ClockChủ Nhật, 29/07/2018 14:27

Nghĩ về sự tổn thương

TTH - Sau ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Công an tỉnh Hà Giang cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng này là ông Nguyễn Thanh Hoài cùng với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015) khi tham gia vào việc sửa điểm hơn 330 bài thi của 114 thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thống cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh này.

42 bài thi bất thường môn văn ở Sơn La thay đổi điểm sau chấm thẩm địnhGian lận thi THPT quốc gia: Khi địa phương tuyển sinh cho đại họcTừ vụ việc ở Hà Giang: Chỉ nên thi để xét tốt nghiệp cho học sinh yếu

Áp lực thành tích, thi cử khiến học sinh lo âu. Ảnh: Hữu Phúc

Vụ bê bối này xem ra còn là cả một câu chuyện dài mà để giải quyết nó, cần đến sự vào cuộc của các cơ quan hành pháp lẫn tư pháp. Buồn hơn là nó không chỉ dừng lại ở một địa phương là Hà Giang và buồn hơn khi vụ việc xem ra còn nghiêm trọng hơn với những gì mà tổ công tác của Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ quan hữu quan đã phát hiện ở Sơn La. Liên quan trực tiếp đến 6 sai phạm xung quanh khâu quản lý bài thi, chấm thi là 5 cá nhân liên quan. Trong đó, có người là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Những gì được công bố, có lẽ cũng mới chỉ là những phát hiện ban đầu. Diễn tiến của vụ việc như thế nào, đến đâu, vai trò, chức trách và mức độ sai phạm đến đâu; còn có những ai tham gia hay liên quan đến đường dây này… còn phụ thuộc vào quá trình điều tra; vào mức độ thành khẩn hay không trong khai báo của những cá nhân sai phạm.

Việc thể hiện thái độ, sự hoài nghi và thất vọng nữa là điều đương nhiên của dư luận xã hội trước diễn biến của vụ việc. Vấn đề là diện hoài nghi không chỉ dừng lại ở một vài địa phương có dấu hiệu bất thường ở kỳ thi này như Lâm Đồng, Bến Tre hay cả ở Hòa Bình – nơi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về việc không phát hiện chênh lệch điểm sau chấm thẩm định các bài thi có điểm 8 trở lên. Sự lỏng lẻo, dễ dãi trong công tác quản lý và giám sát ở các khâu trong quản lý bài thi và chấm thi, in sao dữ liệu… tạo kẽ hở cho những hành vi xấu xí ở một vài địa phương đã khiến cho dư luận đặt lại câu hỏi: Còn các kỳ thi trước thì sao? Có dám chắc những điều này là được bảo mật tuyệt đối?

Tự học. Ảnh: Hữu Phúc

Tôi, nói thật là cũng cảm thấy đau lòng khi thấy trên mạng xã hội, người ta đã chụp lại ảnh, dẫn lại link giới thiệu những học sinh có số điểm cao ở kỳ thi trước với sự nghi ngờ không hề nhỏ. Vụ bê bối ở kỳ thi năm nay tại Hà Giang, Sơn La đã làm “liên lụy” đến kết quả và ảnh hưởng một cách thiếu thiện cảm đến hình ảnh học sinh của mùa thi trước. Sẽ là sai lầm khi nói về một hiệu ứng đô-mi-nô ngược khi người ta truy xuất lại bằng sự hồ nghi.

Giữa “vùng tâm chấn” này, có vẻ như không nhiều người để ý hay đề cập đến đối tượng chính được/bị nâng điểm bằng việc quan tâm đến các em là con em của ai, có vị thế và chỗ đứng như thế nào ở địa phương đó; ngoại trừ mấy dòng không nhiều lắm về việc có em đã nhốt mình trong nhà khi vụ việc vỡ lở…

Tôi tin, nếu được bao bọc bằng hành vi xấu xí này bởi ba mẹ/anh em/họ hàng… bản thân các em cũng sẽ mang trong mình một sang chấn nặng nề ngay ngưỡng cửa vào đời. Có lẽ, các bậc phụ huynh đó chỉ lo cho nỗi lo của chính mình mà chẳng thật sự quan tâm đến con em và những hệ lụy xã hội lâu dài khác.

Tôi cũng nghĩ về một sự tổn thương khác ở những cô cậu học trò với những nỗ lực để vượt qua kỳ thi với những kết quả tốt nhất có thể. Khi tham gia vào một sân chơi không công bằng bởi sự can thiệp của người lớn ở nơi này nơi kia, liệu các em có cảm thấy hồ hởi khi thiếu đi sự minh bạch; khi phổ điểm là chung cho tất cả những ai cùng tham gia vào một kỳ thi quốc gia và có thể, cơ hội của những em nào đó đã bị đánh cắp?

Thật khó có một câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi “còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?” (trích một câu trong đề thi văn trung học phổ thông quốc gia 2018) nếu tách riêng nó và đặt trong ngữ cảnh của những gì đã diễn ra. Nhưng may thay, sẽ không ai làm điều đó vì nó là khiên cưỡng.

Cũng vì sự tổn thương này, bản thân tôi cũng như nhiều người đặt ra hy vọng về sự nhìn nhận, đánh giá lại để có những cách làm hợp lý hơn cho những mùa thi tới.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Return to top