ClockThứ Sáu, 26/08/2016 05:41

Người kể chuyện làng

TTH - 96 tuổi – ông Phạm Bá Diện, làng Phò Trạch, xã Phong Bình (Phong Điền) tự nhận mình chẳng phải là nhà văn, nhà thơ, nhà viết sử mà là một già làng đã quá tuổi “cổ lai hy”. Với ông không lúc nào ngưng nghĩ những ký ức về làng được tái hiện một cách sinh động qua từng trang viết...

Ông Phạm Bá Diện miệt mài bên tư liệu sưu tầm về làng mình

Trong ngôi nhà đơn sơ yên bình, ông Diện hý hoáy, tỷ mẩn với từng trang viết. Sinh năm Nhâm Tuất (1922), vất vả lăn lội với nghề nông, biết chút ít chữ Hán - Nôm, biết ca nhạc cổ, biết bát âm cung đình Huế từ thủơ thanh niên trai tráng; thoát ly tham gia cách mạng, vào quân đội chiến đấu suốt 34 năm. Đầu năm 1981 ông nghỉ hưu, trở về quê nhà Phò Trạch sống an bình cho đến nay. Lý lịch trích ngang mà tôi nhận được ở ông vỏn vẹn chỉ có thế.

“Làng Phò Trạch ra đời đến nay đã gần 650 năm. Lúc còn nhỏ, cũng như các cháu 6-7 tuổi ngày nay đi học lớp 1-2 trường làng, tôi đã theo học chữ Nho. Lớn lên một chút học đánh trống, thổi kèn, nhã nhạc bát âm, ca Huế”, ông Diện mở đầu câu chuyện.

Ông tự hào chứng kiến quê hương làng Phò Trạch chuẩn bị những ngày giành chính quyền về tay Nhân dân năm 1945. “Làng mình có nhiều bác như: Nguyễn Ngọc Hậu, Phan Ngô, Phan Hy, Phan Hòe... gần đến ngày tổng khởi nghĩa được giao làm các vũ khí thô sơ: Mã tấu, đao... vận động bà con kiếm lồ ô vót nhọn, làm băng cờ, khẩu hiệu...” ông Diệu hồi ức.

Nói về chuyện xây dựng đình làng Phò Trạch ông Diện nhắc lui nhắc tới một điều như răn dạy cho muôn đời sau: “Dễ mấy lần không dân cũng chịu. Khó mấy lần dân liệu cũng xong”. Chiến tranh tàn phá, sau ngày hòa bình lập lại, làng Phò Trạch được con dân trong làng và bà con đi làm ăn xa ủng hộ, xây dựng lại đẹp hơn. Nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch được mẹ dạy cho con gái từ 4-5 tuổi. Bà bày cho cháu, bày cho những nàng dâu, vì thế nghề đệm bàng ở Phò Trạch khó bị mai một”.

Ông Phạm Bá Diện miệt mài bên tư liệu sưu tầm về làng mình

Hơn 30 năm nay, ông Phạm Bá Diện đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng và tổ chức truyền bá lại cho biết bao thế hệ con dân trong làng những giá trị văn hóa dân gian phi vật thể mang đậm nét truyền thống của làng Phò Trạch. Hỏi về ước nguyện, mắt ông rạng ngời: “Ước nguyện của tôi là làm sao chính quyền địa phương và các ban ngành cho tổ chức phục dựng lại những điệu múa Bát Dật, múa Hoa Đăng, múa Sắc Bùa, hát trò làng Phò Trạch... trong các dịp lễ, Tết ngay tại trụ sở UBND xã để phục vụ cho bà con và bảo tồn vốn cổ”.

“Chuyện kể làng mình còn nhiều lắm”, ông Phạm Bá Diện nghĩ trong giây lát đầy tự hào. Rú cát làng Phò Trạch có nhiều cây bản địa dày đặc, xanh tốt. Cây cổ thụ kéo dài 5-7 cây số bao kín làng. Nhiều nhà nghiên cứu môi trường, nhà báo vừa thú vị, vừa ngạc nhiên về chuyện này khi đến Phò Trạch. Họ hỏi tôi: Làng có phép gì? Có quy ước gì mà giữ được như vậy? Tôi không biết có gì thêm để nói mà chỉ đi kể, kể lại truyền thuyết “cây nêu huyền thoại của làng”.

Từ đời xửa, đời xưa tại sân đình làng có dựng một cây tre to, cao khoảng 10 thước, gọi là cây nêu. Trên ngọn cây tre có một chùm roi và một rọ neo để nhắc nhở, nghiêm cấm những ai vi phạm quy ước bảo vệ rừng rú của làng. Nếu dân làng có ai vi phạm đều bị xử lý. Nhẹ phải có mâm trầu rượu đem ra xin lỗi làng, làng chỉ khiển trách. Nặng, phải có mâm trầu rượu, một con heo dâng làng, làng đánh 30 roi. Chính nhờ quy ước này mà vợ khuyên chồng, cha khuyên con không vi phạm lệnh làng mà nhục, xấu hổ vợ con, tiếng xấu để đời. Đó là lý do rú làng được giữ vững mãi đến ngày nay.

Bao nhiêu năm qua, ông Phạm Bá Diện đã suy ngẫm, trăn trở, lăn lộn cùng bà con dân làng khôi phục, phát triển lịch sử, văn hóa truyền thống của làng bằng chính những câu chuyện kể, những trang viết. “Âu đó cũng là ước nguyện của bản thân, là nghĩa vụ, trách nhiệm đối với làng”, ông Phạm Bá Diện chia sẻ.

Tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng vì lòng đam mê, trách nhiệm, ông Phạm Bá Diện đã dày công sưu tầm tư liệu, để viết nên cuốn sách dày hàng trăm trang kể lại chuyện làng, chuyện nước, chuyện dân. Những nét đẹp truyền thống, những cái “riêng có” của làng được ông mày mò, nghiên cứu, chép lại. Những giá trị truyền thống trân quý đó không chỉ là tư liệu quý của con dân làng Phò Trạch, mà thể hiện tâm nguyện của ông làm sao để lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống của làng cho thế hệ con cháu mai sau”, ông Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết.

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gìn giữ đặc sản văn hóa làng

Lần đầu tiên, tôi được xem hát múa sắc bùa là vào năm 2005, trong Festival nghề truyền thống Huế tại sân khấu cộng đồng bên cạnh bến Tòa Khâm.

Gìn giữ đặc sản văn hóa làng
Return to top