ClockChủ Nhật, 27/08/2017 11:46

Ngoài chi trả bằng tiền, REDD+ còn nỗ lực tăng số & chất lượng rừng

TTH - Nhằm tiếp cận một dịch vụ môi trường rừng khác mà hiện nay Việt Nam chưa được chi trả (dịch vụ hấp thụ các- bon trong lâm nghiệp), dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2 (2016-2019) được Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) tài trợ thực hiện tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ, trong đó có Thừa Thiên Huế là cơ hội để quản lý rừng bền vững và được chi trả một phần thông qua nỗ lực này. Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc dự án FCPF- REDD+ Việt Nam giai đoạn 2 về mục tiêu của dự án.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy

Trước tiên, tôi muốn nói rõ khái niệm REDD+ là một sáng kiến hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển vì những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua 5 hoạt động: giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

Tham gia giai đoạn 2, bên cạnh thuận lợi nhờ sau 3 năm thực hiện giai đoạn 1 (2013-2016), những hiểu biết, nhận thức từ Trung ương đến địa phương về REDD+ được tăng lên đáng kể, Việt Nam và các địa phương triển khai dự án có thể tiếp cận được nguồn quỹ của FCPF thông qua chương trình giảm phát thải.

Bà có thể nói rõ lợi ích khi tham gia REDD+?

REDD+ là sáng kiến rất mới hướng tới việc giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và quản lý bền vững tài nguyên rừng. Ngoài lợi ích về các-bon còn có rất nhiều lợi ích phi các-bon từ chương trình giảm phát thải. Đầu tiên, sáng kiến này giúp cải thiện việc quản trị rừng về mặt chính sách, năng lực cho các bên liên quan trong việc thực hiện chương trình, vì đây là chương trình thực hiện dựa trên kết quả. Thứ 2, cải thiện được việc tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Thứ 3, không chỉ về các-bon mà đó là sinh kế của cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng. Thứ 4, ngoài lợi ích về gỗ mà rừng cung cấp, các lợi ích phi các-bon khác như dịch vụ môi trường rừng, điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và sâu xa hơn liên quan đến thích ứng với BĐKH là bảo tồn đa dạng sinh học...

Cụ thể Thừa Thiên Huế sẽ được lợi gì từ chương trình giảm phát thải như bà nêu?

Chương trình REDD+ triển khai ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ, trong đó có Thừa Thiên Huế, nếu được quốc tế thông qua và triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích cho địa phương như: có thêm nguồn lực cho người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức lâm nghiệp thực hiện tốt việc bảo vệ, phát triển rừng. Thông qua đó, người dân sẽ thấy được lợi ích, hiệu quả kinh tế, môi trường từ rừng.

Lý do dự án chọn khu vực Bắc Trung bộ để thực hiện giai đoạn 2 mà không phải những nơi khác, thưa bà?

Vùng Duyên hải Bắc Trung bộ bao gồm gần như toàn bộ diện tích rừng lá rộng thường xanh còn lại của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu. Chiếm 16% tổng diện tích đất cả nước, nhưng độ che phủ rừng tại khu vực đề xuất đạt 57% diện tích (2,9 triệu ha), trong đó 74% là rừng tự nhiên. Hơn một nửa (1,7 triệu ha) đất rừng của vùng thuộc quản lý của Nhà nước và gần 1/3 (0,9 triệu ha) đã được giao cho các hộ gia đình cá thể hoặc các cộng đồng thôn bản.

Sở dĩ chúng tôi chọn khu vực 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là có hai mong muốn: đổi mới  phương thức bảo vệ rừng và tiếp cận một dịch vụ môi trường rừng khác mà hiện nay Việt Nam chưa được chi trả, đó là dịch vụ hấp thụ các-bon trong lâm nghiệp. Đây cũng là một trong những thử nghiệm không chỉ đối với Việt Nam mà đối với nhiều nước trên thế giới. Cách này cũng hoàn trả một phần nỗ lực của Việt Nam và các địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Thông qua các mô hình can thiệp trên thực địa, dự án kỳ vọng tránh mất rừng và suy thoái rừng, cải thiện trữ lượng các-bon ở rừng tự nhiên đã bị suy thoái là 229.058 ha. Cải thiện trữ lượng các-bon thông qua việc chuyển đổi rừng trồng chu kỳ ngắn hiện tại sang chu kỳ dài và rừng cây bản địa được ước tính là 77.820 ha.

Việt Nam có thể thu được bao nhiêu tiền; quy đổi ra bao nhiêu tấn CO2 từ REDD+?

Trong lá thư dự định ký giữa Ngân hàng thế giới và Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nếu trong tháng 12 này, Chương trình giảm phát thải của Việt Nam được Quỹ Các-bon chấp thuận thì sẽ tiến tới vòng đàm phán mà dự kiến là Quỹ các-bon sẽ mua của Việt Nam là 10,3 triệu tấn các-bon, tương đương với giá thành dự kiến là 5 USD/tấn, tức là tổng khoảng 51,5 triệu USD. Tuy nhiên tôi cũng muốn làm rõ, nếu như gọi là mua bán thì cũng không hẳn, đây chỉ là một phần sự hỗ trợ cho những nỗ lực của Việt Nam. Thực tế, để đạt được mức giảm phát thải như thế thì đầu tư và nỗ lực của các địa phương còn cao hơn rất nhiều.

Có sự ràng buộc nào của những đối tượng được hưởng lợi từ REDD+?

Mặc dù việc mua bán tín chỉ các-bon mới chỉ là tự nguyện và thí điểm nhưng vẫn có những điều kiện ràng buộc. Với bản thân thuật ngữ REDD+, các bạn có thể thấy rằng nó gồm có 2 thành tố quan trọng nhất: giảm phát thải và giảm mất rừng. Tức là bạn chỉ có thể nhận được tiền khi mà ít nhất bạn không mất diện tích rừng hiện có và tăng chất lượng rừng thì mới hấp thụ được thêm các-bon. Nếu bạn tăng trưởng 1 tấn các-bon thì bạn sẽ được nhận phần tăng thêm đó. Ngoài ra, người thực hiện cũng phải đảm bảo rằng, các yếu tố môi trường và xã hội khác cũng phải được cân bằng, không phải vì lợi ích của mình mà lấy đi lợi ích của người khác.

Vậy tiêu chí rừng như thế nào mới được REDD+ hỗ trợ?

Phải đảm bảo lưu giữ được các-bon mới là một trong những tiêu chí để được REDD+ hỗ trợ. Vì thế, các khu vực rừng trồng ngắn ngày sau khi thu hoạch hoặc băm dăm, tức là việc hấp thụ các-bon ở đối tượng rừng này chưa lâu, trong khi chúng lại phát thải ra các-bon, nên theo nguyên tắc của các-bon là không được tính. Do vậy, chỉ có rừng tự nhiên, rừng trồng chu kỳ dài, rừng trồng các loại gỗ lớn mới được tính là bể chứa các-bon.

Giữa REDD+ và dịch vụ môi trường rừng không có gì khác, thưa bà?

Các bạn có thể thấy dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon từ rừng là 1 trong 5 dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã được nêu trong Nghị định 99 về chính sách chi trả DVMTR, thế thì REDD+ không nằm ngoài DVMTR. Đây là 1 trong 5 dịch vụ, nhưng chúng ta chỉ mới thu được 3 dịch vụ (thủy điện, nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước) và đây là dịch vụ thứ 4, nhưng chúng ta chưa thu trong nước. Đáng lẽ các cơ sở phát thải hoặc là các phương tiện giao thông phát thải là phải thu, nhưng hiện giờ chúng ta chưa làm điều đó, chỉ có một số nước như Singapore đã thực hiện việc đánh thuế các-bon. Việt Nam hiện nay mới đang thí điểm qua cơ chế này. Hy vọng, đây sẽ là “cánh cửa” để giúp Việt Nam tăng độ che phủ rừng đạt 42- 43% đến năm 2020 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đã đề ra, đồng thời tăng cả về năng suất và chất lượng rừng.

Cám ơn bà về cuộc trao đổi!

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Trồng 2.400 cây rừng bản địa

Đó là hoạt động chào mừng Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11 do Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh tổ chức vào ngày 25/11.

Trồng 2 400 cây rừng bản địa
Return to top