ClockThứ Sáu, 09/02/2018 05:11

Người dân Kim Sơn bức xúc với việc làm của Đan viện Thiên An

TTH - Nhiều người dân thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng (Hương Thủy) gửi đơn đến chính quyền địa phương, các ngành chức năng và báo chí phản ánh: Đan viện Thiên An tiếp tục phá hủy đường dân sinh, chặt phá cây cối, lấn chiếm đất của người dân, san ủi mộ của họ Nguyễn Viết...

Đan viện Thiên An xây dựng các công trình không phép một cách hệ thốngĐan viện Thiên An cần thiện chí hợp tácĐan viện Thiên An: Tự tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hùng - người dân thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng cho biết, cách đây mấy tháng, rừng keo tràm hơn 2 năm tuổi của ông trồng ở gần hồ Thủy Tiên, thôn Kim Sơn đã bị Đan viện Thiên An cho người chặt hạ tận gốc, với số lượng lên đến 5.000 cây. Việc làm này trước mắt gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình ông gần 100 triệu đồng.

Tuyến đường dân sinh thuộc thôn Kim Sơn bị đào múc

Ông Nguyễn Viết Củ, người dân thôn Kim Sơn bức xúc: “Nhà tôi sát với Đan viện Thiên An. Từ tháng 1/2015 đến nay, Đan viện Thiên An đã lấn chiếm đất vườn của nhà tôi 3 lần. Đan viện đã chỉ đạo tu sĩ san ủi hai ngôi mộ của họ Nguyễn Viết chúng tôi. Con đường dân sinh của bà con thôn Kim Sơn cũng bị Đan viện Thiên An phá bỏ, nay vẫn chưa trả lại nguyên trạng”.

Nhiều người dân khác ở thôn Kim Sơn cũng lên tiếng trước việc làm của Đan viện Thiên An và nhiều lần thiết tha đề nghị chính quyền địa phương yêu cầu Đan viện Thiên An phải phục hồi, trả nguyên hiện trạng con đường, kể cả hai ngôi mộ họ Nguyễn Viết.

Ông Lê Văn Trai, công chức địa chính xã Thủy Bằng cho biết: “Sự việc người dân phản ánh việc Đan viện Thiên An múc đất phá đường dân sinh trước đây cũng như hiện nay là việc có thật. Mới đây, Đan viện Thiên An đã đào một con mương dài lấn sang phần đất trên tuyến đường dân sinh của người dân thôn Kim Sơn. Chúng tôi đã lập biên bản và báo cáo diễn biến vụ việc gửi UBND thị xã Hương Thủy và các ngành chức năng”.

Liên quan đến việc cho rằng, Đan viện Thiên An chặt phá hơn 5.000 cây keo tràm của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng, ông Trai cho hay: “Qua công tác phối hợp kiểm tra đất đai trên địa bàn, chúng tôi biết sự việc này. Nhưng để khẳng định số lượng và xác định đối tượng chặt phá cần phải xác minh, làm rõ. Không những chặt cây của ông Hùng, mà việc chặt phá các loại cây như lồ ô, tre... của các hộ dân trong thôn Kim Sơn cũng từng xảy ra”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xảy ra tranh chấp giữa người dân, nhất là gia đình ông Nguyễn Viết Củ với Đan viện Thiên An về đất đai đã từng xảy ra trước đó. Đất vườn của ông Nguyễn Viết Củ nằm sát khu vực Đan viện Thiên An, nhưng do chưa xác định được ranh giới và chính quyền địa phương cũng chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất vườn của ông Củ, nên việc tranh chấp giữa hai bên diễn ra liên tục.

“Ông Nguyễn Viết Củ đã làm hồ sơ xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vườn sát với Đan viện Thiên An, nhưng do liên tục xảy ra tranh chấp, nên chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Củ được”, ông Lê Văn Trai, công chức địa chính xã Thủy Bằng khẳng định.

Ông Võ Trọng Nhơn, Trưởng Công an xã Thủy Bằng cho hay: “Do không còn dấu vết nên để xác định có hay không sự tồn tại của hai ngôi mộ và đó là mộ của ai thì cần phải điều tra, xác minh kỹ lưỡng”.

Trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương và ngành chức năng, thì mấu chốt để giải quyết rốt ráo những vấn đề trên là phải thống nhất việc xác định, tăng dày mốc ranh giới đất của Đan viện Thiên An tại thôn Cư Chánh 1 và thôn Kim Sơn. Từ đó, xác định rõ đất đai trên cơ sở thống nhất giữa Đan viện Thiên An, UBND xã Thủy Bằng, Công ty TNHHNN MTV Lâm trường Tiền Phong (đơn vị trực tiếp quản lý) và người dân.

Để thực hiện được điều này, ngoài UBND xã Thủy Bằng cần có sự vào cuộc quyết liệt với những giải pháp căn cơ của thị xã Hương Thủy, các sở, ngành liên quan.

Bài, ảnh: Tâm Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Gắn kết giữa người dân và chính quyền

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thực sự tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp... góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Gắn kết giữa người dân và chính quyền

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top