ClockThứ Hai, 08/01/2018 08:32

Người nổ phát súng đầu tiên trong Tết Mậu Thân 1968 ở Phong Điền

TTH - Thời gian trôi qua, nhưng năm nào đến tết, lòng tôi cũng bồi hồi nhớ về kỷ niệm hào hùng trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tôi nhớ từng đồng đội đã kề vai sát cánh trong những giây phút sinh tử.

Chuyện kể về nhà báo - liệt sĩ Tô ChứcTết ở các làng quê Phong Điền

 Ông Hoàng Phận (thứ 2 bên trái ) cùng đồng đội

Năm đó, tôi là Trung đội trưởng Trung đội Công binh huyện Phong Điền (trực thuộc Huyện đội), cấp bậc Chuẩn úy- Phó Bí thư Chi bộ Trung đội. Lúc 13 giờ ngày 29 Tết năm 1968, tôi cùng đồng chí Hồ Vân (Huyện đội trưởng Huyện đội Phong Điền) tập trung tại đình làng Tây Phú (thuộc thôn Phò Trạch, xã Phong Bình) để nhận nhiệm vụ do đồng chí Thân Trọng Một (phụ trách chỉ huy Trung đoàn 6 và lực lượng công binh) giao phó với mục tiêu là phải đánh sập cầu Phò Trạch để cắt tuyến huyết mạch của quân địch, không cho quân địch từ Quảng Trị thất thủ chạy vào và từ TP. Huế ra tăng viện.

16 giờ cùng ngày, tôi được đồng chí Võ Nguyên Quảng (Chính trị viên phó Huyện đội Phong Điền) ra bắt tay và trao 1 đòn bánh tét, mấy cặp bánh tày và nói rằng đây là món quà tết mà Nhân dân Phong Điền gửi. Cái ôm thắm thiết nghĩa tình đó đến bây giờ tôi vẫn thấy còn ấm áp. Tôi cứ nhớ hoài lời căn dặn của đồng chí Võ Nguyên Quảng: “Khi mở chiếc bánh ra ăn thì nhớ nhắc các đồng chí khác rằng đây là món quà mà dân gửi các đồng chí ăn tết trên mặt trận…”.

Sau khi nhận nhiệm vụ, vào 17 giờ, tôi cùng đồng chí Trần Quốc Bảo (Tiểu đội trưởng) và Lê Viết Vọng (Tiểu đội phó) nhận 1 khẩu B40, 7 viên đạn, vượt sông Ô lâu để tiếp cận địa bàn, nắm chắc tình hình, sớm đột nhập mục tiêu và triển khai kế hoạch tấn công.

Khi nhận địa bàn đánh chiếm và phát động tấn công thì phải ưu tiên để TP. Huế nổ súng trước, riêng địa bàn Phong Điền thì tôi là người được giao nhiệm vụ nổ phát súng đầu tiên. Đúng vào lúc 12 giờ 40 phút đêm 30 Tết (đêm Giao thừa), tôi đã phát hiện tiếng súng nổ ở TP. Huế. Ngay sau đó, tôi nổ súng phát động tấn công pháo đài của Mỹ tại cầu Phò Trạch.

Chiếm được mục tiêu và không thấy kháng cự của địch, tôi xông lên kéo rào kẽm gai chắn đường để dân quân ta gánh bom vào. Thấy động, đại liên của địch trong cầu bắn ra rất nhiều.  Sáu dân công của ta sợ quá rút chạy, chỉ còn lại 2 người nên không thể gánh bom vào được. Đến tờ mờ sáng thì xe bọc thép của địch từ Bồng Bồng ra và liên tục nổ súng.

Tôi cùng đồng chí Bảo và Vọng không thể rút lui được, đành phải chui qua ống cống đường tàu để về thôn Trạch Tả và ở cùng với dân. Lúc đó, trong tay chúng tôi còn 4 viên đạn B40 và xác định rằng đến đường cùng thì phải chết trong xóm Trạch Tả đó chứ không thể lui, vì đã nhận lệnh của đồng chí Thân Trọng Một.

Ngày đêm bám trụ địa bàn, chúng tôi đã được sự chở che của bà con Nhân dân. Trong tình thế nguy nan đó, chúng tôi được người dân cho ở tạm để chờ thời cơ rút ra bình yên vô sự.

Nguyên nhân không đánh sập được cầu Phò Trạch là do đồng chí Hoàng Quốc Thái (chỉ huy đoàn dân công gánh bom) không nắm được tâm lý của 6 dân công, nên khi thấy tiếng súng đại liên bắn ra nhiều quá, họ đã rút chạy. Tôi đã bắn 3 phát súng B40 làm cháy pháo đài của bọn chúng.

Sau này, được đón những cái tết thanh bình, lòng tôi lại nghèn nghẹn khi nhớ về đồng đội cũ. Tôi luôn tự hào vì mình là người được giao nhiệm vụ nổ phát súng đầu tiên trong Tết Mậu Thân (1968) ở Phong Điền. Giờ đây, chúng tôi luôn sống tốt, làm thật nhiều việc ý nghĩa, nhất là ra sức hỗ trợ các cựu chiến binh từng công tác, chiến đấu như một cách để đền ơn những người đã khuất.

Hải Huế (Ghi theo lời kể của ông Hoàng Phận)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Return to top