ClockChủ Nhật, 18/06/2017 08:57

Ngoại ơi

TTH - Ông ngoại mất khi bà ngoại chưa đầy tuổi ba mươi; bà chịu cảnh đơn chiếc, dồn tình thương cho người con duy nhất là mẹ tôi rồi các cháu. Thương nhau nhưng ngoại và mẹ thường bất đồng vì những chuyện không đâu, nhất là việc mẹ tham gia diễn văn nghệ ở xã.

Quần quật trên đồng rồi tất bật việc nhà từ tinh mơ đến tối mịt nhưng mẹ tôi vẫn ham ca hát. Đam mê ấy đeo đẳng mẹ cả khi các con còn nhỏ. Cứ nghe tiếng trống chầu đâu đó vọng lại, mẹ lặng người hướng về nơi ấy, đang ăn cũng ngưng đũa. Chỉ nghe tiếng trống tiếng nhị, mẹ cũng đoán biết vở diễn đang tới lớp xàng xê hay cổ bản, xuân nữ hay hát lối. Tối nào có chiếu phim hay văn công ở xã nhưng không đi được, mẹ xuýt xoa tiếc nuối cả ngày hôm sau. Ngoài là khán giả nhiệt thành, mẹ còn là diễn viên múa và giọng ca bài chòi nổi nhất đội văn nghệ xã, từng được giải thưởng trong hội diễn của huyện.

Nhưng đó là chuyện sau này, còn lần đầu nghe con hớn hở xin đi tập văn nghệ, ngoại tôi gạt ngang: “Không văn nghệ văn gừng gì hết!”. Trước vẻ ngơ ngác của con, ngoại buông tiếng xa xôi: “Chưa chồng đi dọc đi ngang, chồng rồi cứ thẳng một đàng mà đi”. Mẹ xịu mặt, ấm ức: “Con chẳng làm gì không phải với chồng”. Ngoại ngồi im, lâu thật lâu rồi hạ giọng: “Nam nữ mà cứ quấn lấy nhau hát hò, nhảy nhót như thế, coi chừng... “khát nước” đấy, con ạ”. Mặc con gái năn nỉ rồi vùng vằng, ngoại vẫn lắc đầu. Chỉ đến khi ba tôi có lời, mẹ mới thỏa đam mê được lên sân khấu.

Ba tôi là công nhân cầu đường, với dằng dặc những ngày xa nhà. Lần đó ba về, chắc đã nghe mẹ thuật lại lệnh “cấm vận” của ngoại. Lựa lúc ngoại đang vui, ba nhẹ nhàng thưa chuyện: “Con đi xa, nhà con vất vả nhiều, cứ để cô ấy tham gia văn nghệ cho vui, mẹ ạ”. Lúc đầu ngoại cũng gạt ngang nhưng ba thủ thỉ một hồi, ngoại im, rồi hỏi lại: “Đàn bà đã chồng con mà đêm hôm đi lại, lỡ có chuyện gì thì sao - giọng ngoại chùng xuống - mẹ muốn giữ cho các con”. Ba cười: “Mẹ lo vậy là không tin con gái rồi”. Ngoại và ba còn nói chuyện nhiều nhiều cho đến khi ngoại đổi ý.

Với nhà tôi, đó là những năm bát cơm không độn khoai là ước mơ không hiện thực và cá thịt thường chỉ có trong ngày giỗ, ngày Tết. Bữa nào có món ngon, ngoại chống đũa nhìn ra sân, giọng xa xăm: “Giá như có ba chúng mày ở nhà...”. Ngồi vào mâm, ngoại để những đĩa ngon về phía các cháu. Chị em tôi cứ vô tư “đánh” những món khoái khẩu đến trơ đĩa, còn ngoại chỉ rau dưa qua bữa. Mẹ thường tiếp thức ăn cho ngoại và giục “mẹ ăn đi” nhưng ngoại lại gắp sang cho cháu. “Bà thích ăn khoai cho chắc bụng” - ngoại thường nói thế rồi lấy đũa gỡ những hạt cơm bám trên củ khoai vào bát tôi, phần ngoại chỉ củ khoai trơ trọi. Thương cháu nên ngoại đã dối lòng - mãi sau này tôi mới ngộ ra điều ấy.

Mỗi lần ba về, cả nhà vui, riêng tôi còn thêm nỗi lo. Vào những dịp đó, mẹ và chị thi nhau tố cáo tôi với ba, nào là trốn học, nói hỗn với ngoại đến đánh bạn, chửi bậy. “Thằng Củi đâu!?”- Nghe giọng sắc lạnh của ba là tôi rét từ đầu tới chân. Chẳng nhớ đã bao lần tôi vòng tay cúi đầu nghe ba chỉ dạy, nhìn cây roi trong tay ba nhịp nhịp, tôi co rúm, điếng người. Vậy cũng còn may. Không ít lần, ba chỉ vắn tắt lý do trận đòn bằng vài câu bực tức rồi rút roi trên mái hiên quất cho, khiến cái mông tội nghiệp của tôi hằn lên những “con lươn”. Cứ nghe tiếng roi kêu “soạt” trên mái ngói, dù đang làm gì, ngoại cũng lật đật chạy lại ngăn ba và che cho tôi. Có ngoại, ba chùn tay, lẳng lặng bỏ đi dù mặt đỏ bừng.

Xin nói thêm về lý do khiến tôi mang tên của thứ chất đốt thông dụng kia. Chiều sắp mưa nào đó, tôi muốn đi chơi nhưng ngoại bảo ra vườn ôm củi vô nhà. Tôi phụng phịu, giẫm chân không chịu. Ngoại ra điều kiện: “Đem củi chất đầy bếp rồi chơi”. Tôi rẹt rẹt làm ngay, thoáng chốc đống củi trong bếp đã cao có ngọn. Tôi phấn chấn, co giò định chạy thì ngoại đổi ý: “Sấm sét ghê quá, đừng ra ngoài”. Tôi ức muốn khóc. Lựa lúc ngoại sàng gạo ở nhà trên, tôi lẳng lặng “tha” hết củi trong bếp đem về chỗ cũ. Thằng Củi - cái tên khiến người ta nghĩ ngay đến khói lửa gắn với tôi từ đó.

Có lần, chị say sưa kể với ba việc tôi mải chơi để trâu ăn lúa, ngoại cắt ngang: “Con bé đi lấy thóc cho gà ăn”. Ngoại bảo, tất nhiên chị không dám trái ý. Thế là câu chuyện dang dở, tôi thoát nạn. Lần khác, tôi nép sau cánh cửa hông hồi hộp nghe mẹ thuật với ba việc tôi vật thằng bạn gãy tay khiến mẹ phải bỏ buổi gặt, chở nó lên bệnh viện huyện bó bột. Ba lộ rõ xót ruột, cứ luôn mồm xuýt xoa, hỏi lại. Như thường khi, hạ hồi là ba quát gọi tôi. Nhưng lần này, ba chưa kịp lên tiếng, ngoại đã chen ngang: “Chuyện đó không sợ bằng thằng Củi đi học bữa lụt”. “Sao mẹ?”- ba sửng sốt cũng đồng nghĩa đang bị đánh lạc hướng.

Ngoại kể, tôi vẫn quyết đi học đúng hôm trời mưa như trút. Tôi đi rồi, ngoại lo quá, mang tơi cuống cuồng chạy theo. Khi tôi bơi được giữa sông thì một bè gỗ từ trên nguồn trôi tới, may mà tôi kịp bỏ cái nón đựng quần áo và sách vở để lặn xuống. Tôi nhớ, lúc ấy ngoại chạy đi chạy lại trên bờ, kêu cứu đến khản cổ, tiếng ngoại nhòe trong mưa thảm thiết. Kể lại nhưng mắt ngoại rơm rớm: “Nhìn thằng Củi cùng mấy đứa trần truồng, co ro ở bờ bên kia mà mẹ thương đứt ruột. Đến bao giờ làng mình mới có cầu qua sông, hả con?”. Ba ngồi lặng, quên hẳn chuyện tôi làm gãy tay bạn do mẹ kể.

Nỗi khổ nữa là chị em tôi phải lao động mỗi khi ba về; khi thì cuốc đất trồng rau, lúc xới đất tỉa đậu, gieo mè. Ba giao tôi một luống, chị một luống rưỡi, cứ thế cuốc, không trông chờ người khác. Tất nhiên ba không phân công cho ngoại nhưng bà vẫn làm. Lựa lúc ba lơ là hoặc đi uống nước, ngoại lại với qua, vội vàng cuốc cho chị em tôi. Ba thấy, xua tay: “Không được, mẹ cứ để các cháu làm cho quen”. Ngoại bực, xẵng giọng: “Người mới lủn củn như cái nấm, đã bắt làm thế này, lớn sao nổi!?”. Ba im nhưng không đồng nghĩa chị em tôi thoát được “nạn” cuốc đất trồng hoa màu rồi gánh nước tưới cho cây vào những ngày cuối tuần. Thế nên mỗi khi thấy hai cháu vác cuốc, xách gàu ra ruộng, ngoại lại lật đật đi theo, làm giúp.

Một hôm, ba trao ngoại cuổn sổ nhỏ và cây bút, có tôi thấy. Trước vẻ ngơ ngác của ngoại, ba nói: “Ở nhà, Củi hoang nghịch, mẹ ghi hết vào đây. Khi về con xem, cứ mỗi lỗi một roi, lỗi nặng hai roi”. Ngoại giãy nảy: “Mẹ không biết chữ!”. “Ủa, hồi trước mẹ qua bình dân học vụ rồi?”. Chuyện đi học của ngoại, tôi từng nghe. Sau Cách mạng tháng Tám, già trẻ lớn bé trong làng đều đi học để diệt giặc dốt. Ngoại thường đi chợ bán rau nên càng phải học bởi ngày đó ai không biết chữ thì không được vô chợ. Vậy là, ngoại học được những chữ đầu tiên do người ta viết trên những cái nong, cái nia dựng trước cổng chợ. “Mẹ cũng học lóm được đôi chữ nhưng giờ rơi rụng hết rồi” - câu trả lời như muốn lảng tránh của ngoại không làm ba nản lòng. Ba im lặng một lúc rồi nghĩa ra cách khác: “Mẹ lấy bút gạch vào đây, mỗi lỗi một gạch”. Ba lật trang áp chót của cuốn sổ, gạch thử cho ngoại xem, giống như cách người ta ghi điểm bóng chuyền vậy.

Từ đó, mỗi khi tôi làm điều gì không phải, ngoại lại dọa: “Bà ghi hết vào đây; ba mày sắp về đấy!”. Nói rồi, bà đi lấy sổ, ngồi nơi bàn ăn nắn nót từng chữ, kỳ công như một họa sĩ đang vẽ. Nhiều lúc tôi níu tay ngoại, kêu rối rít “ngoại đừng ghi, ngoại đừng ghi” nhưng cũng không ngăn được. Cứ thấy ngoại ngồi bên cuốn sổ, tôi cảm giác sợ sợ; nỗi sợ khiến tôi đỡ hoang nghịch hơn.

Ba về, dù lâu hay mau đều kiểm tra vở rồi hỏi chuyện tôi. Điệp khúc chị kể lể về em lặp lại. Một lần, ba cắt lời chị: “Mẹ, cuốn sổ đâu?”. Ngoại lúng túng một hồi rồi cười: “Không biết ở đâu, để tìm”. Tôi tái mặt, lẻn ra sau bếp và nấp vào cây rơm, phập phồng chờ. Ngoại lục tìm một hồi rồi thất vọng: “Để đâu mất rồi!”. Ngoại xoa dịu cơn giận của ba bằng cách ca sáu câu về tôi, nào là mới tí tuổi mà đã giúp mẹ tát nước, chất rơm; nào là được cô chủ nhiệm khen năng nổ trong công việc của lớp. Lời ngoại như khiến ba mát lòng... Rồi cũng đến lúc ba chẳng hỏi cuốn sổ khi tôi lên huyện trọ học cấp ba; tiếp nữa, lên phố học rồi lập nghiệp ở đó.

Ngày ngoại đau nặng, tôi tức tốc về quê. Nghe lay gọi, ngoại mở mắt, bàn tay gầy guộc nắm chặt tay tôi. Tiếng ngoại đã nhòe, tôi ghé tai đón từng lời nhưng luận mãi không ra. Thấy tôi ngơ ngác, ngoại đưa tay vỗ vỗ lên gối. Tôi lần tay vào bao gối, cuốn sổ. Đúng là cuốn sổ gắn liền tuổi thơ tôi. Tôi líu ríu lật từng trang ố vàng. Những dòng chữ run run với nhiều lỗi chính tả ghi lại những lỗi lầm của tôi ngày nhỏ. Thì ra, ngoại không tái mù chữ, càng không để mất cuốn sổ như từng nói với ba. Ngoại sợ tôi bị ba đánh đòn nên làm thế. Tôi ôm chầm lấy ngoại, thảng thốt: “Ngoại ơi!”.

Giờ con trai tôi cũng hoang nghịch chẳng khác ba nó ngày bé. Khi ngôn từ răn dạy dường như bất lực thì bạo lực muốn trỗi dậy. Đã bao lần tôi giơ roi trước con nhưng nhớ hình ảnh bà ngoại ngày xưa, tôi lại chùn tay, không nỡ...

Nguyễn Trọng Hoạt

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bếp lửa của mẹ

Trước đó, cùng với năn nỉ mẹ bỏ bếp củi, tôi kêu thợ đúc đanh, xây bệ, lát gạch men tạo nên không gian mới sáng sủa ngay cạnh gian bếp nhem nhuốc, rồi mua bếp gas lắp vào.

Bếp lửa của mẹ
Khoảng trống trên đồng

Sau những đợt quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa bờ vùng khiến cánh đồng làng tôi ngay ngắn, thẳng tắp.

Khoảng trống trên đồng
Vết chàm

Mẹ nào chẳng yêu con nhưng có lẽ bà có nhiều lý do hơn để tình mẫu tử càng sâu nặng.

Vết chàm
Bức tường rào

Nhà nàng cách nhà anh không phải dậu mồng tơi mà là bức tường quét vôi vàng, cao mét tám, mặt trên lởm chởm mảnh chai xanh đỏ trắng vàng. Sau khi ba nàng yên vị trên chiếc ghế giám đốc sở và sau nhiều bữa liên hoan chúc mừng, chia tay, cả nhà dọn lên thành phố này.

Bức tường rào
Lợi và hại

Gần cơ quan tôi có một quán cơm hến được nhiều thực khách cho là ngon nên luôn đông khách; không chỉ người trong vùng mà cả du khách từ mấy khách sạn gần đó cũng thường đến ăn.

Lợi và hại
Return to top