ClockThứ Ba, 29/11/2016 05:46
CẤP MỎ KHAI THÁC CÁT SỎI TẠI DƯƠNG HÒA:

Người dân chưa thuận

TTH - Dù UBND tỉnh đã điều chỉnh vị trí cấp mỏ khai thác cát sỏi tại thôn Buồng Tằm và thôn Hộ, chính quyền địa phương đã công bố, song người dân vẫn chưa đồng tình.

Khai thác cát sỏi tại Dương Hòa

Lo ảnh hưởng sản xuất, đời sống

Vấn đề cấp mỏ khai thác cát sỏi tại thôn Buồng Tằm và thôn Hộ, xã Hương Hòa, TX Hương Thủy đã được Báo Thừa Thiên Huế thông tin trên số báo 6788 ra ngày 6/10/2016. UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát tổ chức khai thác cách mốc M1 khoảng 100m về phía hạ lưu tại khu A. Riêng khu B, đề nghị công ty chưa tiến hành khai thác. Tuy nhiên khi chủ trương trên được thông tin, người dân vẫn phản ứng tiếp tục và cho rằng, hoạt động khai thác sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, môi trường và nhiều quyền lợi khác của người dân trong vùng.

Ông Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho hay: Việc phản ứng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu người dân lo ngại sẽ dẫn đến sạt lở, ảnh hưởng đất đai, nhà cửa của người dân. Toàn xã có 10ha lồ ô làm nguyên liệu sản xuất tăm tre, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương với thu nhập mỗi tháng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Hiện có đến 5ha đang có nguy cơ bị mất do sạt lở dọc tuyến sông, ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu và thu nhập gần 300 hộ sản xuất tăm hương. Gần 15 ha thanh trà của người dân có khả năng ảnh hưởng do sạt lở. Việc đưa vào khai thác mỏ cát sẽ kéo theo vận chuyển cát sỏi bằng đường bộ, ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông của địa phương. Nếu xảy ra sạt lở sẽ uy hiếp trực tiếp nhà cửa của người dân, đình làng Dương Hòa, hệ thống nhà thờ, chùa chiền…

 Vườn cây ăn quả của người dân chỉ cách điểm khai thác 20m

Người dân còn e ngại việc khai thác cát sỏi sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước của hệ thống cấp nước sạch 2 xã Thủy Bằng và Dương Hòa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa, trước khi có điều chỉnh, khoảng cách từ điểm cấp mỏ đến điểm lấy nước của nhà máy xử lý nước là 150m, sau khi điều chỉnh khoảng cách này là 300m

 Ông Nguyễn Vinh (thôn Buồng Tằm) bức xúc khi trao đổi rằng, việc khảo sát cấp mỏ chưa thật sự khách quan vì không thể gọi đây là bãi bồi, mà hiện tại bãi này vẫn đang bị lở. Vị trí được cấp mỏ nằm trên thửa đất D175, D 176 với gần 1,5ha là đất sản xuất của người dân. Diện tích dọc khu vực cấp mỏ đều trồng thanh trà chứ không trồng các loại rau màu nên sẽ ảnh hưởng về lâu dài cho 30 hộ trồng thanh trà dọc tuyến.

Cũng theo người dân địa phương, trước đó, UBND tỉnh đã cấp mỏ khai thác cho doanh nghiệp Phú Vĩnh tại thôn Hộ, xã Dương Hòa; doanh nghiệp Tuyết Liêm ở thôn Tân Ba, xã Thủy Bằng… Những doanh nghiệp này không chỉ khai thác trong khu vực mỏ được cấp mà còn “vươn” ra bên ngoài gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông thuộc địa phận 2 xã Dương Hòa và Thủy Bằng. Người dân ở đây cũng nhiều lần phản ảnh nhưng sau xử lý, doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm. Hiện chiều dài sạt lở trên địa bàn đã kéo dài gần 1.000m, ảnh hưởng đến diện tích sản xuất của người dân.

 

Sẽ quản lý chặt hoạt động khai thác

Theo quy hoạch khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, có 46 bãi bồi; 5 đoạn sông và 5 điểm khai thác cát nội đồng. Trong số đó, nhiều điểm mỏ đã hoạt động và cũng không ít lần người dân phản ánh lên cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở, giao thông hư hại…

Theo UBND thị xã Hương Thủy, gần điểm mốc M1 của khu A có dự kiến thiết kế mố cầu thôn Hộ, tuy nhiên chưa có địa điểm cụ thể. Hiện đang có một số hộ dân nuôi cá tự phát tại khu vực ngoài ranh giới khu mỏ (gần mốc 2). Đối với khu B, đoạn từ mốc 6 đến mốc 11 cách bãi lồ ô với khoảng cách gần nhất là 20m và cách bãi quy hoạch cánh đồng mẫu trồng thanh trà gần nhất là 50m. Bãi bồi được cấp phép khai thác cát sỏi nêu trên cách bia chiến tích Dương Hòa gần 500m.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX Hương Thủy cho biết, hiện hoạt động xử lý các vi phạm liên quan đến khai thác cát sỏi trên địa bàn chưa thật sự hiệu quả. Vẫn xảy ra tình trạng khi không có lực lượng tuần tra, doanh nghiệp và người dân khai thác “thoải mái” những nơi chưa được cấp quyền khai thác UBND huyện đã chỉ đạo xã Dương Hòa phải thành lập ban giám sát từ xã đến thôn, chỉ cần phát hiện vi phạm sẽ xử lý ngay. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với xã, thôn vận động người dân để họ đồng thuận về chủ trương cấp mỏ.

Thực tế, người dân xung quanh khu vực mỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi việc khai thác khoáng sản diễn ra và cũng là người nắm rõ nhất đặc điểm của các bãi bồi. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát, thăm dò, cơ quan chức năng chỉ có văn bản thông báo cho chính quyền địa phương về địa điểm thăm dò chứ không thông báo đến tận người dân. Chỉ đến khi doanh nghiệp được cấp phép, người dân biết thông tin và tiếp tục phản đối. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của cả người dân và doanh nghiệp, đồng thời tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Theo chúng tôi, đã đến lúc cần điều chỉnh quy trình cấp mỏ khai thác. Thay vì cơ quan chuyên môn trực tiếp khảo sát rồi cấp mỏ nên yêu cầu người dân cùng tham gia đánh giá, theo dõi từ khâu khảo sát cấp mỏ, qua đó nắm bắt tâm tư và giúp họ hiểu và tạo được đồng thuận. Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, các tổ giám sát phải tăng cường quản lý, có thể trang bị các thiết bị ghi hình cho tổ giám sát để quản lý hoạt động khai thác. Nếu xảy ra vi phạm sẽ tiến hành xử phạt mức độ cao nhất và đề xuất phương án thu hồi giấy phép nếu sai phạm kéo dài. Không để xảy ra tình trạng khi doanh nghiệp đi vào khai thác, người dân không cho khai thác như chuyện đã từng xảy ra tại một số địa phương.

Hoàng Thảo Nguyên 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngang nhiên khai thác tài nguyên trái phép giữa ban ngày

Không chỉ khai thác vào lúc nửa đêm đến mờ sáng, những đối tượng khai thác cát sỏi trái phép lộng hành đến mức tổ chức khai thác giữa ban ngày. Chuyện diễn ra trên địa bàn thôn Sơn Quả (xã Phong Sơn – huyện Phong Điền)

Ngang nhiên khai thác tài nguyên trái phép giữa ban ngày
Công an Quảng Điền xử lý các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép

Chiều 19/12, tổ công tác Công an huyện Quảng Điền đã phát hiện và bắt giữ 2 trường hợp gồm 4 đối tượng (Lê Tuấn Anh, sinh săm 1985; Lê Văn Mẩn, sinh năm 2004; Lê Văn Nễ, sinh năm 1968; Lê Văn Bích, sinh năm 1998 - cùng có hộ khẩu thường trú tại thôn Vạn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang có hành vi sử dụng đò máy có gắn công cụ, hệ thống khai thác cát khoáng sản trái phép.

Công an Quảng Điền xử lý các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép
Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại sông A Lin, xã Hồng Trung, A Lưới:
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định trong chuyến khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện A Lưới, các đơn vị liên quan cùng chủ dự án nhà máy thủy điện A Lin B1 (Công ty cổ phần thủy điện Trường Phú) về tình hình khai thác cát, sỏi trái phép tại sông A Lin sáng 2/7.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm
Return to top