ClockThứ Ba, 10/07/2018 13:30

Người mừng, kẻ lo

TTH - Lao động thời vụ thường hay “nhảy việc” nên chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc dành cho họ vẫn khó thực hiện.

Tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc từ 1/7/2018 thay đổiThu thuế cùng BHXH, lo doanh nghiệp “chẻ” bảng lươngThực hư thông tin đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập từ 1/1/2018

Người lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên đều thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc

Tình trạng trốn đóng BHXH cho người lao động diễn ra nhiều và trở thành một căn bệnh trầm kha. Doanh nghiệp (DN) trốn đóng BHXH vì lợi nhuận, người lao động (NLĐ) không hiểu về quyền lợi, lại muốn “ăn xổi” nên thỏa hiệp với DN. Có người làm việc bao nhiêu năm mà cứ mãi là lao động thời vụ khi hết 3 tháng là ký hợp đồng lại. Thực tế, số người tham gia BHXH trong toàn tỉnh mới chỉ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động; tuy nhiên, số lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng, lao động thời vụ chiếm số lượng rất lớn nhưng lại không được tham gia BHXH.

Đầu tháng 1/2018, luật BHXH bổ sung quy định, bất cứ lao động thời vụ nào ký hợp đồng 1 tháng cũng phải đóng BHXH bắt buộc. Đây được xem là chính sách hợp lý nhằm mở rộng đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Nhóm lao động này được trợ giúp khi gặp rủi ro, như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất việc làm.

Luật ban hành, không ít người mừng những cũng lắm kẻ lo. Vốn là một công nhân xây dựng thời vụ, chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn với doanh nghiệp hơn chục năm nay, anh Trần Ngọc Mạnh (TP. Huế) tiếc: “Từ trước đến giờ, tôi luôn ký hợp đồng ngắn hạn và chưa bao giờ được tham gia BHXH với công ty. Giá mà luật có sớm, tôi bớt lo khi mỗi lần ốm đau nằm viện, đồng thời có của để dành khi hết tuổi lao động”.

Được tham gia BHXH, lao động yên tâm làm việc.

Đối với DN, một khi có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc và ký kết hợp đồng lao động, ngoài nghĩa vụ bắt buộc phải tham gia BHXH cho người lao động còn là trách nhiệm không thể trốn tránh. Quy định này cũng là điều kiện để doanh nghiệp cân nhắc khi tuyển dụng, ký kết hợp đồng đối với người lao động. Hơn nữa, khi người lao động xảy ra tai nạn, bệnh tật, ốm đau... đã có chế độ BHXH, doanh nghiệp sẽ đỡ một phần gánh nặng về chi phí.

Trái với tâm lý hào hứng của NLĐ, nhiều DN lo lắng khi chủ yếu sử dụng lao động ngắn hạn, trong khi đó, thủ tục mở/chốt sổ bảo hiểm mất nhiều thời gian. Đặc tính của lao động thời vụ, nay họ làm chỗ này, mai lại làm chỗ khác, nhất là, trong lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, giầy dép... Có trường hợp, chủ DN chưa kịp phát sổ BHXH thì NLĐ đã nghỉ việc. DN phải cất sổ BHXH và cất công tìm NLĐ để trả.

Không ít doanh nghiệp ta thán, lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH tăng, nay áp dụng thêm đóng bảo hiểm bắt buộc cho lao động ngắn hạn lại làm gia tăng chi phí đáng kể. Anh Nguyễn Mạnh Đăng, chủ của một cửa hàng ăn uống trên đường Phạm Hồng Thái, cho biết: “Tôi thường thuê lao động thời vụ, nếu, chúng tôi đóng BHXH cho họ, nhưng một thời gian họ lại đi chỗ khác, chúng tôi lại tiếp tục đóng cho người mới. Chúng tôi không đủ nhân sự để làm thủ tục đóng BHXH cho nhân viên thời vụ”.

Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh nhận định: “Quản lý số đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng đặt ra gánh nặng cho ngành BHXH và cơ quan quản lý lao động. Những đối tượng này rất biến động và người sử dụng lao động cũng không muốn phải bỏ ra những khoản chi phí để đóng BHXH cho họ. Luật đã có quy định nên trách nhiệm của các cơ quan trong BHXH phải thực hiện chặt chẽ hơn đối với cơ quan quản lý lao động, để nắm bắt được đối tượng, đôn đốc thu BHXH.

Nên chăng có cơ chế “mềm” trong quy định đóng BHXH bắt buộc đối với những ngành nghề đặc thù. Cái khó nằm ở việc quản lý như thế nào sau khi những lao động ngắn hạn này nghỉ việc. Cơ quan BHXH cần có cơ chế khuyến khích, vận động họ từ BHXH bắt buộc sang tự nguyện khi DN ngừng đóng BHXH. Nhiều ý kiến của DN đã được đề xuất, chủ lao động có thể trả khoản phí đóng BHXH vào lương cho lao động thời vụ được không? Tuy nhiên, đó là việc làm trái luật.

Cơ chế đóng BHXH cho NLĐ vẫn là doanh nghiệp báo lên bao nhiêu thì BHXH biết số lượng bấy nhiêu. Thế nên, ngành BHXH cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong việc đóng BHXH cho NLĐ. Hệ thống BHXH phải hoàn thiện công nghệ thông tin, cấp thẻ BHXH điện tử, quản lý qua giao diện điện tử, giảm thiểu thủ tục gây phiền hà, khó khăn cho DN. Còn về phía NLĐ, cần nâng cao nhận thức, đòi hỏi quyền lợi cho bản thân khi ký kết hợp đồng lao động.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Ngày 5/4, Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp (Đảng ủy Khối) tổ chức hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 16 (khóa VII) nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 182 của Đảng bộ Khối về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên
Return to top