ClockThứ Ba, 25/10/2016 21:14
CHI TRẢ BỒI THƯỜNG SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG BIỂN TẠI PHÚ LỘC:

Nghiêm túc, chặt chẽ

TTH - Ngày 25/10, UBND huyện Phú Lộc tiếp tục chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển cho người dân 3 xã Lộc Bình, Vinh Hải và Vinh Mỹ. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao kiểm tra công tác chi trả cho người dân.

Phú Lộc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trườngBồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển: Phải đảm bảo quyền lợi cho người dân

Người dân làm thủ tục nhận tiền đền bù

412 chủ thuyền, người lao động được chi trả

Đúng 7h30, người dân tại hai xã Lộc Bình và Vinh Hải bắt đầu đến trụ sở UBND xã để làm các thủ tục và nhận tiền đền bù. Toàn xã Lộc Bình có 209 đối tượng được chi trả, trong đó, 139 chủ thuyền và 70 lao động; số tiền mà người dân Lộc Bình được nhận đợt 1 là 4,3 tỷ đồng. Tại xã Vinh Hải, tổng số đối tượng được nhận đền bù là 203, trong đó, 55 chủ tàu và 148 lao động; số tiền mà người dân Vinh Hải được nhận đợt 1 là 3,8 tỷ đồng. Chiều cùng ngày, chi trả cho người dân xã Vinh Mỹ. Tổng số đối tượng được nhận đền bù ở Vinh Mỹ là 122, trong đó, có 44 chủ tàu và 78 lao động; số tiền người dân được nhận đợt 1 là 7,2 tỷ đồng. Qúa trình chi trả cho các xã, thị trấn còn lại tại huyện Phú Lộc sẽ được tiếp tục đến hết ngày 29/10.

Theo ghi nhận tại 2 xã Lộc Bình và Vinh Hải trong sáng 25/10, quá trình tiến hành chi trả cho người dân diễn ra nghiêm túc. Để đảm bảo an toàn, chặt chẽ cho quá trình chi trả, có 5 tổ công tác được phân công phục vụ, bao gồm: 2 tổ an ninh ở vòng trong và vòng ngoài; 2 tổ chi trả, trong đó, 1 tổ làm thủ tục kiểm tra lại hồ sơ và 1 tổ tiến hành phát tiền; 1 tổ giám sát tất cả quá trình chi trả tiền cho người dân.

Kiểm tra quá trình chi trả tiền tại hai xã Lộc Bình và Vinh Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của các cấp. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, qua quá trình kiểm tra, không chỉ ở hai xã Lộc Bình và Vinh Hải, một số xã đã tiến hành chi trả bồi thường trước đó rất chặt chẽ, từ kê khai, đánh giá, giám sát cho đến công đoạn chi trả, không để xảy ra sai sót, nảy sinh bức xúc đối với người dân. Có được sự an toàn, nghiêm túc này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp xã đến cấp tỉnh. Những ngày tiếp theo, UBND tỉnh cùng phối hợp với các ban ngành liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo việc chi trả hiệu quả.

Chi trả tiền bồi thường cho người dân ven biển Quảng Công

Trong 2 ngày 25 và 26/10, huyện Quảng Điền tiến hành chi trả biền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển cho 4 thôn ven biển xã Quảng Công với số tiền gần 13 tỷ đồng.

Tổng số đối tượng được bồi thường của huyện Quảng Điền là 1.332 người với kinh phí hơn 51,3 tỷ đồng, trong đó, Quảng Công có 666 người thuộc đối tượng bồi thường với gần 27 tỷ đồng, trong đợt 1 sẽ chi trả 13 tỷ đồng.

HOÀNG LOAN

Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên tiến hành chi trả tiền bồi thường trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nói: Sự cố môi trường biển đã gây ra quá nhiều khó khăn cho người dân, chủ trương của tỉnh là thực hiện quá trình kê khai, niêm yết và chi trả cho người dân càng sớm càng tốt. Nhanh nhưng yêu cầu được đặt ra là phải đảm bảo đúng quy trình, công khai và minh bạch”.

Tập trung giải quyết việc làm

Nhận được tiền đền bù, người dân rất vui mừng. Ngư dân Huỳnh Văn Đấu (xã Lộc Bình) hồ hởi: “Chúng tôi cám ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những khó khăn của ngư dân. Tôi có tàu đánh bắt 40CV, đợt 1 này nhận được 45,6 triệu đồng. Tôi dự định sẽ dùng 30 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, số tiền còn lại tập trung đầu tư chuyển sang nghề nuôi tôm trên đầm phá”.

Chủ tịch Nguyễn Văn Cao lưu ý, quan trọng là sau khi nhận tiền, người dân sử dụng số tiền đúng mục đích, nhằm nâng cao chất lượng đời sống, không sử dụng số tiền này vào sinh hoạt hằng ngày. Muốn làm được điều này, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành. Tăng cường tuyên truyền, vận động bà con sử dụng tiền đền bù để mua sắm nông lưới cụ mới, đánh bắt hải sản tầng nổi. Khuyến khích đầu tư cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để đóng tàu lớn, chuyển đổi đánh bắt xa bờ… Với số tiền được đền bù, nếu biết đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ đảm bảo đời sống.

Về lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ huy động mọi nguồn lực, ngân sách của Nhà nước, tập trung giải quyết việc làm cho người dân. Phối hợp với các nhà máy, các khu công nghiệp giải quyết nhu cầu lao động…

ĐỨC QUANG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Return to top