ClockThứ Hai, 21/08/2017 06:21

Ngư dân vẫn ăn “cá tử thần”, phớt lờ cảnh báo

TTH - Cá nóc sinh sôi bất thường trên vùng biển không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất ngư nghiệp mà tại một số địa phương ở huyện Phú Vang, ngư dân đánh cá lên còn làm thực phẩm. Cá nóc bán dạo trong xóm làng, chợ quê, đang tiềm ẩn nguy cơ “chết người” từ loài thủy sản này.

“Chợ” cá nóc

Thôn Tân An (xã Phú Thuận) với đa số người dân làm nghề khai thác biển. Vào nhà các hộ dân tại đây, đều có “trữ” một vài cân cá nóc khô để ăn dần hoặc dùng làm đồ nhắm, chiêu đãi bạn bè.

Cơ quan chức năng đã có văn bản cấm việc sản xuất, kinh doanh, chế biến cá nóc

Ngay từ ngã ba con đường liên thôn qua đập Hòa Duân, thỉnh thoảng, vẫn thấy ngư dân sau mỗi chuyến đi biển,  mang về vài chục con cá nóc xẻ bụng, lột da phơi khô.

Anh T.L, một hộ dân thôn Tân An cho biết: “Mỗi lần đi biển vào, anh em đều giữ lại một vài cân cá nóc, chế biến, phơi khô dùng dần. Bà con ngư dân biết phân biệt cá nóc gì ăn được. Chỉ mình làm mới dám ăn. Cá chỉ để mình ăn và chiêu đãi bạn bè, còn vợ con thì tuyệt đối không cho ăn”.

Nói đoạn, anh TL. vào trong nhà lấy mớ cá nóc khô ra rồi “thản nhiên” hướng dẫn chúng tôi cách chế biến cá nóc làm sao để không bị ngộ độc.

Nếu ở Phú Thuận cá nóc chỉ làm quà biếu trong xóm làng và “trữ” để ăn trong gia đình thì ở Phú Diên- một địa phương có đa số người dân theo nghề biển- cá nóc đã trở thành một mặt hàng khá đắt giá được rao bán khắp làng rồi ra chợ.

Tại chợ Mỹ Khánh, buổi sáng sớm và chợ Phương Diên vào buổi chiều đều có một số tiểu thương buôn bán cá nóc tươi và khô cùng với các loại hải sản thông thường khác. Cá nóc được phân loại riêng, bỏ vào bao sẵn cho thực khách có nhu cầu.

Khảo sát tại những chợ này cho thấy, mỗi cân cá nóc tươi giá 20 nghìn đồng, còn cá nóc khô có giá 200-220 nghìn đồng. “Buổi sáng, một số hộ bán cá nóc trong chợ, một số mang thúng đi bán dạo bên ngoài cùng nhiều loài hải sản khác. Thấy bà con vẫn mua bình thường, ai biết làm, làm kỹ thì mua về dùng, chưa nghe ai bị ngộ độc bao giờ”, một chủ quán tại chợ Mỹ Khánh “tỉnh queo”.

Buổi chiều, ghé chợ Phương Diên rồi vòng lên một bộ phận dân cư thôn Phương Diên chuyên làm nghề biển gần bờ, mới thấy “chợ” cá nóc ở đây khá sôi động. Một số sạp ven chợ Phương Diên vẫn có cá nóc phơi khô để làm thực phẩm. Còn mỗi lúc, ngư dân gánh cá từ biển vào làng, cá nóc được mua bán bình thường, công khai như nhiều loài hải sản khác.

Ngư dân N.V.T (thôn Phương Diên) cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm đi biển của ngư dân có thể “tự phân biệt” được đâu là cá nóc thường, đâu là cá nóc thu và làm sạch để tránh nhiễm độc.

“Cá nóc thường phía sau đuôi phân hai nhánh màu vàng và trắng, người tròn hơn; còn cá nóc thu rất độc, đuôi có màu đen hơn, thân thon hơn, bà con không sử dụng thịt của loại này”, ông T. nói.

Sau mỗi chuyến đi biển, cá nóc được ông T. phân loại bỏ riêng vào rổ để chờ các thương lái tới mua. Hiện cá nóc đang sinh sôi nên lượng hải sản này được ông bán khá nhiều.

Cấm cứ cấm, dùng vẫn dùng

Thực tế ngộ độc cá nóc đã từng diễn ra nhiều lần ở một số địa phương ven biển các huyện, thị Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang.

Cá nóc sau khi đánh từ biển Phú Diên lên, bán cho các thương lái

Dù cơ quan chức năng cấm, khuyến cáo không được mua bán, vận chuyển, chế biến và sử dụng cá nóc làm thực phẩm nhưng một số nơi vẫn chế biến và buôn bán là thực trạng đáng lo ngại.

Ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền về việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm, trong đó có ngộ độc cá nóc nhưng một số ngư dân vẫn đánh bắt và chế biến.

Việc buôn bán cá nóc chỉ nhỏ lẻ trong xóm làng, người dân tự mua, chế biến nên rất khó xử lý.

Ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP (Sở Y tế) cho biết: Hàng năm, chi cục có các đợt ra quân tuyên truyền, tập huấn trang bị kiến thức cho các trạm y tế xã, phường và cán bộ phụ trách VSATTP tại các địa phương nhằm nâng cao ý thức, kiến thức của người dân trong việc phòng, chống ngộ độc thực phẩm; trong đó có ngộ độc cá nóc.

Theo ông Diễn, ở một số quốc gia, việc sử dụng cá nóc là bình thường bởi cách chế biến đạt tiêu chuẩn, phân biệt loài nào có độc, loại nào không và khai thác đúng theo mùa vụ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, kiến thức của người sử dụng không đạt được các tiêu chí đó nên từ lâu, Bộ Y tế đã có các văn bản nghiêm cấm sử dụng cá nóc làm thực phẩm và các cơ quan ban ngành cũng triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển, chế biến, tiêu thụ cá nóc.

“Ngư dân khi khai thác thuỷ sản phải loại bỏ cá nóc từ khâu kéo lưới lên bờ; loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô; tuyệt đối không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm cá nóc khác để ăn hoặc bán”, ông Diễn khuyến cáo.

Về việc một số địa phương ở Phú Vang sử dụng và chế biến cá nóc để bán, ông Diễn khẳng định, chi cục cũng đã tiến hành xử lý một số trường hợp liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ cá nóc; sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, từ năm 2003, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã có văn bản cấm việc sản xuất kinh doanh chế biến cá nóc và các sản phẩm liên quan đến cá nóc.

Năm 2013-2016, Bộ NN&PTNT có cho phép một số cơ sở chế biến và xuất khẩu cá nóc ở 4 tỉnh (không có Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, do sản xuất không hiệu quả nên tháng 9/2016, các bộ ngành lại tiếp tục có văn bản yêu cầu cấm việc sản xuất kinh doanh chế biến cá nóc và các sản phẩm liên quan đến loài thủy sản này. Hiện nay, việc một số địa phương Phú Vang chế biến, sử dụng và buôn bán cá nóc là hoàn toàn trái phép.

Bài, ảnh: Nguyễn khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Return to top