ClockThứ Hai, 27/02/2017 07:44

Người nuôi heo hạn chế tái đàn

TTH - Trước tết giá heo hơi giảm, sau tết vẫn chưa có dấu hiệu khả quan khiến bà con chăn nuôi gặp khó khăn, không dám tái tạo đàn.

Thua lỗ

Đầu năm 2016, giá heo hơi bất ngờ tăng mạnh, có lúc lên đến 51 nghìn đồng/kg. Song, cuối năm 2016, thời tiết diễn biến bất lợi, cộng với việc giá giảm sâu nên  người nuôi heo lâm vào cảnh khó khăn.

Giá heo hơi ở mức thấp khiến người nuôi gặp khó

Ông Phạm Gia Hiền (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) nuôi khoảng 100 con heo. Đầu năm 2016, heo tăng giá, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng mở rộng chuồng trại, song cuối năm thời tiết bất lợi làm chết hàng chục con. Giá heo giảm mạnh nên  trại heo lỗ nặng. “Từ trước tết, giá heo hơi giảm chỉ còn trên dưới 30 nghìn đồng/kg. Cứ xuất chuồng là lỗ từ 500-700 nghìn đồng/con. Hiện nay, giá heo vẫn ở mức thấp, 13 năm chăn nuôi, chưa từng thấy năm mô giá thấp như ri”, ông Hiền than.

Giá cả bấp bênh, ngoài những trang trại quy mô lớn, có sự liên kết thị trường tiêu thụ, phần lớn người chăn nuôi nhỏ lẻ đều gặp khó khăn, phụ thuộc vào thương lái. Chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ dân đành để chuồng trống. “Trước đây, tui làm nghề buôn bán thức ăn chăn nuôi gia súc, tại địa phương có hơn 100 hộ nuôi heo. Nhưng hiện nay, giá cả bấp bênh, nuôi bị lỗ, nhiều người không xoay chuyển được đồng vốn đành bỏ nuôi, giờ số hộ nuôi heo chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Hiền thông tin.

Theo tính toán của nông dân, nuôi mỗi con heo đến khi xuất chuồng, tiêu tốn hơn 1 triệu đồng tiền thức ăn, 1 triệu đồng tiền giống; chi phí cho thuốc men, vắc xin phòng bệnh. Nhưng với giá heo hơi khoảng 30-33 nghìn đồng/kg như hiện nay, người nuôi  không có lãi. Bà Phan Thị Sáu (huyện Phong Điền) cho biết: “Tui nuôi 30 con heo thịt và 2 con heo nái. Trước đây, giá cả ổn định thì có lãi. Nhưng nay giá thấp, nuôi cầm chắc lỗ. Do vậy, giai đoạn này tui thu hẹp lại quy mô nuôi, thay vì cho ăn bột thì tận dụng các nguồn thức ăn, giảm bớt chi phí”.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho hay: “Trước và sau tết, chăn nuôi heo chưa có dấu hiệu khởi sắc. Giá heo hơi hiện nay trên thị trường ở mức thấp. Heo F1 từ 30-31 nghìn đồng/kg, F2 từ 32-34 nghìn đồng/kg, heo ngoại từ 36-38 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cầm chắc lỗ. Trường hợp người dân gặp khó khăn về giá thì chúng tôi rất khó khuyến cáo. Giá thị trường sẽ tăng, giảm từng thời điểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy bà con cần giữ heo nái để chủ động nguồn giống”.     

Cần đa dạng vật nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến đầu tháng 1/2017, trong khi tổng đàn trâu, bò, gia cầm đều tăng thì tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh lại giảm, nguyên nhân là do giá bán giảm mạnh. TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Ngoài cung cấp lượng thịt heo cho nội tỉnh, heo còn được xuất đi thị trường các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình và các tỉnh phía Bắc. Hiện thị trường các tỉnh bạn đang bị thu hẹp nên người nuôi heo gặp khó khăn”.

Về việc giá heo hơi giảm mạnh trong khi giá thịt heo trên thị trường vẫn cao, ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng, trước khi thịt heo đến tay người tiêu dùng phải qua trung gian là thương lái. Họ không muốn giá đến tay người tiêu dùng giảm trong khi giá heo hơi trên thị trường giảm, do vậy chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng và người chăn nuôi.

Dù giá heo giảm nhưng người nuôi không thể trữ heo chờ giá. “Thông thường heo có trọng lượng khoảng 70-80 kg là bà con cho xuất chuồng. Nếu vì giá thấp, sợ lỗ mà trữ hàng thì bà con lại càng lỗ vì tốn thêm chi phí thức ăn”, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền nói.

Giá thấp, người nuôi hạn chế tái tạo đàn nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo bà con nên chủ động nguồn heo nái để đảm bảo nguồn giống trong tương lai. Nông dân cần chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn nhằm mở rộng, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Đồng thời, cần đa dạng vật nuôi, đầu tư các mô hình chăn nuôi tổng hợp thay vì chú trọng vào một vật nuôi là heo. “Giá heo giảm nguyên nhân chủ yếu là do cung vượt cầu. Người nuôi phụ thuộc thị trường tiêu thụ, thường lúc tăng lúc giảm. Vì vậy, bà con nên đầu tư nhiều loại vật nuôi, thay vì đầu tư heo thì chia đồng vốn đầu tư chăn nuôi gà, vịt, bò… đó là giải pháp đảm bảo được tính bền vững lâu dài. Bà con cũng nên hướng đến việc chăn nuôi theo công nghệ cao, mô hình khép kín. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng mức độ rủi ro thấp hơn so với việc chăn nuôi như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.

Đến tháng 1/2017, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt 198.764 con (giảm 1,82%). Có 19 doanh nghiệp, trang trại đang hoạt động chăn nuôi với số lượng 3.545 con heo nái, 20.407 heo thịt; 9 trang trại đang làm thủ tục đầu tư.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Venice sẽ hạn chế các nhóm du khách và cấm loa phóng thanh

Thành phố Venice của Italy vừa tuyên bố giới hạn các nhóm du khách đi bộ ở mức 25 người, đồng thời cấm sử dụng loa phóng thanh, trong nỗ lực mới nhất nhằm cải thiện việc quản lý các nhóm du khách, cũng như thúc đẩy du lịch bền vững và đảm bảo sự bảo vệ và an toàn của thành phố này.

Venice sẽ hạn chế các nhóm du khách và cấm loa phóng thanh
Góp phần hạn chế rác thải nhựa

Để góp phần hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường (BVMT), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Vĩnh Ninh, TP. Huế đã xây dưng mô hình "Phụ nữ xung kích tuyên truyền giảm nhựa thúc đẩy du lịch Huế thân thiện với môi trường" cùng vận động các cơ sở kinh doanh (CSKD), dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường, nhất là tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa (GTRTN).

Góp phần hạn chế rác thải nhựa
Ấn Độ thắt chặt xuất khẩu gạo, đe dọa giá lương thực toàn cầu

Để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Ấn Độ đang ngày càng hạn chế hơn đối với việc xuất khẩu gạo. Động thái này của nước xuất khẩu gạo hàng đầu có khả năng sẽ tiếp tục siết chặt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu, đồng thời làm tăng giá gạo trên thế giới.

Ấn Độ thắt chặt xuất khẩu gạo, đe dọa giá lương thực toàn cầu
Return to top