ClockThứ Ba, 22/11/2016 05:56

Người gây dựng Aikido Thừa Thiên Huế

TTH - Aikido là môn võ có nguồn gốc từ Nhật Bản, được gọi bằng tiếng Việt là Hiệp Khí Đạo, người sáng lập ra Aikido là tổ sư Uyeshiba Morihei (1883-1969). Aikido du nhập vào Việt Nam từ năm 1958 do võ sư Đặng Thông Trị khởi xướng, sau đó võ sư Đặng Thông Trị giao lại việc phát triển cho người em ruột là võ sư Đặng Thông Phong.

Võ sư Lê Viết Đắc (giữa, hàng đầu) cùng các học trò

Ông Đặng Thông Phong là người đã được tổ sư Uyeshiba Morihei ủy nhiệm việc phát triển Aikido ở Việt Nam và năm 1967 ông được nhận văn bằng huyền đai đệ tam đẳng do tổng đàn Aikikai thế giới trao. Những võ sinh của Võ sư Đặng Thông Phong sau này đã phát triển Aikido ở các tỉnh thành trong cả nước. Bẳng đi một thời gian, cuối năm 1991, vì đam mê võ thuật từ thuở niên thiếu khơi dậy, nên tôi đã đi tìm một sân tập nhu đạo để luyện tập. Ngang qua Hội Quảng Tri ở đường Huỳnh Thúc Kháng lúc này là Nhà văn hóa Thanh niên, nhìn thấy các võ sinh đang nhào lộn trên tapi nên nghĩ là Nhu đạo tôi liền vào ghi danh để tập trở lại (giữa thập niên 1980 tôi đã học Nhu đạo từ võ sư Hồ Văn Tâm ở đường Trần Quang Khải đến năm 1990). Buổi đầu tiên tham gia tập tôi vẫn chưa biết đó là Akido, cho đến khi hết phần khởi động và nhào lộn tôi mới vỡ lẽ không phải Nhu đạo. Nghĩ thấy cũng hay, âu là nhân duyên nên theo tập luôn. Người huấn luyện trực tiếp là võ sư Lê Viết Đắc, thời gian đầu chỉ có khoảng hơn 10 võ sinh, trong đó hết 4 võ sinh là con của thầy Đắc. Dù cho mùa mưa lạnh hay trời trở, thầy Đắc vẫn kiên trì như vậy mỗi sáng sớm, mỗi chiều sau 5 giờ. Thầy Đắc đã truyền thụ cho chúng tôi các động tác căn bản: như di chuyển, giữ thăng bằng, khái niệm nhất điểm, các nguyên tắc vòng tròn, phương pháp luyện khí và tinh thần vũ trụ nhất gia và các kỷ thuật căn bản của Aikido.

Điều kỳ lạ của Aikido là không dạy các đòn thế tấn công đối phương, mà chỉ dạy các kỹ thuật né tránh và hóa giải các đòn thế và bất động hóa đối phương. Càng luyện tập, càng bị Aikido mê hoặc, giai đoạn sau này số môn sinh đã hơn 30 người, phần nhiều là sinh viên và học sinh. Đến các cấp cao hơn, kỹ thuật càng khó hơn. Nếu đứng từ xa nhìn các võ sinh đang tập, mọi người sẽ ngỡ các môn đồ Aikido cấp cao đang khiêu vũ trong bộ võ phục khác lạ. Điều khiến Aikido dễ gần gũi với mọi người là do môn võ này dễ áp dụng vào cuộc sống trong mọi hoàn cảnh và Aikido là môn võ chủ trương chỉ để tự vệ, rất phù hợp với phái yếu, hoặc những người không có thể chất tốt.

Trong khoảng thời gian đứng lớp huấn luyện, thầy Đắc đã gần đến tuổi lục thập nhưng vẫn ngày hai buổi sáng chiều chỉ dạy cho các học trò về kỹ thuật, sự hòa hợp, khí âm, khí dương, luyện tinh thần và đạo lý làm người.

Thầy Đắc thường nói Aikido là môn võ của tình thương, học Aikido là để áp dụng tinh thần khoan dung, hòa hợp vào cuộc sống hàng ngày, sau này tôi được biết điều đó là mục đích của môn phái đã có từ thời tổ sư Uyeshiba Morihei. Sân tập của các môn võ khác thường được gọi là võ đường, nhưng với Aikido được gọi là đạo đường như một sự nhắc nhở thường trực cho môn sinh.

Thầy Đắc sau khi định cư ở Mỹ, đã để lại cho Huế một đội ngũ huấn luyện viên Aikido trẻ và nhiệt huyết. Những năm cuối thế kỷ trước, trong chuyến về thăm quê hương, thầy Đắc đã tổ chức thi huyền đai cho những võ sinh các khóa đầu tiên còn sót lại, tôi cũng được thầy thông báo tham gia kỳ thi. Dù sống ở Mỹ, nhưng thầy Đắc và những người con của thầy đều là những người tham gia dạy và huấn luyện Aikido ở xứ người, tôi muốn gọi gia đình thầy Lê Viết Đắc là một gia đình Hiệp Khí Đạo.

Được sự ủng hộ và động viên của các ban ngành trong tỉnh, các võ sư tên tuổi và đặc biệt là Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, sau 25 năm gây dựng và phát triển, đến hôm nay phong trào Aikido ở Huế đã hoạt động rất uy tín và phát triển được hai phòng tập, một ở Nhà thi đấu, số 1 đường Hà Huy Tập và một ở Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi, số 57 đường Lâm Hoằng, Vỹ Dạ, Huế do võ sư Nguyễn Đắc Trí chủ nhiệm, với trên 30 huấn luyện viên có trình độ từ huyền đai trở lên và số võ sinh các khóa đã lên đến cả ngàn người. Với mong muốn phát triển thêm sân tập Aikido ở phía bắc TP. Huế và cũng để thuận lợi cho võ sinh ở bờ Bắc sông Hương tham gia tập luyện trong mùa mưa lụt, tôi đã trao đổi cùng võ sư Nguyễn Đắc Trí để thực hiện, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có được, nguyên nhân chính là mặt bằng, sân tập Aikido đòi hỏi không thể huấn luyện ngoài trời.

Nhằm tiếp nối công lao các thế hệ đi trước và tâm nguyện của thầy Lê Viết Đắc, bộ môn Aikido Huế đã hòa mình vào sự phát triển Aikido của cả nước và thế giới với niềm mong ước dẫn dắt các võ sinh Aikido, hướng đến võ đạo như một nghệ thuật của tình thương và sự hòa hợp.

LÊ HUỲNH LÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top