ClockChủ Nhật, 05/11/2017 06:39
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO CHUẨN ĐẦU RA:

Nghiên cứu kỹ các nguyên tắc & tình hình thực tế

TTH - Nhân dịp đến Huế để hướng dẫn tập huấn thiết kế và triển khai khung giáo dục theo chuẩn đầu ra (OBE), ông Johnson Ong Chee Bin, chuyên gia AUN – QA (Tổ chức bảo đảm chất lượng mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) chia sẻ vấn đề liên quan với Báo Thừa Thiên Huế.

Ông Johnson Ong Chee Bin

Ông Johnson Ong Chee Bin cho biết, việc xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục, hướng đến hội nhập quốc tế. Để làm được, cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên phải nghiên cứu kỹ các nguyên tắc về chuẩn đầu ra và tình hình thực tế là địa phương, đơn vị mình.

Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm cũng như quá trình xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra của các trường đại học (ĐH) trong khu vực?

Vấn đề xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra hầu như các trường ĐH ở Đông Nam Á đã và đang áp dụng, tuy nhiên ở mỗi nước, mức độ quan tâm khác nhau. Như Malaysia làm khá tốt; một số nước khác, như Lào, Myanmar, Campuchia đang trong quá trình xây dựng nhưng còn ở mức độ thấp.

Ở Việt Nam, vấn đề này cũng được quan tâm, thể hiện qua các quy định về chuẩn đầu ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, có điều chưa được như mong muốn là quy định chuẩn đầu ra như là cái khung để các trường áp dụng nhưng thực tế chưa phải hiệu quả cho tất cả các trường, các địa phương. Mỗi vùng, miền có những đặc trưng khác biệt nên việc xây dựng chương trình theo chuẩn đầu ra cũng đang có những khó khăn.

Chính phủ hay Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những chính sách trao quyền tự chủ nhiều cho các trường ĐH, để các trường chủ động, linh hoạt thay đổi chương trình dựa trên bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội của mỗi vùng, nhu cầu thực của những đối tượng gần gũi với nhà trường (sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng…) và tất nhiên là khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Không nên lấy một chuẩn chung áp dụng cho tất cả các trường.

Ngoài cái khó chung, theo ông, việc xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra ở ĐH Huế còn hạn chế gì?

Các đơn vị giáo dục trực thuộc ĐH Huế có đủ các tài liệu nói về mục tiêu môn học, đánh giá, giảng dạy. Nhìn chung khá đầy đủ. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần phải quan tâm thêm. Thứ nhất, phần viết chuẩn đầu ra cần cải tiến hơn bởi vì khi viết chuẩn đầu ra, cần có các lưu ý hàng đầu khi thiết kế một chương trình đào tạo đó là các nguyên tắc cần thiết. Thứ hai, khi xây dựng chương trình đào tạo, các nội dung trong chương trình phải gắn kết với nhau, bổ trợ lẫn nhau. Đây là vấn đề mà các cơ sở giáo dục ĐH Huế nên lưu ý.

Liệu có giải pháp nào để ĐH Huế xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra tốt hơn, thưa ông?

Để xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra tốt thì quy định chuẩn đầu ra phải phù hợp. Điều này thuộc về vấn đề vĩ mô mà tôi đã nói ở trên. Về phía ĐH Huế, việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra liên quan đến tất cả các bên tham gia đào tạo (trong đó có tất cả các bộ phận của đơn vị đào tạo) và thụ hưởng kết quả đào tạo, các giai đoạn đào tạo như giảng dạy, học tập, quản lý cán bộ và sinh viên, cơ sở vật chất, môi trường học tập… vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Trước hết là vấn đề kiến thức. Cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, chuyên viên phải có kiến thức và hiểu rõ về hệ thống phân loại dựa trên các mức độ nhận thức khác nhau để phát triển chương trình đào tạo, đánh giá sinh viên và lựa chọn các phương pháp hướng dẫn người học. Đó là cách thức tổ chức kiến thức, kỹ năng và thái độ cho những sinh viên có cấp độ khác nhau. Giảng viên cũng phải biết cách lựa chọn phương pháp đánh giá. Ngoài cách làm bài kiểm tra trên giấy, có nhiều phương pháp đánh giá khác như dựa trên khả năng thực hiện các dự án, thực tập, trao đổi sinh viên. Đánh giá là phải đo lường được mức độ đạt chuẩn đầu ra. Đây là vấn đề giảng viên cần chủ động tìm những cách làm hợp lý. Ngoài ra, giảng viên phải biết cách tạo ra môi trường để sinh viên học. Họ phải biết sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật, công cụ để tạo ra môi trường học tập, cải tiến chất lượng giảng dạy.

Cán bộ, giảng viên, chuyên viên ĐH Huế thảo luận nhóm trong đợt tập huấn thiết kế và triển khai khung giáo dục theo chuẩn đầu ra do ông Johnson Ong Chee Bin hướng dẫn

Vấn đề thứ hai là kỹ năng viết chuẩn đầu ra. Viết chuẩn đầu ra là một nghệ thuật. Phải viết thế nào để có thể theo được các nguyên tắc cơ bản mà vẫn đạt được những yếu tố về mặt thực tế. Điều này cần các giảng viên, chuyên viên, cán bộ quản lý giáo dục phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm.

Khi đáp ứng được những vấn đề trên, sẽ xây dựng được chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Thực tế, để làm được những vấn đề trên rất cần các cán bộ, giảng viên, chuyên viên nghiên cứu rất kỹ các nguyên tắc về chuẩn đầu ra và tình hình thực tế là địa phương, đơn vị mình. Những hoạt động tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia cũng là cơ hội để họ học tập.

Trong hoạt động tập huấn lần này, ông đã “gỡ khó” gì cho các cán bộ, giảng viên, chuyên viên ĐH Huế?

Đây là đợt tập huấn dựa trên kinh nghiệm thực tế. Dù thời gian ngắn nhưng tôi đã cố gắng chia sẻ kỹ phương pháp và những kiến thức về viết chuẩn đầu ra, kỹ năng viết chuẩn đầu ra tốt, trong đó tôi đã đưa ra các bài tập thực hành, bài tập tình huống, thảo luận nhóm.

Mục đích sau đợt tập huấn này, người tham gia là các cán bộ, giảng viên, chuyên viên thuộc ĐH Huế sẽ tích hợp được khung xây dựng chương trình theo chuẩn đầu ra phù hợp với phương pháp tiếp cận Plan-Do-Check-Act (lập kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – hành động) vào việc thiết kế chương trình, phát triển, thực thi và đánh giá; lựa chọn chiến lược thích hợp để thực hiện thu hút các bên tham gia vào việc thiết kế chương trình; lựa chọn phương pháp giảng dạy và đánh giá thích hợp để đạt được chuẩn đầu ra…

Với bối cảnh chung của giáo dục ĐH khu vực Đông Nam Á hiện nay, các cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế cần hoàn thiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra vào thời gian nào là thích hợp?

Điều này phụ thuộc vào nguồn lực và năng lực của nhà trường. Tuy nhiên, những giải pháp giáo dục thì càng thực hiện sớm càng tốt.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng

Giữa thời buổi công nghệ phát triển, việc tách con khỏi các thiết bị điện tử là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Do vậy, thu xếp thời gian và công việc để đưa con đến trải nghiệm thực tế tại các không gian mỹ thuật là việc được nhiều cha mẹ quan tâm.

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng
Nghiên cứu khoa học công nghệ: Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

Để tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Và, kết quả nghiên cứu KHCN đòi hỏi phải quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống, được chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa để không lãng phí tiền tài, kỳ vọng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ

Chiều 18/1, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và hội thảo "2 năm thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh về xây dựng Trung tâm KHCN, kết quả và giải pháp". Tham dự có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Phạm Thị Minh Huệ, UVTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn...

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học công nghệ
Return to top