Thể thao trong nước

Ngồi ở chiếu trên

ClockChủ Nhật, 13/08/2017 15:04
TTH - Tại đấu trường thể thao danh giá nhất hành tinh là Olympic, Việt Nam đã có 4 tấm huy chương, trong đó nổi bật nhất là tấm huy chương vàng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio de Janeiro 2016.

Cũng trên đất Brazil năm ngoái, xạ thủ quê gốc Quảng Trị còn có thêm tấm huy chương bạc ở môn 50 mét súng ngắn hơi nam. Thành tích của thể thao Việt Nam tại Asiad cũng đã cải thiện dần trong thời gian qua. Kỳ Á vận hội gần đây nhất diễn ra ở Incheon (Hàn Quốc), thể thao Việt Nam xếp hạng 24/45 đoàn tham dự.

Nhìn ra Olympic hay Asiad, thành tích của thể thao Việt Nam vẫn còn có một khoảng cách xa so với các nước dẫn đầu. Olympic là sân chơi của các cường quốc thể thao Mỹ, Trung Quốc và Nga. Việt Nam tham dự chủ yếu để học hỏi, rút kinh nghiệm. Những tấm huy chương hiếm hoi của Hoàng Xuân Vinh, Hoàng Anh Tuấn hay Trần Hiếu Ngân như những cánh én lạ, chủ yếu đến từ nỗ lực của cá nhân. Còn ở một tầm thấp hơn, Asiad là nơi khó có kẻ chen ngang vào bộ ba "thường trực" là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cái vị thế lưng chừng núi kia, Việt Nam còn lâu mới tính đến chuyện “ngồi vào chiếu trên”.

Olympic hay Asiad khác xa SEA Games. Khác biệt ở đây không chỉ là tầm vóc, một bên là biển lớn, là sông dài với một bên là cái ao làng, mà còn ở chỗ, tại sân chơi này, thể thao Việt Nam đã hơn chục năm rồi là một trong ba kẻ được “ngồi ở chiếu trên”. Chu kỳ ngắn hơn, chỉ có 2 năm một lần và tính từ SEA Games 2007 đến nay, trong top 3 nước dẫn đầu luôn có mặt Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc luôn dẫn đầu tại Asiad thì ở SEA games, vị trí đó lại thuộc quyền sở hữu của Thái Lan. Cách thức tổ chức còn khá tùy tiện, giao quá nhiều quyền lực cho nước đăng cai tổ chức nên vị trí thứ 2 hầu như thuộc về nước chủ nhà. Vị thứ ổn định của Việt Nam do vậy là đứng thứ ba. 

Thể thao Việt Nam bước vào các kỳ SEA Games đều luôn có sẵn khát vọng không chỉ vượt qua chính mình mà hơn thế, là đoạt lấy ngôi vương hay ít nhất là vị trí của kẻ về nhì. Lễ xuất quân và đi bộ đồng hành hôm 6/8 cổ vũ Ðoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh, thu hút hơn 5.000 người tham gia, một lần nữa cho thấy quyết tâm lớn của thể thao Việt Nam ở sân chơi khu vực. Với 750 thành viên, trong đó có đến 568 vận động viên, Việt Nam không giấu diếm mục tiêu giành từ 49 đến 62 huy chương vàng các môn thuộc nhóm Olympic.

Hơn 5 năm trước, bơi lội Việt Nam không được đánh giá cao ở các kỳ SEA Games. Sự xuất hiện của Nguyễn Thị Ánh Viên với 10 tấm huy chương, trong đó có 8 huy chương vàng, tại SEA games 28, đã làm thay đổi hình ảnh của môn thể thao dưới nước này. Cùng với Schooling của Singapore, người từng thắng cả huyền thoại Michael Phelps, Nguyễn Thị Ánh Viên đang là 2 gương mặt bơi lội hàng đầu Đông Nam Á. Trong số khoảng 60 huy chương vàng mà đoàn thể thao phấn đấu giành được tại SEA Games 29, chỉ mình Nguyễn Thị Ánh Viên được giao “gánh” 8 - 10 chiếc. Cùng với Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên là gương mặt sáng giá nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29.

Sự thiếu may mắn và đặc biệt là cái bóng quá lớn của người Thái đã khiến cho “giấc mơ vàng” của bóng đá Việt Nam hơn 20 năm qua trở nên dang dở. Bóng đá Thái Lan vẫn rất mạnh và cùng với đó là những thách thức của các đối thủ đến từ Malaysia, Indonesia hay Myanmar. Thế nhưng, với đội hình hình gồm những tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… vừa có chiến thắng oanh liệt trước đội bóng các ngôi sao (K-League All Stars) Hàn Quốc, người hâm mộ đang kỳ vọng về sự đổi màu huy chương ở môn bóng đá kỳ này của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng. Đó cũng là cách để bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung khẳng định vị thế “ngồi ở chiếu trên” của mình.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top