ClockChủ Nhật, 06/11/2016 05:47

Người phía sau

TTH - Chị Ba tôi có chồng sớm, đó là hậu quả của điều mà ngày nay người ta hay nói là thiếu hiểu biết để phòng vệ trong quan hệ lứa đôi.

Đang cùng học cấp ba trường huyện, anh chị yêu nhau rồi “táy máy” thế nào mà chị mang bầu. Khi tà áo nữ sinh không còn che được cái bụng lùm lùm thì chuyện mới vỡ lở. Đôi trẻ nước mắt ngắn nước mắt dài cúi đầu xin cha mẹ đại xá, cho được thành thân. Ngày cưới, chị không vào nhà chồng bằng cửa chính mà phải theo lối cửa hậu, bờ mi đẫm lệ.

Mười tám tuổi đã vội ôm con dại cùng đường học dang dở đã níu chị tôi ở lại đồng ruộng. Anh học tiếp lên rồi trở thành công chức. Cơ quan cách nhà gần ba mươi cây số, chiều thứ bảy anh mới đạp xe về; sáng thứ hai lại lật đật đi sớm; việc nhà dồn hết cho chị. Việc đồng áng rồi chăm con, lo cho cha mẹ chồng ốm đau dặt dẹo khiến chị lúc nào cũng tất bật, đi cứ như chạy. Nhà mẹ đẻ chỉ cách hai cánh đồng nhưng chị cũng ít về. Anh sớm quen với bàn giấy, dần dà đâm ngại việc chân tay. Về nhà, anh thường giao du, lai rai với bạn bè. Ngay giữa mùa gặt bận rộn, anh cũng chỉ loanh quanh lo cơm nước bởi chị sợ anh không chịu được nắng gắt trên đồng. Cứ thấy anh rụt cổ nhăn mặt mỗi khi đặt đòn gánh đòn xóc lên vai là chị chạy lại đỡ gánh liền. Bạn bè nhìn anh chép miệng, ganh tị: “Không biết nhà hắn phát mả nào mà sướng dữ!?”. Cả bà mẹ chồng, lúc đầu hay hứ háy chị vì tội “ăn cơm trước kẻng”, giờ quay ra bênh con dâu chằm chặp, ngồi đâu cũng đưa“con ba nhà tôi” ra biểu dương.

Trong khi anh rể ngày càng ra dáng đường bệ của một công chức thì chị tôi ngày càng héo mòn sau hai lần sinh nở cùng bao lo toan thường nhật. Người lạ gặp cứ tròn mắt trước dung nhan khập khiễng của hai người. Hẳn vì lẽ đó mà anh không muốn sánh đôi cùng vợ. Nhiều tiệc vui, chủ nhân mời “anh chị” nhưng anh vẫn độc hành; để khỏi trơ, sau này anh thường dắt con theo. Khi nhà có khách, chị lăng xăng từ đầu tới cuối, chẳng bao giờ cùng ngồi mâm. Khách mời gọi thì chị từ chối còn anh coi đó như đương nhiên. Lúc trà dư tửu hậu, các ông thường đem vợ ra khoe, anh thì chẳng bao giờ góp chuyện. Chưa bao giờ thấy anh đưa vợ đi thăm chơi đây đó, cả cơ quan chồng hình như chị cũng chưa biết...

Chẳng để tâm điều đó, chị lặng lẽ lo cho anh. Những chiều thứ bảy anh về trễ, chị ra tận đường đất đỏ dẫn vào làng, ngóng; gặp người quen từ thị xã về, lại hỏi thăm chồng. Sáng thứ hai, anh trở lại cơ quan, trong túi xách luôn có bánh khô, thức ăn nguội chị gửi theo để anh ăn thêm. Chỉ cần anh nhức đầu sổ mũi hay người nóng hơn bình thường một chút là chị te tái đi tìm lá xông rồi cạo gió, sắc thuốc. Chị lo thái quá, lắm lúc còn bị anh cáu gắt.

Hai con trai chị có nhiều nét giống mẹ, ai cũng bảo thế. Nhưng chị ra vẻ không ưng: “Mũi cao, lông mày dài y chang ba nó, giống gì mẹ!?”. Quả là trẻ con có mười hai khuôn mặt, càng lớn hai đứa càng giống ba. Bấy giờ, ai bảo thế cũng đồng nghĩa lời khen khiến chị vui ra mặt rồi hào hứng chỉ thêm những điểm con giống ba mà người khác không thấy. Chị còn bảo, khi mang bầu, anh ở xa, chị hay nghĩ về anh nên các con giống ba là phải. Ngặt nỗi, hai đứa học không giỏi như kỳ vọng của ba mẹ. Kết quả học của các cháu chỉ bình bình ở nhóm giữa của lớp. Lúc này, nghe ai hỏi việc học của con, chị vội nhận phần thay: “Tội nghiệp, chắc đầu óc các cháu giống mẹ, chứ ba chúng đâu tệ thế”. Chị hay than, do lỗi lầm của mẹ mà con khổ lây, nếu không, chắc đời các cháu đã sướng hơn.

Chị vẫn lặng thinh cả khi phong thanh nghe anh léng phéng lập “phòng nhì” trên phố. Nghe em gái rỉ tai với vẻ nghiêm trọng, chị đáp gọn lỏn: “Chị biết rồi”. Hỏi sao biết, chị rằng, có những điều chỉ người vợ mới cảm nhận được. Giờ tính sao? Chị im. Mấy bà ưa hóng hớt trong xóm xen vào: “Về nhà thấy vợ đen như cột nhà cháy, đi ra ngoài toàn các em mơn mởn sà vào. Lành làm gáo vỡ làm muôi, quậy tưng bừng cho kinh!”. Chị gạt ngang: “Tầm bậy!”. Biết chuyện, cha chồng đứng về phía con dâu, chỉ mặt con trai: “Mày đổi lòng với vợ, tao chặt giò, khỏi bước vào nhà này!”. Chị chỉ khóc. Sau đó, hình như chuyện tiếp diễn theo chiều hướng có hậu.

***

Khi anh mua được đất rồi làm nhà trên phố, ai cũng khuyên nên quy về một mối. Có người dọa: “Bà cứ ru rú ở nhà, coi chừng có ngày mất chồng!”. Chị lừng khừng bởi ông bà nội sắp nhỏ vẫn kiên trì ở quê. Nhà có mấy anh em nhưng chị bảo anh là con trai cả, ông bà đã quen sống với anh chị. Lý do nữa là chị lo rời đồng ruộng thì biết làm việc gì, không khéo thành gánh nặng cho anh. Hạ hồi là cuộc phân li tạm thời, hai con lên phố với ba để tiện đi học, chị ở quê với ông bà. Đều đặn tuần nào chị cũng lóc cóc đạp xe lên thị xã tiếp tế cho chồng con nào gạo, rau, mắm, muối. Chị thường nán lại vài ngày quét dọn nhà cửa, mua thức ăn dự trữ cho ba cha con nhét đầy tủ lạnh rồi lật đật về quê. Chị buồn rầu bảo, anh quen việc bàn giấy nhưng vụng nấu nướng, hai con thì lớ ngớ khi vào bếp thành ra cha con cứ lấy mì gói qua bữa. “Ăn thế thì còn sức đâu làm việc, học hành!”- giọng chị rưng rưng.

Mới ngấp nghé tuổi năm mươi nhưng chị đau ốm luôn. Bệnh nặng hay nhẹ chị đều bảo đừng cho ba cha con biết, chị không muốn chồng con bận tâm vì mình. Tôi nói, gọi anh về đưa đi khám, chị lưỡng lự: “Lúc nào ảnh cũng kêu bận công việc, không tiện đâu”. Cần lắm chị mới nhờ các em dùng xe máy đưa lên đường cái để đón xe đi bệnh viện; thường thì chị đạp xe lên gửi nhà người quen rồi sang xe đò tìm đến bác sĩ. Chứng thoái hóa cột sống khiến chị đi lại lật bật, xiêu vẹo trông thật khổ nhưng việc nhà cứ giăng ra đấy, chị không thể ngồi yên. Anh về, hỏi thăm rồi động viên “bệnh thì cố gắng chữa”, thế thôi, chứ chẳng giúp vợ được gì.

Tính chị ít kể lể nên chắc anh chẳng tường sức khỏe của vợ. Nơi buồng riêng, giường ngủ thì không biết nhưng thường ngày anh chị ít trò chuyện cùng nhau. Việc tủn mủn trong nhà ngoài đồng của chị, chắc anh chẳng muốn nghe. Chuyện trong nước thế giới với những thành tựu kinh tế xã hội, những cuộc xung đột, những phát minh mới của nhân loại mà anh thường hào hứng san sẻ cùng bạn bên bàn nhậu mỗi khi về, chị không thể góp lời. Đã thế, vào những dịp đó, chị thường ngồi chờ rồi gà gật nơi xó bếp, đợi anh xong bữa rượu mới thu dọn, đi ngủ. Lắm bữa anh quá chén, chị lại cuống cuồng đi pha nước chanh, lấy vôi quẹt vào bàn chân cho anh giã rượu.

***

Dù đau nhưng với chiếc xe đạp cà tàng, chị vẫn đều đều lên thị xã thăm chồng con mỗi tuần. Tai nạn bất ngờ trên đường đã cướp mất chị trước sự ngơ ngác, bàng hoàng của người thân. Chẳng ai tin cái chết đến với chị đơn giản thế. Ai cũng bảo đời chị khổ. Mẹ mất sớm, chị bất đắc dĩ thành “mẹ” của ba chị em tôi; rời cây bút quyển vở đã lo việc nhà chồng cho tới lúc đột ngột ra đi.

Vợ mất, anh rể tôi hay về quê thăm cha mẹ, viếng mộ vợ. Nhiều bữa anh ngồi bên mộ chị nơi trảng cát sau làng, với điếu thuốc lập lòe trên môi cho đến khi sương giăng mờ trên những rặng phi lao. Lâu, thật lâu sau ngày chị mất, anh vẫn chưa lấy lại được thăng bằng, người xơ xác như thân cây vừa qua cơn bão lớn. Tóc anh bạc nhanh thấy rõ, đôi mắt trũng sâu lại ngân ngấn nước mỗi khi nhắc tới vợ.

Tôi ghé thăm anh và các cháu, thấy thật thảm cảnh. Từ phòng ăn tới phòng ngủ, buồng tắm bừa bộn chẳng khác căn lán tạm của công nhân xây dựng là mấy. Anh ngăn lại khi tôi định ngồi xuống ghế rồi vội lấy khăn lau mặt ghế đầy bụi. Chẳng có li sạch nên hai anh em cầm lon nước ngọt bật nắp, đưa luôn lên miệng. Tiếp em vợ dưới quê lên, anh tức tốc chạy ra chợ mua thức ăn. Khi nấu mới thấy thiếu thứ nọ thứ kia, lại phóng xe đi tiếp. Anh phải đi lại ba lần như thế mới đủ thực phẩm, gia vị cho bữa cơm với món mặn chát, món nhạt hoét cứ như chúng đả kích nhau. Anh bảo, buồn mỗi khi về nhà, các con đi học đi làm, nhà vắng ngắt, bếp lạnh tanh, nhiều lúc chẳng biết nói chuyện với ai. Anh thở dài: “Lắm bữa đi nhậu về khuya, thèm bát canh rau lang kinh khủng nhưng chẳng biết làm sao!”. Anh ngước nhìn bàn thờ vợ, mắt ánh lên đau thương, tiếc nuối.

Sau ngày mãn tang chị, tôi lựa lời nói với anh: “Các cháu đã lớn, rồi có phần của chúng. Anh chưa tới năm mươi, cũng nên có người bầu bạn lúc tuổi già...”. Anh nhăn mặt, xua tay không cho tôi nói tiếp. Anh thừ người, mắt buồn nhìn xa xăm, giọng đau xót như nói với chính mình: “Người ta bảo, đằng sau thành đạt của người đàn ông có một người phụ nữ, đã nhiều lần nghe thế nhưng tôi chẳng soi vào mình. Giờ thấm thía thì muộn mất rồi. Có lẽ tôi chẳng tìm được người phụ nữ thứ hai như cô ấy đâu. Buồn lắm, cậu ạ!”.

Anh khóc, lệ nhòe trên khuôn mặt dúm dó. Giọng đẫm nước, anh kể về những ngày anh chị cùng ở trọ, học cấp ba trường huyện. Anh bảo, nhớ mãi những sáng mùa đông, chị chở bó củi che lấp cả người xuống chợ bán rồi mới vội vàng đến lớp. Lắm hôm chị đến trễ, cổng trường đóng, phải co ro đứng ngoài. Anh ngồi trong lớp nhấp nhỏm lo nhưng chẳng biết làm sao, may mà thầy giám thị thương tình, hé cổng cho chị vào. Rồi có mùa lụt, nước trắng băng các ngả đường, hết gạo nhưng anh không thể về nhà, đói hoa mắt. Chị san sẻ cho mấy củ khoai lang luộc, anh ăn ngấu nghiến, mắc nghẹn đến há mồm trợn mắt khiến chị hốt hoảng... Những chuyện cỏn con như thế, tưởng đã quên, nay trỗi dậy khiến anh từng đêm mất ngủ.

***

Giờ anh đã giao nhà trên thị xã cho con, về quê ở. Chiều chiều, dù nắng hay mưa, anh lại lần bước trên con đường đồng nhầy nhụa bùn để qua trảng cát sau làng, thắp hương cho vợ.

NGUYỄN CẢNH TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng cuối ngày

1 - Ngày dần tàn. Duỗi dài trên chiếc võng xếp ở tầng thượng, ông lơ đãng nhìn ánh ngày đang nhạt nhòa trên vòm xà cừ bên đường. Nếu đời người chỉ gói gọn trong một ngày thì đời ông đang bước vào độ giống những tia nắng cuối ngày kia.

Nắng cuối ngày
Đừng vội người ơi

Lão lom lom nhìn hai thanh niên, cũng quần áo xanh lem nhem vôi vữa, cả giày bảo hộ lao động; rõ là công nhân rồi.

Đừng vội người ơi
Mẹ

Cậu Hai và cô Ba ở thành phố nhiều lần đánh xe về tận ngõ mời mẹ lên ở cùng nhưng bà nhất quyết “bám trụ” ở quê cùng cậu Út. Anh chị đều thành đạt nhưng Út thì ngược lại. Di chứng của những trận đau dặt dẹo ngày bé khiến chân phải cậu co rút và teo như ống tre, giọng thì méo như nói qua chiếc loa rè. Đã thế, vợ lại chẳng mấy nhanh nhẹn cùng đàn con ba đứa lút chút khiến Út càng lam lũ. Bà ở cùng, lặng lẽ chia sẻ những cực nhọc của đứa con không may mắn. Ngoài bảy mươi, bà vẫn lội đồng cấy hái. Rời cái liềm cái cuốc, lại chăm heo gà hay quét dọn cửa nhà. Trừ những lúc ốm mệt, bà ít khi ngơi tay.

Mẹ
Return to top