đa số chỉ phác thảo trên giấy, anh ngại chuyển chất liệu do việc tìm kiếm chất liệu phù hợp với tác phẩm đôi khi không dễ, giá thành cũng không hề rẻ.

Tác phẩm “Hạt chuyển động XIII” của Lê Ngọc Thái

Công chúng chưa quan tâm

Do sáng tạo công phu, chất liệu tốn kém nên giá thành của tác phẩm điêu khắc khá đắt. Để trang trí cho ngôi nhà, nhiều người thường sử dụng đồ thủ công mỹ nghệ chứ ít khi nghĩ tới các tác phẩm điêu khắc độc bản. Hơn nữa, không phải ngôi nhà nào cũng có không gian để trưng bày. Sự đón nhận của công chúng đối với tác phẩm điêu khắc chưa nhiều khiến nghệ sĩ chưa sống được với nghề. Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền tâm sự, ngay tác phẩm của ông cũng không bán được. Không có không gian trưng bày, lưu giữ tác phẩm, ông chủ yếu sáng tác theo đặt hàng, hoặc phác thảo tác phẩm với kích thước nhỏ chưng trong tủ kính.

Lê Ngọc Thái được đánh giá là một trong những nhà điêu khắc trẻ tài năng, khát khao sáng tạo và là “của hiếm” của mỹ thuật miền Trung, cũng rất chật vật để theo đuổi niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này. Dù có nhiều tác phẩm đẹp, nhưng Lê Ngọc Thái cũng không sống được bằng nghệ thuật. Thái kể rằng, anh sáng tác chỉ vì đam mê. Để kiếm sống, anh phải làm những công việc có liên quan đến điêu khắc, như làm các phù điêu trang trí, các công trình đúc tượng, tượng đài…

PGS. TS. Phan Thanh Bình nhận định: “Xã hội chưa tạo ra được mặt bằng thẩm mỹ chung nên mâu thuẫn giữa sáng tạo nghệ thuật và ứng dụng vào đời sống còn có khoảng cách khá xa, nhất là với nghệ thuật điêu khắc. Tác phẩm điêu khắc vẫn có nhiều người sưu tập, nhưng giá thành cao là một trong những cản trở để tác phẩm đến được với công chúng”.

Theo đánh giá của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh, sau 5 trại sáng tác điêu khắc quốc tế khá sôi động, khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống của điêu khắc ở Huế có phần lặng lẽ. Số lượng tác giả lẫn tác phẩm đều ít, không đủ để nói lên diện mạo của điêu khắc Huế, khác hẳn với thời kỳ trước có nhiều tác giả có tâm huyết, yêu nghề, bám trụ với nghề. Ông nhấn mạnh: “Tôi tin tình trạng này chỉ là tạm thời. Bước chân vào nghệ thuật, không ai được ưu ái nên các nhà điêu khắc phải vượt qua những khó khăn đời thường, yêu nghề mãnh liệt để tồn tại và hoạt động nghề nghiệp. Hội luôn tạo điều kiện cho tác phẩm điêu khắc được giới thiệu đến công chúng”.

Không hy vọng nhiều vào việc bán được tác phẩm, các nghệ sĩ điêu khắc chỉ mong có không gian, môi trường để trưng bày. Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái kể, một tác phẩm đạt giải mỹ thuật toàn quốc của anh đã bị hư hỏng khi phải đem gửi ở nhà một người bạn vì không có nơi cất giữ. Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, trong không gian đô thị Huế, tác phẩm điêu khắc được điểm xuyến khá mỏng, vì thế, việc đưa các tác phẩm điêu khắc có giá trị trưng bày ở những không gian phù hợp để công chúng chiêm ngưỡng cần được tính đến. Đây cũng là điều nghệ sĩ mong mỏi để tác phẩm có nơi trưng bày, tiếp cận được với công chúng và được tôn vinh.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; vì thế việc trao cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa trao thêm cơ hội để phụ nữ tự khẳng định mình.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ
Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài

Theo kế hoạch hành động vừa được Nội các Trung Quốc công bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục rút ngắn danh sách cấm đối với đầu tư nước ngoài và thực hiện các chương trình thí điểm nhằm tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho các công ty toàn cầu trong lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ.

Trung Quốc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư nước ngoài

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top