ClockThứ Hai, 03/07/2017 09:30

Người dân chỉ muốn yên ổn

TTH - Lo lắng đến mất ăn, mất ngủ là những gì mà người dân thôn Kim Sơn (xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy) trải qua trong những ngày gần đây. Điều họ mong muốn nhất là giữ được mối quan hệ hòa thuận với Đan viện Thiên An và yên ổn làm ăn, ngay trên vùng đất cha ông đã định cư bao đời nay.

Một đoạn đường nối thôn Kim Sơn - Cư Chánh bị múc, đào được người dân khắc phục

Nỗi lo của người dân thôn Kim Sơn cộm lên khi tuyến đường dân sinh nối 2 thôn Kim Sơn-Cư Chánh bất ngờ bị đào múc. 

Theo biên bản hiện trường do UBND xã Thủy Bằng lập và đình chỉ hành vi vi phạm, vào tháng 3/2017, Đan viện Thiên An thuê xe múc đất xâm phạm đến tuyến đường dân sinh nối 2 thôn Kim Sơn - Cư Chánh nhưng không khắc phụ hậu quả. Đến cuối tháng 6/2017, người dân thôn Kim Sơn ra sửa chữa, lấp lại phần đường bị đào múc thì phía Đan viện Thiên An cho người ngăn cản, chống đối.

Thôn Kim Sơn hiện có khoảng 200 hộ dân sinh sống, quần cư từ thời được ngài Trần Đại Lang khai canh vào năm 1740 (đời vua Lê Hiển Tông). Ông Nguyễn Củ, người dân sống ở đây cho biết: “Đất do nhà tôi sử dụng đã ba lần bị người của Đan viện Thiên  An lấn chiếm. Lần một còn xin lỗi, lần hai im lặng, lần ba thì họ còn xua chó ra đuổi cả mình. Nhưng đó là việc cá nhân, còn giờ đến đường dân sinh của dân mà họ cũng phạm vô thì không ai có thể chấp nhận được”. Ông Nguyễn Viết Cử, một người dân cùng thôn Kim Sơn bày tỏ: “Con đường ni có từ lâu, trước Đan viện Thiên An nhưng không hiểu sao người trong đó (trong Đan viện Thiên An) cho phá đường, chính quyền yêu cầu khắc phục nhưng không làm, đến khi dân bỏ sức, bỏ công khắc phục thì họ cho người, cho chó dữ ra cản. Người dân ở đây không bao giờ xâm phạm đến đất và quyền lợi của phía Đan viện Thiên An, nên chúng tôi cũng chỉ mong phía Đan viện tôn trọng người dân trong khu vực”.

Một người dân khác ở thôn Kim Sơn, ông Nguyễn Viết Côi quả quyết: “Dù thế nào, người dân ở đây cũng quyết bảo vệ cho con đường nối Kim Sơn và Cư Chánh. Đó là tài sản của dân, không ai có quyền chiếm giữ làm của riêng”.

Bà Đặng Thị Huê - một phụ nữ ở làng cho rằng: “Ở đây, không ai phân biệt người có đạo hay không có đạo và luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhau. Khoảng 3 năm trở về trước, người dân các thôn Kim Sơn, Cư Chánh, Ngũ Tây và Đan viện Thiên An có việc quan trọng đều tìm đến nhau hỏi thăm, rất hòa thuận. Nhưng hiện giờ thì không giao lưu, gặp gỡ, có xảy ra tranh chấp cũng không chịu nói chuyện, họ cứ thả chó dữ ra đuổi”.   

Dù không thuộc thôn Kim Sơn hay Cư Chánh, giáo dân T.B (thôn Nguyệt Biều) chia sẻ: “Bản thân tôi là người theo đạo Công giáo nhưng tôi có phần bức xúc trong cách cư xử của những người trong Đan viện Thiên An. Người Đan viện Thiên An nói dân đánh họ, nhưng thực tế thì dân chỉ phản ứng lại những hành động hung hăng của người trong Đan viện mà thôi. Những hành động đó làm mất lòng dân, mà mất lòng dân thì còn ở với ai được? Bất kể là ai nhưng đã sống trong chế độ nào phải tuân theo pháp luật của chế độ đó. Tự do tín ngưỡng cũng phải trong khuôn khổ. Riêng tôi, luôn mong muốn cuộc sống yên ổn, gia đình hạnh phúc, sống theo đạo và có ích cho đời”.

Ngày 30/6, thời điểm chúng tôi trở lại thôn Kim Sơn, đoạn đường rộng hơn 3m bị Đan viện Thiên An cho xe múc, đào trên chiều dài khoảng 1,4m, sâu 1,7m đã được người dân trong thôn tập trung sửa chữa, khắc phục. Đây là tuyến đường dân sinh ngày trước người dân dùng để vào rừng và nay còn là tuyến đường phục vụ ứng cứu, chữa cháy rừng.

Liên quan đến việc người của Đan viện Thiên An múc đất, đào đường, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường TX. Hương Thủy khẳng định: “Phần đất sử dụng thuộc Đan viện Thiên An chỉ đến mép đường nên chính quyền lập biên bản yêu cầu dừng hành vi vi phạm múc đất phạm sâu vào lòng đường của Đan viện Thiên An và yêu cầu khắc phục nguyên trạng”.

Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết: Ngoài việc Đan viện Thiên An múc, đào đường dân sinh, trước đó, xã nhiều lần nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của người dân về việc người của Đan viện Thiên An chặt cây, phá hàng rào và đổ đất lấn chiếm đất của người dân được cấp quyền sử dụng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. “Nguyên nhân xung đột giữa người dân và bên Đan viện Thiên An là do Đan viện Thiên An cho rằng, đất thuộc quyền sử dụng của họ rộng hơn hiện nay. Những việc họ làm là trên phần đất của họ. tuy nhiên, theo quyết định 577/QĐ-XKT của tổng thanh tra Nhà nước không thừa nhận việc Đan Viện Thiên An đòi quyền sử dụng diện tích đất và rừng thông tại đồi Thiên An. Mỗi lần xảy ra tranh chấp giữa hai bên, chúng tôi đều cử cán bộ địa chính đến kiểm tra, nắm tình hình. Người của Đan viện Thiên An dùng chó để uy hiếp. Chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp cương quyết, xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm đất đai từ phía Đan viện Thiên An”.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top