ClockThứ Bảy, 30/04/2016 06:16

Ngự Hà, trang mới...

TTH - Làn gió mát rượi từ mặt sông thổi lên khiến tôi không thể kìm lòng để được ngắm Ngự Hà buổi hoàng hôn. Dòng sông trước đây ken đặc bèo lục bình đến mức không nhìn thấy nước, nay đã trở nên trong xanh hơn rất nhiều...

Ngự Hà hồi sinh

Bẩn thỉu, nhếch nhác, tiếc, và lo lắng... Đó là cảm giác của tôi mỗi khi phải đối diện với dòng Ngự Hà cách đây chưa lâu. Bẩn thỉu, nhếch nhác thì có lẽ không cần giải thích, bởi nó đập trực diện vào mắt, ai cũng có thể cảm nhận. Còn tiếc và lo lắng là bởi, từ một con “sông Ngự” có vị trí đặc biệt trong giao thông, điều hòa khí hậu, tạo sự thông thủy, điều tiết nước, tránh úng ngập cho Kinh thành Huế. Vậy mà đối diện với tôi lúc ấy chỉ thấy bèo và rác. Đôi bờ thì bị nhà cửa lấn chiếm. Lòng sông có đoạn không thấy nước đâu. Nguy cơ về “một dòng sông chết” dạng như sông Tô Lịch ở phía bắc, kênh Tàu Hủ ở phía nam hiện hữu giữa lòng Kinh thành, giữa lòng Di sản thế giới là hoàn toàn có thật.

Cá tôm lại sinh sôi trên dòng Ngự Hà

Và rồi tin vui cũng đến với tất cả những ai yêu Huế, thành phố chính thức phê duyệt và triển khai Dự án Chỉnh trang tôn tạo sông Ngự Hà. Các hộ dân sống đeo bám dọc 2 bên bờ sông được giải tỏa. Lòng sông được nạo vét. Bờ được kè chống sạt lở; đường sá, điện lưới, cây xanh các tuyến đường dọc đôi bờ được đầu tư xây dựng, chỉnh trang... Một số vấn đề phát sinh do chưa phù hợp với Luật Di sản cũng được tiếp thu, điều chỉnh một cách khẩn trương, cầu thị. Công việc được khởi động từ năm 2010 và đến nay thì Ngự Hà đã hoàn toàn được khoác áo mới.

Đường Trần Văn Kỷ, một trong những tuyến đường chạy dọc Ngự Hà trở thành một tuyến đường đẹp sau khi con sông được chỉnh trang

Một thời, Ngự Hà ken đặc bèo đến mức không thấy nước​

Ngự Hà là dòng sông bán nhân tạo có hình thước thợ chảy từ mặt tây sang mặt đông chia Kinh thành Huế ra làm 2 phần nam-bắc. Sông được đào mới một phần, một phần do uốn nắn từ một nhánh sông cũ. Công việc này được thực hiện dưới triều Gia Long và hoàn tất vào triều Minh Mạng. Sông dài chừng 3,7km, lòng sông 44-85m, mở rộng dần sang phía đông. Phía tây, nối với sông Kẻ Vạn qua cống Tây Thành Thủy Quan, phía đông nhập với dòng Đông Ba qua cống Đông Thành Thủy Quan. Đây là trục cảnh quan, tiêu thoát nước, trục giao thông thủy chủ đạo... của khu vực Kinh thành Huế.

... Làn gió mát rượi từ mặt sông thổi lên khiến tôi không thể kìm lòng. Chưa về nhà vội, tôi cho xe rẽ vào đường Triệu Quang Phục chạy tới Phùng Hưng, băng cống Cầu Kho, vào Lê Trung Đình, thẳng tới Lương Y để ngắm Ngự Hà buổi hoàng hôn. Khác với sự nhếch nhác, tối tăm trước đây, các tuyến đường đều đã rạng rỡ một trời một vực. Rất nhiều gia đình tranh thủ cảnh quan đã mở kinh doanh bia lạnh, quán cà phê... Chốc chốc, lại gặp một tốp vài cụ lớn tuổi rủ nhau đi thể dục. Có nhóm thì mang bàn cờ tướng ra bờ sông tỉ thí, lúc trầm ngâm, lúc rộn ràng hào hứng. Dòng sông trước đây nhiều đoạn gần như không thể nhìn thấy mặt nước do ken đặc bèo lục bình nay đã trở nên trong xanh hơn rất nhiều. Thỉnh thoảng đã bắt gặp một bác ngư phủ chèo thuyền đi bủa lưới. Còn người đi câu thì không thiếu. Tôi dừng xe đứng xem. Người đi câu thì có khi chỉ vì cái thú, câu được nhiều ít không quan trọng. Còn người làm nghề chài lưới thì chắc hẳn là kế mưu sinh. Cá có thể không nhiều, nhưng có lẽ cũng kiếm được nên mới thấy miệt mài như thế. Lòng tôi như rộn rã vui. Sự hiện diện của cá tôm cho thấy dòng sông đã hồi sinh. Mục tiêu “bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử sông Ngự Hà, tạo thành địa điểm tham quan du lịch; góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị, giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước cho khu vực Kinh thành, phục vụ mục tiêu xây dựng thành phố Huế - thành phố Festival; ổn định cuộc sống của dân chúng khu vực sông Ngự Hà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”... mà thành phố đã đề ra khi quyết định đầu tư dự án như vậy là đã bước đầu chạm đến. Xa hơn chút nữa mà mục tiêu dự án hướng tới là “(Ngự Hà) cùng với hồ Tịnh Tâm, Hộ thành hào, sông Kẻ Vạn tạo thành tuyến du lịch sinh thái đặc sắc” có thể cũng sẽ thành hiện thực trong nay mai nếu có quyết tâm của chính quyền, sự chung tay của các doanh nghiệp làm du lịch, và nhất là có sự chung tay của người dân trong việc tự giác bảo vệ và ngày càng làm đẹp thêm lên môi trường cho dòng Ngự Hà, đừng để con sông một lần nữa đi vào vết xe đổ đầy muộn phiền và quá tốn kém như đã từng xảy ra...

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghe lòng thật an yên…

Tôi có thằng cháu gọi bằng bác ruột, học sinh trường Trần Đại Nghĩa - Một ngôi trường danh tiếng tại TP. Hồ Chí Minh.

Nghe lòng thật an yên…
Mưu sinh trên sông Ngự Hà

Những người gắn bó đời mình với sông nước đều bảo, chỉ cần còn sức, thì họ còn dong ghe đi kiếm con ốc, con cá.

Mưu sinh trên sông Ngự Hà
Hệ quy chiếu

Vẫn nghe người ta nói “giàu chơi cá, khá chơi chim…”, chẳng biết xuất xứ trúng trật thế nào, nhưng chắc chắn là không phải ai giàu cũng thích cá, ai khá cũng thích chim.

Hệ quy chiếu
Thao thức chùa Huế...

Vượt ra khỏi chiếc áo của mình, chùa Huế đã không chỉ là riêng của Phật giáo mà còn là tài sản độc đáo, vô giá cần gìn giữ…

Thao thức chùa Huế
“Thủy phượt” tham quan cổ tích xứ Huế

Ngự Hà là dòng sông nhân tạo chảy giữa lòng kinh thành theo hình thước thợ, nối thông với “tứ giác nước” thông qua hai thủy khẩu là Tây thành thủy quan và Đông thành thủy quan, hợp thành hệ thống thủy đạo hoàn hảo, thông suốt từ ngoài vào trong.

“Thủy phượt” tham quan cổ tích xứ Huế
Return to top