ClockThứ Sáu, 17/02/2017 05:46
Chi trả tiền bồi thường đợt 2 do sự cố môi trường biển:

Người dân thật sự bị thiệt hại đều được xem xét

TTH - Các địa phương, ban ngành tập trung rà soát, thẩm định các đối tượng để bổ sung vào diện bồi thường sự cố môi trường biển đợt 2 một cách chính xác, không để bỏ sót đối tượng, đảm bảo công bằng, hợp lý, an dân.

Bồi thường 316,6 tỷ đồng cho 17.973 đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biểnPhú Vang trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển cho 205 hộChi trả bồi thường sự cố môi trường biển: Phải hoàn thành trước Tết Nguyên đánĐẩy nhanh bồi thường thiệt hại cho người dân 4 tỉnh miền TrungCuối năm sẽ hoàn thành bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển

Thu mua hải sản khai thác xa bờ tại Phú Diên (Phú Vang)

Sử dụng tiền đền bù đợt 1 hiệu quả

Ông Phan Tước ở thị trấn Thuận An có 3 chiếc tàu xa bờ, trong đó hai chiếc công suất 535CV và 563CV bị thiệt hại lớn do sự cố môi trường biển, được bồi thường khoảng 440 triệu đồng. “Sau khi nhận tiền bồi thường đợt 1, một phần chi trả cho các bạn thuyền, số còn lại đầu tư sửa chữa tàu, nâng cấp ngư cụ và chi phí xăng dầu cho các chuyến biển. Tui mua sắm lưới rê và thiết bị ngư cụ câu cá ngừ thí điểm. Chuyến đánh bắt sau tết tuy chỉ kéo dài 3 ngày, nhưng thu được 5 tấn cá, trong đó 0,5 tấn cá ngừ, doanh thu 150 triệu đồng”.

Chủ tàu Trần Vẹn ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) cho biết, nhận được tiền bồi thường, ông sửa chữa lại tàu, ngư cụ hết 100 triệu đồng, một phần ông mua 5.000 lít xăng để dự trữ cho các chuyến biển. Sắp đến, nhận tiền đợt 2, ông sẽ đầu tư mở rộng quy mô lưới và mua sắm thêm thiết bị câu cá ngừ đại dương. Qua thăm dò, trao đổi với các bạn thuyền, hầu hết ngư dân đều sử dụng tiền bồi thường có ý nghĩa, không lãng phí. Ngư dân Nguyễn Hòa ở xã Lộc Trì chia sẻ: “Nhận tiền đúng vào dịp tết nên nhiều ngư dân trích một phần vào mua sắm cho tết thêm sung túc, còn lại để dành chi phí cho con ăn học. Biển không phải lúc nào cũng lắm tôm nhiều cá, ngư dân phải biết tích lũy, dự phòng chi phí xăng dầu khi gặp khó khăn”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đình Đức thông tin, tổng kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển trong đợt 1 là 316,6 tỷ đồng/17.973 đối tượng. Hầu hết ngư dân ý thức khá cao, chủ yếu sử dụng tiền vào việc cho con ăn học, nâng cấp, mua sắm ngư lưới cụ để đánh bắt hiệu quả hơn. Ở các xã: Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An (Phú Vang), hay Lộc Trì, Lăng Cô (Phú Lộc), hầu hết ngư dân sau khi nhận tiền bồi thường đã đầu tư mua sắm, nâng cấp lưới cụ, sửa chữa tàu. Chuyến biển sau tết vừa rồi, nhiều tàu đã vươn khơi xa hơn, từ 50 hải lý trở ra, thu về từ 5 đến 10 tấn cá/tàu.

Nghề khai thác hàu được xem xét đưa vào diện bồi thường

Nhiều đối tượng được bổ sung đợt 2

Ông Phan Văn Luyện, hội viên Chi hội Nghề cá Thuận An 1 cho biết:“Trên địa bàn có hơn 200 hộ nuôi 600 lồng cá hồng, mú, chẽm bị thiệt hại từ 50% đến 100% do sự cố môi trường biển. Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước chỉ mới hỗ trợ khoảng 200 lồng bị thiệt hại 70% trở lên.”.

Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Hải Dương (TX Hương Trà) cho biết, nghề cào, nơm, chẹp... mỗi ngày thu vài trăm ngàn đồng. Từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển đến nay, các nghề trên mất nguồn thu đáng kể, ảnh hưởng đến đời sống nhưng chưa được đưa vào diện bồi thường, hỗ trợ.

Ngay từ những ngày sau tết, các địa phương tích cực triển khai rà soát, thẩm định các đối tượng để bổ sung vào diện bồi thường đợt 2. Các xã Hải Dương, Hương Phong (TX. Hương Trà) cũng như các địa phương khác đang rà soát, thẩm định các đối tượng để bổ sung, đảm bảo công bằng, hợp lý. Các nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, các nghề giản đơn như cào, mò, lặn... trên các vùng đầm phá, ven biển được các địa phương thống kê, xem xét đưa vào bồi thường theo Quyết định 1880 của Chính phủ. Với các đối tượng đã chi trả một nửa kinh phí trong đợt 1, chỉ chờ cấp cấp kinh phí thì địa phương sẽ chi trả phần còn lại trong đợt 2.

Ông Nguyễn Đình Đức thông tin thêm, đến nay, huyện Phú Vang cơ bản hoàn thành công tác rà soát, thẩm định bồi thường đợt 2, còn hai huyện Phong Điền, Phú Lộc và TX.Hương Trà đang tiến hành. Các đối tượng được rà soát, thẩm định trong đợt này với số lượng rất lớn nên công tác rà soát, thẩm định phải chính xác, đúng đối tượng, công bằng. Chỉ những đối tượng thật sự bị thiệt hại, có bằng chứng, cơ sở mới được bổ sung vào diện được bồi thường.... Chính phủ đã có quyết định tạm cấp cho tỉnh 200 tỷ đồng, nhưng đến nay kinh phí chưa được chuyển về. Sau khi được cấp kinh phí, tỉnh sẽ triển khai ngay công tác chi trả tiền bồi thường đợt 2 cho người dân.

Với các hộ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, đến nay đã rà soát, thẩm định cơ bản xong. Các hộ này thẩm định khá đơn giản, dễ dàng, chỉ cần có xác nhận của thôn, xóm, các hộ nuôi xung quanh. Khó khăn nhất là việc thẩm định các tổ chức, cá nhân nuôi trồng quy mô lớn. Nhiều đối tượng kê khai thiếu chính xác, không có cơ sở, chứng từ để xác định mức độ thiệt hại, hoặc có bị thiệt hại do sự cố môi trường biển hay không. Có hộ báo cáo số lượng giống thả nuôi không chính xác, mâu thuẫn với diện tích, thời điểm thả nuôi. Có hộ không báo cáo khi tôm dịch bệnh, chết, thời điểm xảy ra chết nên không có cơ sở để xác định, bồi thường; vì vậy sẽ mất nhiều thời gian kiểm tra, thẩm định kỹ, nếu có cơ sở, chứng minh thì có thể thương lượng để đưa ra mức bồi thường hợp lý, công bằng.

Đối với các hộ đánh bắt, nuôi trồng trên đầm phá không bị ảnh hưởng trực tiếp sự cố môi trường biển, nên theo ông Nguyễn Đình Đức, có thể xem xét đưa vào diện hỗ trợ về giá (giá thủy sản thấp do sự cố môi trường biển). Các đối tượng lao động trong lĩnh vực nuôi trồng cũng được đưa vào diện hỗ trợ với mức hợp lý. Riêng các nghề giản đơn, như nơm, chẹp, cào, mò... trên đầm phá với số lượng quá lớn, liên quan đến có ghe, hay không có ghe nên cần phải thẩm định, xem xét kỹ mới bổ sung vào diện bồi thường...

Chi trả trên 80% tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển

Tại buổi họp về công tác chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển  sáng 16/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các huyện, thị xã ven biển tích cực giải quyết dứt điểm việc chi trả tiền tạm cấp đợt 1 để tiếp tục triển khai chi trả bồi thường thiệt hại đợt 2 (200 tỷ đồng).

Tính đến ngày 12/2, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển của tỉnh đã được chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho 18.114/19.900 đối tượng với gần 322 tỷ đồng, chiếm 80,36% tổng kinh phí tạm cấp đợt 1 (400 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 12/QĐ-TTg thuộc lĩnh vực quản lý và được phân công thực hiện; Sở Tài chính cân đối nguồn ngân sách và tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất đảm bảo đúng thời gian quy định, nhất là chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi đóng tàu đánh bắt xa bờ.

Văn Hướng

 Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top