ClockThứ Bảy, 20/05/2017 12:36

“Ngọc càng mài càng sáng…”

TTH - Không nói về mặt nghệ thuật, mà với bút pháp hiện thực của tác giả, xin được nói đến nghệ thuật xây dựng nhân vật - một yếu tố quan trọng làm nên giá trị tác phẩm.

Những ai dính dáng tới nghiệp viết đều biết, viết tiểu thuyết lịch sử về một nhân vật như Hồ Chí Minh là một thách thức lớn khi nhà văn thật khó “phóng bút” khi hình ảnh Cụ Hồ đã “nằm lòng” trong hàng triệu người; đó còn chưa nói đến cuộc đời Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, mặc dù đã có nhiều cuốn sách khảo cứu công phu. Vậy mà nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã hoàn thành cả một tiểu thuyết bộ ba dài gần 2.000 trang về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Sinh trưởng nơi biên cương có “địa chỉ đỏ” trên hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh, lại đã thích thú “thử bút” qua một số tác phẩm thuộc đề tài lịch sử và có chất “trinh thám” như truyện “Kim Đồng” (1996), “Tìm mộ Thâm Tâm (1999), “Ẩn số Cầm Giang” và “Nhật ký trong tù – Số phận & lịch sử”(2005), Hoàng Quảng Uyên nghĩ đến chuyện viết tiểu thuyết về Hồ Chí Minh không phải là điều quá bất ngờ.

Tuy vậy, thoạt đầu, anh chỉ định viết cuốn tiểu thuyết về Bác Hồ những năm ở Cao Bằng (1941 - 1945). Đó là tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó- NXB Hội Nhà văn, 2010; được giải thưởng “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Trung ương (2010), Hoàng Quảng Uyên “thừa thắng xông lên”, viết tiểu thuyết “Giải phóng” với nhân vật chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 - 1954 trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945, thành lập Chính phủ lâm thời tại Tân Trào, rồi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm… “Giải phóng” (NXB Hội Nhà văn, 2013) đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013; giải thưởng Sáng tác và quảng bá tác phẩm văn nghệ trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015. 

Và đầu năm 2017, với tác phẩm “Trông vời cố quốc” ra đời (NXB Đại học Thái Nguyên, 2017), bộ ba tiểu thuyết về Hồ Chí Minh của Hoàng Quảng Uyên được hoàn thành. Có thể nói đây là tác phẩm văn học dày dặn nhất về cuộc đời Hồ Chí Minh và có một đặc điểm là tác giả hoàn thành tập 2 và 3 mới bắt đầu viết tập 1. Cũng vì tập 1 có “cái khó là không có "thực tế'' mà chỉ là tưởng tượng và tài liệu… con người Hồ Chí Minh qua các tài liệu, hồi ức có nhiều điểm khác so với lịch sử (theo kênh truyền thông)…” - Hoàng Quảng Uyên đã tâm sự với tôi như vậy.

***

“Trông vời cố quốc” dày 600 trang, được chia thành 25 chương - mỗi chương mang một tiêu đề như Ra biển lớn, Hội nghị Vécxây, Đường về Quảng Châu, Trở lại nước Nga, Đường về cố quốc… Bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong 30 năm (1911-1941) tuần tự theo thời gian đúng các tư liệu chính thống đã công bố. Như vậy, có thể nói, về mặt sự kiện, tư liệu…, Trông vời cố quốc không có gì mới, mà thật ra, đây không phải là phẩm chất quan trọng đối với một tiểu thuyết lịch sử.

Khi trao đổi với Hoàng Quảng Uyên về việc sử dụng tư liệu của người viết tiểu thuyết lịch sử, anh cho biết: “… Vấn đề không phải “nhiều-ít” mà là sự lựa chọn dựng lại các tư liệu, sự kiện với cách lý giải riêng của tác giả; như Mắcxen Prút nói: "Tìm cái mới không phải là tìm vùng đất mới mà là nhìn bằng con mắt mới"...

Chính nhờ thế mà mặc dù các câu chuyện về 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sự kiện chính đã được sách báo, phim ảnh nói đến nhiều, tác phẩm vẫn lôi cuốn bạn đọc và có lẽ là tác phẩm văn học thể hiện được toàn cảnh với hầu như toàn bộ những sự kiện quan trọng nhất trong quãng đời hoạt động cách mạng khó khăn nhất của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Không nói về mặt nghệ thuật, mà với bút pháp hiện thực của tác giả, xin được nói đến nghệ thuật xây dựng nhân vật - một yếu tố quan trọng làm nên giá trị tác phẩm.

Qua 600 trang sách Trông vời cố quốc, bên cạnh nhân vật chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, bạn đọc có dịp “gặp lại” hầu hết tên tuổi có vai trò đáng kể trong “tiến trình lịch sử dân tộc”, từ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thế Truyền… đến Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên, Dương Hoài Nam (bí danh của Võ Nguyên Giáp thời đó), Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Nguyễn Hải Thần… Gọi là “gặp lại” vì những tên tuổi đó đã từng được nhiều sách báo nói đến, nhưng với Trông vời cố quốc, họ hiện ra qua miêu tả của nhà văn, nên sinh động hơn. Nói cho công bằng, không ít nhân vật còn sơ lược. Có thể “thông cảm” với tác giả khi có đến cả trăm nhân vật hoạt động cùng thời với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều tên tuổi nước ngoài như nhà văn Pháp Pôn Vayăng Cutuyariê, luật sư Lôdơbai, Tưởng Gíới Thạch, Tống Khánh Linh, Lý Tế Thâm…

Điều đáng quý là trong “rừng” nhân vật này, chúng ta còn được “gặp” nhiều con người bình thường mà bạn đọc ít biết, thậm chí là chưa ai nhắc đến, trong đó, bà Quỳnh Anh (là vợ ông Võ Tùng, em gái chí sĩ Đặng Thúc Hứa, sau khi tham gia phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, đã về Thái Lan lập “Trại Cày” để sản xuất và xây dựng cơ sở cách mạng…), tuy chỉ xuất hiện trong vài trang sách, nhưng đã để lại ấn tượng thật đẹp về lớp quần chúng thầm lặng đã góp phần làm nên lịch sử.

Khi biết Nguyễn cần phải đến Udon, bà đã bàn để ông Võ Tùng cùng đi để “lo liệu cho Nguyễn dọc đường và những ngày ở Udon “những là lạ nước lạ non”… Bà chuẩn bị rất chu đáo cho chuyến đi, sắp cho ông Võ Tùng một gánh đồ, mỗi bên là một thùng có nắp đậy, đựng quần áo, đồ dùng lặt vặt, một ống cheo (thịt gà băm nhỏ rang với muối mặn) làm lương khô dọc đường… Buổi tối, sau bữa cơm chia tay, Nguyễn cảm động nói với bà Quỳnh Anh: “Thưa chị, em đi chuyến này chưa biết bao giờ trở lại. Em biết ơn chị nhiều. Em nhớ nơi này, nhớ chị. Thương chị vất vả không có anh ở nhà!”… -“Hãy yên lòng… cậu Thành - bà Quỳnh Anh, giọng nghẹn lại…”.

Bà gọi tên “thời trẻ” của Nguyễn vì bà là bạn cùng hoạt động với bà Thanh, chị ruột của Nguyễn. Đoạn tả cảnh gia đình bà Quỳnh Anh lo cơm nước trước lúc lên đường cũng như trang thuật lại cảnh đi đường của Nguyễn cùng ông Võ Tùng và Đặng Canh Tân (lại một con người bình thường chưa mấy người biết - con trai chí sĩ Đặng Thái Thân) thật cảm động. Những chi tiết này cùng cảnh gian nan vượt rừng sâu núi thẳm kéo dài 10 ngày là đóng góp của nhà tiểu thuyết làm chân dung Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thêm sinh động.

Một vĩ nhân như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, mọi sự ca tụng đều không cần thiết; tuy vậy, vẫn phải nói là chỉ đoạn văn này, Hoàng Quốc Uyên đã làm bạn đọc thêm cảm phục ý chí kiên cường cũng như sức lôi cuốn quần chúng của Người trong những ngày quyết tìm con đường “đột nội” về cố quốc, khi phong trào cách mạng trong nước đang dâng lên như sóng trào.

Ở một phương diện khác, Hoàng Quốc Uyên cũng khá thành công khi miêu tả mối quan hệ không hề đơn giản giữa Nguyễn với hai tên tuổi lớn của lịch sử Việt Nam: Phan Chu Trinh và Trần Phú. Trong tất cả các nhân vật cách mạng tiền bối, tác giả đã dành nhiều trang nhất cho cụ Phan Chu Trinh. Tác giả đã miêu tả mối quan hệ giữa cụ Phan Tây Hồ và Nguyễn với tình cảm nồng ấm, trân trọng như chính thái độ của Nguyễn trong những lần hội ngộ với cụ Phan. Sau những ngày Nguyễn được cụ Phan cưu mang, kiếm việc làm, do bị mật thám Pháp theo dõi, Nguyễn xin phép rời căn phòng cụ Phan đến ngõ Côngpoanh. Cụ Phan tỏ ý muốn giữ lại: “Ở đây còn có bác, có cháu, có anh em, cháu chuyển đi lúc này bác không yên tâm chút nào…”. Khi biết không cản được, cụ nói: “Thì anh đã quyết rồi, ta cũng thuận theo thôi, nhưng như thế là ta có lỗi với cụ Phó bảng Sắc, ta không làm tròn sự gửi gắm của cụ. Ta bất lực. Buồn lắm thay!”.

Cũng có thể nói, quan hệ giữa cụ Phan với Nguyễn Ái Quốc là “tấm gương sáng” về cách “đối nhân xử thế” giữa những người yêu nước, tuy không cùng đường đi, khác chính kiến nhưng vẫn thương quý nhau, vẫn tận tình giúp đỡ nhau. Với Trần Phú, Nguyễn trải qua những thời khắc khó khăn hơn. Việc “phân giải ai đúng, ai sai” giữa Nguyễn và Trần Phú, với cả Quốc tế Cộng sản lúc đó nữa, lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc. Bàn về một tiểu thuyết, xin không đi sâu vào khía cạnh chính trị, nhưng dưới ngòi bút của Hoàng Quốc Uyên trong Trông vời cố quốc, càng chứng tỏ bản lĩnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bất chấp cường quyền, sẵn sàng chịu thiệt thòi, quyết theo đuổi đến cùng vì sự nghiệp cao cả là giải phóng dân tộc.

Nói theo thành ngữ mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn ra: “Ngọc càng mài càng sáng/Vàng càng luyện càng trong”, đọc Trông vời cố quốc, chúng ta hiểu thêm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh qua 30 năm gian nan tìm đường cứu nước, càng vấp phải trở lực, thậm chí phải “nằm gai nếm mật”, càng ngời sáng tấm lòng son của người cách mạng luôn đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết…

(Nhân đọc “Trông vời cố quốc” – Tiểu thuyết của Hoàng Quảng Uyên, NXB Đại học Thái Nguyên, 2017)

 

NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ mới về “Chuyện cũ…”

Đó, có lẽ là ý “gan ruột” của nhà văn lão thành Nguyễn Khắc Phê muốn gửi gắm trong sách mới của ông: “Chuyện cũ nghĩ thêm - Trò cười nên bớt” (NXB Hội Nhà văn, tháng 4/2021) ra mắt bạn đọc trước thềm “Ngày sách Việt Nam” 21/4.

Nghĩ mới về “Chuyện cũ…”
Mùa xuân, nửa thế kỷ trước, Bác Hồ đã nói…

Cứ mỗi độ Xuân về, người dân Việt lại nhắc đến Bác Hồ. Hơn nửa thế kỷ qua, không còn được nghe thơ mừng Xuân của Bác, nhưng những lời Bác gửi lại vẫn sống trong ký ức nhiều thế hệ.

Mùa xuân, nửa thế kỷ trước, Bác Hồ đã nói…
Món quà đặc biệt

Tôi chưa làm thầy ai, nghĩa là suốt cuộc đời gần bát tuần của mình chỉ tuân theo lời Lê-nin “học, học nữa, học mãi”; vậy mà mấy năm qua, gần đến ngày 20/11, tôi đều được nhận quà! Người tặng quà là bà Hoàng Thị Lài, một bác sĩ nhi khoa hơn 80 tuổi, đi lại khó khăn, nên năm nào cũng phải nhờ một bác xe ôm đưa quà đến nhà tôi.

Món quà đặc biệt
“Cái vô hạn” trong một cuốn sách

Thật khó tóm tắt được nội dung một cuốn sách khoa học dày cộp được viết với giọng điệu như thế, với phẩm chất hướng tới­­­:“sáng rõ như hình học, tinh tế như thơ”.

“Cái vô hạn” trong một cuốn sách
Về một bức ảnh lịch sử

Nhân kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam, kể lại câu chuyện xưa về một bức ảnh để rõ thêm một chi tiết lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam...

Về một bức ảnh lịch sử
Return to top