ClockThứ Hai, 29/01/2018 14:15

Người bắn rơi máy bay Mỹ trong Chiến dịch Xuân 1968

TTH - Đó là ông Thái Công Đức, nguyên là lính trinh sát. Được lệnh thủ trưởng phân công, ông Đức cùng với đồng chí Nguyễn Văn Đoàn và Lê Miễn (đã hy sinh) dẫn đường cho Trung đoàn 9 về đánh Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Cần có cái nhìn khách quan về Mậu Thân 1968 ở HuếChiến sĩ biệt động kể chuyện 50 năm trướcQuảng Điền, Huế: Trong Xuân Mậu Thân 1968Nhớ về Xuân Mậu Thân 50 năm ấyKhi đảng viên tiên phong, gương mẫu

Ông Đức nhớ lại, đúng 12 giờ đêm Giao thừa, quân ta nổ súng khắp các điểm trong TP. Huế. Ngoài đánh vào, trong đánh ra, hòa cùng với tiếng đốt pháo, tiếng nổ vang rền cả thành phố, sáng lên cả bầu trời của Huế. Đến sáng, quân ta đã chiếm được quận Ba, Thành nội Huế và sau đó chiếm thêm quận Nhất và quận Nhì; đồng thời bao vây đồn Mang Cá. Từ ngày 16/1/1968 (âm lịch) trở lên, quân Mỹ, ngụy phản kích cả ngày lẫn đêm rất ác liệt.

Đến ngày 26/1/1968 (âm lịch), ta được lệnh rút quân. Ông Đức cùng các đồng chí Đoàn và Miễn được lệnh đưa Trung đoàn 9 ra vùng giải phóng, tìm đường đưa quân lên rừng. Lúc đó, các điểm cao đều bị quân kỵ binh bay Mỹ đổ quân chốt chặn.

Đoàn trinh sát đưa quân ta đi suốt đêm 27/1/1968 (âm lịch) thì đến vùng giải phóng và ém quân ở Đồng Dạ lên đến thôn Hiền Sỹ (xã Phong An, huyện Phong Điền). Sáng 28/1/1968 (âm lịch), quân ta vận động Nhân dân nấu cơm cho bộ đội ăn. Tổ trinh sát chúng tôi đi cảnh giới tại hầm chữ L, có ngụy trang cây cối tại đồi Dương, thôn Hiền Sỹ. Vào khoảng 9 giờ sáng, tôi thấy quân Mỹ từ căn cứ Động Bòng hành quân vào Động Bồ, hướng vào nơi quân ta đóng.

Thấy nguy cấp, tôi vào báo cáo với Ban chỉ huy rằng quân Mỹ cách ta 3km, các đồng chí chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Chính ủy lúc đó là đồng chí Lê Khả Phiêu cười và nói, chúng vào đây ta sẽ đánh cho chúng một đòn sấm sét nữa. Tôi trở lại chốt, thấy Mỹ vào ngày càng gần, dưới đất thì pháo chúng nó bắn dẹp đường đưa quân vào. Trên trời thì nhiều máy bay, trong đó có  3 chiếc HU 1A  quần đi quần lại, chuẩn bị đổ quân.

Lúc này tôi suy nghĩ mình không bắn máy bay mà chạy thì sẽ chết, không thì cũng bị bắt. Nghĩ sao làm vậy, khi máy bay rà thấp cách khoảng 10m, tôi dùng súng bắn đón. Xả hết khoảng 20 viên đạn, tôi thấy máy bay trúng đạn, bay qua đầu tôi thì bốc cháy. Mừng quá, tôi hô to: “Máy bay cháy rồi, anh em chạy nhanh”. Mục đích tôi bắn là vừa hạ máy bay vừa báo với quân ta là địch đang đến rất gần. Thế là 3 trinh sát của chúng tôi được thoát thân. Khi tôi chạy vào Ban chỉ huy Trung đoàn 9 lần 2 báo cáo, bộ đội ta đã dàn đội hình sẵn sàng chống càn. Đánh nhau từ 11 giờ trưa cho đến 19 giờ tối, quân Mỹ thất bại thảm hại, rút lui gọi phản lực lên thả bom và báo cho trực thăng lên chở xác chết và lính Mỹ về căn cứ Động Bòng. Phía ta cũng giải quyết hiện trường, thu quân và đưa bộ đội lên rừng trong đêm được an toàn.

Tôi có 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và 1 giấy khen vì đã mưu trí dũng cảm chiến đấu trong năm 1968. Đây là những kỷ vật thiêng liêng do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III dày công gìn giữ.

Nhớ lại những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi rất tự hào khi chỉ với khẩu AK, tôi đã hạ được máy bay Mỹ. Chiến công của tôi đã được thủ trưởng đơn vị tặng giấy khen 2 lần.

Bài, ảnh: Hải Huế

(theo lời kể của ông Thái Công Đức)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp
Return to top