ClockThứ Tư, 05/12/2018 05:30

Ngô Minh - người hết lòng vì thơ, vì bạn

TTH - Mấy chục năm qua, Ngô Minh đã trở thành gương mặt thơ Huế có giọng điệu riêng, được nhiều người mến mộ.

Anh từng được tặng thưởng Thơ hay báo Nhân dân (1978), Thơ hay Văn nghệ Quân đội 1985, Thơ hay 5 năm Tạp chí Sông Hương và nhiều giải thưởng khác…

Nhà thơ Ngô Minh và tác phẩm

“Như tôi / đứa con của cát /mắt quen mở ngang tầm gió sắc / để nhận trong mắt biển một chân trời/ kết tinh thành hột muối hồn tôi”… (Trích “Đứa con của cát”).

Những ai đã đọc bộ Tuyển của Ngô Minh hẳn đều phải thừa nhận những bài thơ về Huế (trong phần “Tìm tôi tìm Huế”) và thơ tình (phần “Gọi đôi”) của Ngô Minh cũng có nhiều bài hay.

Tôi nhắc đến “bộ Tuyển” của Ngô Minh trước hết đây là cả sự nghiệp của anh; lại ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi anh vừa xuất huyết dạ dày lần thứ hai.

Nhiều anh em ở Huế càng ái ngại cho nhà thơ-nhà báo xông xáo và mê say nhiều thứ này - trong đó có thứ tối kỵ với bệnh đau dạ dày. Bạn bè văn chương đến Huế, gặp Ngô Minh là phải có rượu. Không có chai “lắc giọt” ngoại quốc thì cũng phải rượu bà Hiếu 40 độ ở dốc Phú Cam, chứ bia là bị coi khinh. Nói cho công bằng, anh chỉ uống khi vui bạn bè. Thế nên mới còn sức, còn thời gian mà xông xáo vào mọi chuyện.

Cho dù vậy, đã hay rượu mà bục dạ dày thì xem chừng gay go. Chuyền 4 đơn vị máu (bằng 1 lít máu), khá ra chút ít, nhưng Ngô Minh còn bị gút, thấp khớp, mà nghe nói thuốc chữa bệnh này lại nguy hại cho bệnh kia… Vậy mà Ngô Minh đã thoát hiểm. Nhưng nghe Ngô Minh “công bố” kế hoạch làm bộ tuyển tập 5 cuốn với 2.500 trang, tôi cứ sợ bạn “đứt gánh” nửa đường! Vậy mà Ngô Minh làm thật. Có thể xem bộ sách 5 tập như là “5 mũi giáp công” khẳng định những đóng góp không nhỏ trong cuộc đời 40 năm cầm bút của Ngô Minh.

Tôi nói theo ngôn ngữ chiến trận, vì sau gần 40 năm cởi áo lính, nhưng “chất lính” trong anh xem ra chưa phai. Điều đó thể hiện ở những cuốn sách về đề tài người lính và cách mạng đã được Ngô Minh cho ra đời một cách liên tục: Nhớ Phùng Quán (2003), Đất Thiêng (2005), Phùng Quán - 3 phút sự thật (tổ chức bản thảo, 2006), Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh (2007), Phùng Quán còn đây (biên soạn cùng chị Bội Trâm, 2007), 100 ngày vượt Trường Sơn (2010), Cổ tích tàu không số  (2011), Tướng Giáp trong tôi (2013)…”.

Trong mấy năm gần đây, anh đã giúp lo in Tuyển tập cho một số bạn bè như Hải Kỳ, Lê Đình Ty... Đặc biệt, chỉ từ sự kêu gọi của Ngô Minh, khu mộ nhà thơ Phùng Quán và người bạn đời Bội Trâm được xây dựng thật đẹp tại quê hương ông bằng sự ủng hộ của hàng trăm bạn đọc yêu văn chương trong và ngoài nước. Số tiền xây dựng công trình còn dư, mấy năm qua, Ngô Minh đã có sáng kiến tổ chức Quỹ Tặng thưởng tác phẩm văn học, Quỹ học bổng mang tên Phùng Quán tặng cho học sinh giỏi ở quê hương ông.

Như là một lẽ tự nhiên, một người hết lòng với thơ, với đời, với đồng đội như Ngô Minh, khi anh công bố ý định làm Tuyển tập, liền được nhiều bạn bè trong và ngoài nước ủng hộ. Sau bộ sách thật hoành tráng, thật đẹp này, bạn đọc vẫn tin là sẽ được đọc tiếp tác phẩm mới của anh. Quả thật, năm 2016, Ngô Minh cho in tập ký “Sống thời bao cấp”. Và mới tháng trước, gặp Chủ tịch Hữu Thỉnh tại Huế, anh đã hứa sẽ hoàn thành sớm một bản thảo để có thể dự giải văn học sông Mê-kông…

Vậy mà… Sau cơn tai biến, rồi trượt ngã ngay trong nhà, Ngô Minh hôn mê tức thì ngay khi anh vừa gửi bài Tết cho Báo Thừa Thiên Huế.

Chập tối 3/12/2018, nghe tin Bệnh viện Trung ương Huế bất lực sau 1 tuần nỗ lực cứu chữa, đã cho gia đình đưa Ngô Minh về, tôi liền xuống thăm.

Đường xuống dốc Bến Ngự, qua mộ cụ Phan một quãng, rồi rẽ lên dốc, chưa tới nhà anh đã thấy xe honda xếp dãy dài và tiếng máy khoan rú lên… Biết là không thể cứu chữa được nữa, nhà thì hẹp, đành phải đục phá một đoạn tường ở phòng khách để tiện lo tang lễ…

Đã thấy nhà thơ Mai Văn Hoan và nhà phê bình Phạm Phú Phong ở đây. Ngô Minh nằm yên trên giường, chăn đắp tận cổ như đang ngủ. Tôi nắm bàn tay gầy nhom, lạnh buốt của Tâm (vợ Ngô Minh): “Biết làm sao được! Số phận mà…”. Tâm nói nhỏ, nghẹn ngào: “Bao nhiêu việc còn dang dở. Trong máy có tin nhắn của ai đó nhắc gửi bài…”.

Một lát sau, như để giảm bớt nỗi buồn đau của bạn bè, con cháu, Tâm nói: “Anh đang ngủ đó. Chút nữa dậy uống rượu bây chừ…” Ai đó nói thêm: “Và lại làm thơ…”

Trời Huế hôm qua nắng, nay lại lắc rắc mưa rồi! Trời cũng khóc thương “đứa con của cát” đã sống hết lòng vì thơ và bạn bè nhưng không cưỡng lại được số phận! Không biết sắp tới đây, lễ giỗ nhà thơ Phùng Quán ai sẽ thay Ngô Minh rót rượu trên mộ nhà thơ đàn anh và tặng học bổng cho các em học sinh quê Thủy Dương ?...

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người anh cả của Đại đội 20 trinh sát

“Anh là một người chỉ huy mẫu mực, hết lòng vì đồng đội trong cuộc sống cũng như công việc; gần gũi, và luôn dành những tình cảm thân thương đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị”. Đó là nhận xét của cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 20 trinh sát về khi nói về Chính trị viên (CTV) Đại đội, Thượng úy Ngô Văn Lực.

Người anh cả của Đại đội 20 trinh sát
Hết lòng với hội viên

Chị Võ Thị Ngọc Điệp (sinh năm 1988), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thủy Tân (TX. Hương Thủy) không chỉ được biết đến là một cán bộ Hội năng động, có nhiều sáng kiến, xây dựng các mô hình hiệu quả mà chị còn là một cán bộ Hội luôn hết lòng với hội viên, nhất là các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hết lòng với hội viên
Bác sĩ trẻ hết lòng vì người dân nơi biên giới

Công tác trong ngành y hơn 8 năm, gần 3 năm cống hiến tuổi trẻ nơi biên cương xứ Huế, bác sĩ chuyên khoa I, Nguyễn Trần Phú, sinh năm 1990, công tác tại Bệnh xá quân dân y Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 (Quân khu 4) luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” để nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, hết lòng chăm sóc sức khỏe Nhân dân nơi biên giới.

Bác sĩ trẻ hết lòng vì người dân nơi biên giới
Người y tá hết lòng vì đồng đội

Năm 2022, chàng thanh niên trẻ Trần Lê Anh Tài (Hương Thủy) viết đơn đăng ký tình nguyện thực hiện nghĩa vụ công dân với Tổ quốc. Khi được học tập, rèn luyện trong quân ngũ, Tài đã phát huy được phẩm chất, năng lực của mình, luôn được cấp trên đánh giá cao, đồng đội yêu quý.

Người y tá hết lòng vì đồng đội
Return to top