ClockThứ Hai, 26/11/2018 08:28

Nghĩ về “doanh nghiệp sân sau”

TTH - Dù có doanh nghiệp sân sau hay không sân sau thì cũng đều cung ứng một sản phẩm, dịch vụ nào đó.

Công bố 100 doanh nghiệp bền vững năm 2018

Chuyện “doanh nghiệp sân sau” một lần nữa được nhắc lại, khi trong Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vào ngày 21/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Có đồng chí không chỉ 1 sân sau, thậm chí 12-13, 13-14 sân sau... không phải là Thủ tướng không biết đâu”.

Nói được nhắc lại là vì vấn đề doanh nghiệp sân sau đã được nhắc nhiều trước đây.

Dù có doanh nghiệp sân sau hay không sân sau thì cũng đều cung ứng một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Nếu hiểu theo một nghĩa tích cực thì đó là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ “phụ trợ”. Bất kỳ một hoạt động kinh tế nào cũng đều cần điều này. Chính quyền cần cung ứng các loại thiết bị máy móc, văn phòng, dịch vụ xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng… Nhà máy cần cung ứng các sản phẩm đầu vào…Nếu nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ tốt, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng thì đó là một “doanh nghiệp sân sau - sản phẩm, thiết bị phụ trợ” tốt.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân cũng cần “doanh nghiệp sân sau”. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần “doanh nghiệp sân sau”. Doanh nghiệp nhà nước cũng cần “doanh nghiệp sân sau”. Hình thức sở hữu nào cũng cần doanh nghiệp sân sau với tư cách là nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt, tương ứng với giá trị mà nó đưa lại cho người mua.

Khái niệm “doanh nghiệp sân sau” mà Thủ tướng nhắc đến, có lẽ được hiểu với nghĩa tiêu cực. Đó là sự câu kết giữa doanh nghiệp và chính trị vì mục đích vụ lợi. Chúng ta hãy xem xét loại doanh nghiệp sân sau với cái nghĩa tiêu cực nói trên như thế nào, thử nhìn nhận dưới góc độ sở hữu vốn và quản trị doanh nghiệp.

Loại hình doanh nghiệp sân sau thường xuất hiện khi nguồn vốn đầu tư là nguồn vốn công - vốn nhà nước. Đối với tư nhân (có thể gắn với doanh nghiệp tư nhân), khi họ bỏ vốn ra, vốn là vốn của họ nên không dễ gì họ lơ là quyền lợi. Vốn nước ngoài cũng vậy (thường gắn với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thì được đặt dưới một trình độ quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiệu quả. Thế nên “doanh nghiệp sân sau” xuất hiện thường gắn với nguồn vốn công, tức là nguồn vốn nhà nước - sở hữu công (cũng có thể nó xuất hiện với loại hình đa sở hữu – công ty cổ phần, nhưng chúng ta không xem xét ở đây).

Nhưng chỉ với điều kiện là nguồn vốn công, doanh nghiệp sân sau cũng khó xuất hiện nếu không kèm những điều kiện khác. Đó là phải có cấu kết với quyền lực chính trị và những điều kiện khác như luật lệ chưa hoàn thiện, điều kiện giám sát chưa chặt chẽ; môi trường hoạt động kinh tế thiếu minh bạch. Và có thể còn một số điều kiện khác như: người nắm quyền lực, nguồn vốn... thiếu lòng tự trọng và đạo đức trong sáng.

Vậy người ban phát (người có quyền lực) những điều kiện tốt cho doanh nghiệp sân sau (ví dụ như tìm cách ưu tiên để một doanh nghiệp nào đó cung cấp các thiết bị, dịch vụ; cung cấp vốn đầu tư cho các công trình xây dựng và hạ tầng…) thì được lợi gì? Nếu không có lợi thì khó ai nhọc lòng để làm điều đó. Cái lợi mà họ nhận được, chúng ta thường hay nghe là “lại quả”. Có thể hiểu nôm na, tôi sẽ được bao nhiêu khi tạo điều kiện cho anh làm việc này, với số vốn chừng này?

Nhưng nguồn lợi ở đâu “doanh nghiệp sân sau” có được để “lại quả”? Thường, cách thứ nhất là làm đội vốn cho các sản phẩm, dịch vụ. Thứ hai là cung ứng các sản phẩm, dịch vụ với chất lượng không tương ứng. Ví dụ như trong xây dựng, chúng ta thường hay nghe “rút ruột công trình”. Công trình này đáng lý làm mười đồng thì chỉ làm bảy đồng thôi, rồi tìm mọi cách để được nghiệm thu.

Đã có “doanh nghiệp sân sau” thì nó ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm như vừa nêu là một việc, nhưng việc khác là ảnh hưởng xấu đến môi trường hoạt động kinh tế. Nếu như một sản phẩm, dịch vụ, thiết bị, công trình nào đó được công khai, đấu thầu minh bạch, sòng phẳng… thì mình anh có muốn trúng thầu cũng khó. Để lách cái khó này nên mới sinh ra chuyện đấu thầu “quân xanh quân đỏ”, “chân gỗ”, “chỉ định thầu”. Thế là nó ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Và lâu dài, cũng có thể nó ảnh hưởng đến môi trường chính trị. Ví dụ như người có quyền lực tác động đến cả một hệ thống như cấp vốn, thanh toán vốn, giám sát, nghiệm thu, tạo điều kiện về tiếp cận đất đai… để đạt mục đích của “doanh nghiệp sân sau”. Chắc chắn là nó ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.

Rõ ràng, sự tồn tại của “doanh nghiệp sân sau” là điều tai hại. Nhưng xóa cho được doanh nghiệp sân sau còn quá nhiều việc phải làm và không hề dễ. Có phải thế không mà ngay Thủ tướng cũng nói: “Có những anh có 11-12, 13-14 doanh nghiệp sân sau, tưởng Thủ tướng không biết” !?

An Nguyễn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Ngày 5/4, Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp (Đảng ủy Khối) tổ chức hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 16 (khóa VII) nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 182 của Đảng bộ Khối về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top