ClockThứ Sáu, 14/06/2019 08:14

Ngôi nhà nhỏ cuối khu vườn

TTH - “Mưa chi mưa dữ rứa không biết”, mụ Thương nằm trên chiếc giường ọp ẹp, nghe mưa dội chan chát xuống mái tôn mà rầu cả ruột. Ờ thì, mụ không làm ruộng như dân trong xóm, không cần phải chộn rộn trông mưa trông nắng. Nhưng cứ nghe tiếng mưa rổn rản ngoài kia, mụ lại thấy nóng ruột. Mụ sợ mưa, sợ lũ. Mụ nghe kể, ngày bé mụ từng suýt chết vì lũ.

Tiếng đàn buồn như tiếng lá rơiVũ điệu ngày nắng

Những đêm mưa ra rả, gió vun vút như thế, nằm một mình trong nhà, mụ thường loay hoay nhớ về cái đêm của rất nhiều, rất nhiều năm về trước. Lúc mụ còn bé tí. Mưa gió cũng dữ như ri. Nước không biết từ đâu cứ đổ về mãi. Nước tràn vào vườn, tràn vào nhà. Cái gác chống lũ của nhà mụ chẳng mấy chốc đã ngập nước. Mênh mông nước. Mụ và em trai được ba mạ vác trên vai, từ trên gác chui qua cửa gió để leo lên mái. Nước vẫn xì xoạp đuổi theo chân. Mái nhà cũng ngập nước. Ba mụ một tay ôm thằng em mụ, vượt qua dòng nước xoáy bơi đến cành mít cách đó cả chục mét. Cây mít cao quá nóc nhà mụ. Không lo bị dòng nước đen ngòm giữa khuya nuốt mất.

Mưa. Ướt. Lạnh. Đói. Mụ úp mặt vào ngực mạ mụ. Ấm quá. Trong cơn mê man, mụ vẫn nghe rõ tiếng hai hàm răng bà va vào nhau lập cập. Bàn tay bà lạnh ngắt, ôm cứng mụ trong lòng. Gió thông thốc thổi tới, đôi tay ấy lại run lên. Đêm đen như mực. Mụ quơ đôi tay nhỏ xíu bấu chặt vào tấm áo của mạ mụ. Chỉ sợ một lúc nào đó, đôi tay ấy vì run rẩy mà đánh rớt mụ xuống dòng nước cuồn cuộn đen ngòm bên dưới.

Nước tiếp tục lên. Ba mụ liên tục thúc giục mạ mụ bơi sang cành mít. Nếu nước cao lên nữa, đôn nhà mụ chắc trôi mất, hoặc chìm sâu trong nước. “Dòng chảy này dữ lắm. Bà bơi một mình may ra mới qua được”… “Chỉ cần bà sống, sau này lại đẻ đứa khác”… “Có thằng Tài rồi, họ Hoàng không lo đứt hương khói. Mình nó là đủ”. Tiếng nói bị mưa, gió đánh bạt đi, nghe khàn khàn, đứt đoạn. “Mình nó là đủ”, “mình nó là đủ”. Âm thanh ấy ám vào đầu mụ suốt nhiều năm sau đó. Nhờ mẹ mụ chần chừ, nên mụ mới không bị nước nuốt mất.

Từ năm đó, những đêm mưa, mụ thường ngủ không ngon giấc. Càng về già, mụ càng ít ngủ hơn trong những đêm mưa. Mà có lẽ. Ai già đi cũng đều ít ngủ. Giống như đêm nay. Mưa từ đầu hôm cho đến khuya lơ khuya lắc vẫn chưa ngớt hạt. Mưa dữ quá, nên mấy con thằn lằn hay đu trên góc tường nhà mụ cũng kéo đi đâu hết. Mụ chẳng nghe tiếng chúng tặc lưỡi như mọi khi. Hoặc chúng vẫn nằm đó, trên tường nhà. Nhưng tiếng kêu buồn hiu ấy, đã bị cơn mưa ngoài kia nuốt chửng. Mụ nghĩ, đêm, nếu không có những thứ âm thanh đó, hoặc giả tiếng tụi côn trùng ngoài vườn nhà mụ cũng thôi không ri rỉ kêu, chắc mụ cô đơn lắm. Bởi mụ chẳng còn gì để trông ngóng.

Ngày còn con gái, mụ cũng từng ao ước có một tổ ấm riêng. 10 tuổi, mụ đã phải nghỉ học, đi ở đợ lấy tiền cho em trai ăn học. “Con gái học lắm để làm chi”. Ba mụ nói. Mụ trốn sau hè, len lén quệt nước mắt. Rồi mụ ôm gói theo người bà con ra chợ huyện ở trông em, trong ngôi nhà lạ lẫm. Cuộc đời mụ vậy mà cứ trôi tuồn tuột từ ngôi nhà này sang nhà khác. Năm mụ 18 tuổi, cứ tưởng sẽ hết kiếp ở đợ khi có người con trai làng bên sang hỏi cưới mụ. Chẳng yêu đương gì, nhưng mụ vẫn cứ gật đầu cái rụp. Miễn họ thương mụ là được. Mụ nghĩ. Cuộc đời mụ cũng chỉ cần có nhiêu đó.

Lễ ăn hỏi xong, người con trai ấy theo đám trai làng mang gùi vào rừng tìm trầm. Làm giàu từ những cánh rừng xanh, đó là giấc mơ của nhiều người lúc ấy. Nhưng rừng xanh trả về cho mụ, là một người thanh niên gầy trơ xương, da xanh mét, bước chân liu xiu vì mắc bệnh sốt rét rừng. Ba mạ mụ nhất quyết không chịu gả. Mụ khóc. Nhưng chẳng ai vì những giọt nước mắt của mụ mà đổi ý.

Mụ tiếp tục kiếp ở đợ. Tiền công dành dụm được, mụ đưa hết cho mạ nuôi em học đại học. “Mày nuôi hắn học hành. Sau này hắn kiếm tiền, lại nuôi mày. Thiệt đi đâu”, ba mụ nói. “Mày đi ở, người ta đã lo hết cái ăn cái mặc, giữ tiền làm gì? Thằng Tài cần có cái xe để đi làm”. “Em mày sắp cưới vợ, cần tiền”. “Nhà mình cần phải sửa lại”. Cứ thế, những đồng tiền còm cõi đi ở của mụ, cứ trôi vèo theo những lần “cần, cần, và cần” của ba mụ.

Một năm đó, mạ mụ bảo: “Mày già rồi. Thôi dành dụm tiền dưỡng già đi. Lương bao nhiêu gửi hết về đây, tau cất cho. Ở nhà người ta, cất tiền trong người nhiều không hay”. Vậy là mỗi lần về thăm nhà, mụ lại đem hết tiền về gửi mạ mụ. “Em mày phải xây nhà. Hắn thiếu tiền. Mày làm chị, cho nó mượn, mai này nó trả”. Mụ nghĩ, nếu mụ không chịu, chắc ba mạ mụ sẽ từ mụ mất.

Năm mụ 60 tuổi, một trận ốm khiến mụ kiệt quệ. Chân tay mụ không còn nhanh nhẹn nữa. Chẳng ai còn mướn mụ. Mụ đành khăn gói về quê, bầu bạn với mạ mụ trong căn nhà ba gian rộng lớn giờ đã vắng bóng ba mụ.

“Cái nhà này sau này là của thằng Tài. Nó là con trai trưởng. Đến lúc về hưu, cũng phải về đây ở để lo hương khói. Mày con gái, ở đây không hợp. Ra góc vườn ngoài kia, cất cái nhà mà ở”. Mạ mụ nói với mụ giữa một trưa oi nồng con nắng. Nhưng lòng mụ lại lạnh ngắt. Cái vườn rộng mấy sào đất, mạ mụ cắt cho mụ đôi ba chục mét, vừa cất đủ cái nhà nhỏ như hộp diêm, kê vừa cái giường bé tí. Mụ ở một mình, nhà lớn làm gì. Mụ cũng không có tiền. Số tiền ít ỏi còn lại sau trận ốm, vậy là hết veo.

Mụ từng nghĩ, sẽ đòi mạ mụ, hoặc là đòi em mụ số tiền đã cho Tài mượn xây nhà. Đó là tiền dưỡng già của mụ. Em mụ nói, đang lo chạy việc cho mấy đứa con, bao nhiêu tiền cũng không đủ. Không có tiền trả. Mạ mụ giận dữ: “Người ta cho em út không hết, còn đòi. Mai này mày chết, không phải nó lo hương khói cho mày thì ai lo”. Mụ chỉ sợ chết đói. Chứ chết rồi, có hương khói hay không, ai quan tâm.

60 tuổi, mụ… khởi nghiệp bằng rổ bánh lọc mỗi chiều. Bước chân run run của mụ rảo khắp làng từ trưa cho đến tối. Kiếm ngày ba bữa cơm cũng không khó ở cái làng giàu tình nghĩa này. Già như mụ, ăn chẳng bao nhiêu. Mà mụ cũng chẳng dám ăn nhiều. Những hôm mưa gió lớn, không đi chợ được, mụ nghỉ bán, gạo trong thùng cũng cạn theo. Mụ sợ đói. Thời buổi này, ai còn lo không có cái ăn. Nhưng mụ lo thật.

Vườn nhà mạ mụ rộng lắm. Những ngày cuối tuần, em trai mụ thường lên chăm sóc vườn tược, làm cỏ bón phân, nên đến cây chuối cũng lỗ những buồng thật to. Thường thì hoa chuối trút hết, mụ sẽ cắt phần bắp mang ra chợ bán, cũng kiếm được chút tiền. Những buồng chuối chưa già ngã đổ vì mưa gió, mụ chặt mang ra chợ bán cho người ta nấu canh. Nếu mụ không bòn bọt, mấy thứ đó chẳng mấy ngày mà khô héo đi, rồi cũng vứt.

“Toàn là rau sạch. Ở phố khó kiếm lắm. Bán được mấy đồng đâu, o mang ra chợ làm chi, phí cả của. Cứ để đó cuối tuần tui mang về phố, ăn không hết thì chia cho hàng xóm, của hiếm đấy”. Em mụ cằn nhằn vào một sáng, khi mụ từ chợ về. Mấy đồng tiền lẻ trong túi, bỗng dưng nặng trình trịch. Còn nặng hơn cả gánh vả sáng nay mụ khiêng ra chợ. Bán một gánh vả, mua chỉ hơn ký gạo thường thường. Đúng là rẻ như cho.

Chiều nay, mụ lại ra vườn. Dù đó chẳng phải là vườn của mụ. “Mấy bắp chuối đã trút hết. Cắt mang ra chợ bán cả phí. Để vậy, buồng chuối không to lên được. Mà vả đang được giá lắm, mụ dạo này lười đi chợ thế”, mụ Bảy nói với qua dãy hàng rào. Mụ nhìn hai gốc vả chi chít quả. “Trồng vả nằm ngã mà ăn”. Đúng thật. Ăn thì được mấy trái. Nhưng nhìn những quả vả xanh mơn mởn, vậy mà dăm ba ngày nữa sẽ già đi, đúng là phí của trời. Mụ đưa tay định ngắt chúng xuống sáng mai mang ra chợ. Nhưng tiếng em trai mụ sáng hôm đó vẫn còn văng vẳng bên tai, tay mụ ngừng lại giữa lưng chừng. Vườn này của cha mạ mụ. Giờ họ không còn, thì đã có em mụ, đâu tới phiên mụ quán xuyến.

Mụ lệt bệt bước vào nhà. Sau lưng, bóng chiều mờ mờ đổ xuống những chùm vả chi chít bám quanh gốc. Chẳng mấy ngày nữa chúng cũng được hái xuống, rồi bị vứt bỏ vào cái hố cạnh đó. Nếu không, lứa vả mới sẽ chẳng bao giờ ra nụ, khi những quả già vẫn cứ nằm mãi trên cây.

HẠ TUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những ngôi nhà của sự sẻ chia

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, những ngôi nhà Đại đoàn kết đã được trao cho người nghèo trên toàn tỉnh. Chính những ngôi nhà của sự đoàn kết, đùm bọc và sẻ chia đã giúp các hộ nghèo khó khăn về nhà ở được an cư, có thêm động lực để vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế thoát nghèo và từng bước xây dựng cuộc sống ổn định.

Những ngôi nhà của sự sẻ chia
Huệ mưa ngày nắng

Dưới ánh nắng chói chang của tháng 11, những cánh hoa huệ mưa đung đưa trong gió, phô bật sắc hồng tươi tắn, rực rỡ.

Huệ mưa ngày nắng
Thông tin doanh nghiệp
Biến Nhà Của Bạn Thành Ngôi Nhà Thông Minh

Xã hội ngày càng hiện đại, các thiết bị thông minh ngày càng được nghiên cứu ra đời. Trong đó công tắc thông minh được xem là thiết bị hữu ích giúp con người có một cuộc sống tiện nghi hơn. Vậy lợi ích của thiết bị này là gì và nên chọn loại công tắc thông minh nào? Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết sau để có câu trả lời.

Biến Nhà Của Bạn Thành Ngôi Nhà Thông Minh
Yên tâm với ngôi nhà “3 cứng” trong mùa bão lụt

Những ngôi nhà kiên cố với móng trụ bằng bê tông cốt thép, tường gạch, có sàn cao vượt lũ trở thành “phao cứu sinh” giúp người dân Quảng Điền có chỗ trú ẩn an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản trước thiên tai.

Yên tâm với ngôi nhà “3 cứng” trong mùa bão lụt
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Sáng sớm, Thiên Phúc, cậu học trò 8 tuổi tại xã Quảng Phú (Quảng Điền) đã háo hức trở dậy. Hôm ấy, em cùng các bạn đồng trang lứa sẽ được cắt tóc miễn phí. Cha mẹ Thiên Phúc đi làm xa, phải gửi em cho bà nội ở quê để bươn chải kiếm tiền nuôi con.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

TIN MỚI

Return to top