ClockThứ Ba, 07/03/2017 08:34

Người phụ nữ ngọt ngào

TTH - Cô là Trần Thị Bảo Khánh (trú tại 16/2 kiệt 52 đường Bà Triệu, TP. Huế), nhưng trong tâm trí của rất nhiều bà mẹ, người phụ nữ đó mang tên “ngọt ngào”.

Bảo Khánh nuôi con khỏe mạnh hoàn toàn bằng sữa mẹ. Cô mong muốn mọi trẻ khác cũng được nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt ngào ấy

Tấm lòng người mẹ

Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, cảm giác Khánh “truyền” cho người bên cạnh là sự vui vẻ, tự tin bằng ánh mắt, nụ cười nhẹ nhõm, thân thiện. Khánh kể, tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, cô rời Huế vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Có công việc tốt, thu nhập cao, thế nhưng, từ khi lấy chồng, trong cơ thể bắt đầu tượng hình đứa con, tình mẫu tử ngày một lớn, Khánh “từ giã” công việc, chuyên tâm theo các khóa học về nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, nghiên cứu nhiều tài liệu, tìm hiểu những lợi ích về vấn đề này. Cô muốn trang bị cho mình đầy đủ kiến thức khoa học để dành sự chăm sóc tốt nhất ngay khi con đang là bào thai.

Sắp được làm mẹ, “bỗng nhiên” Khánh mong muốn cũng như con mình, tất cả trẻ sơ sinh được tráng ruột bằng sữa non của mẹ, một “thần dược” mang đến sức đề kháng tuyệt vời, “viên gạch” chắc chắn cho sự phát triển của trẻ. Đồng thời, trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ, để lớn lên khỏe mạnh nhất. Cô chia sẻ kiến thức trên facebook và được hàng ngàn các bà mẹ theo dõi, quan tâm. Hàng trăm bà mẹ trẻ chuẩn bị “vượt cạn” hoặc đang nuôi con nhỏ tương tác, trao đổi. “Nhiều chị vì phải mưu sinh hoặc phải chăm con, dỗ cho con ngủ, khuya khoắt mới có thời gian. Vậy nên, điện thoại của tôi luôn mở và “nhà” luôn sáng đèn, “mở cửa”. Các chị có thể vào hỏi bất cứ lúc nào. Người khác đang cần mà mình giúp kịp thời, niềm vui như được gấp đôi. Nhiều lúc thấy vợ thức khuya để chát, trả lời tin nhắn, thắc mắc, chồng tôi xót. Thế nhưng, sau khi nghe tôi giải thích, không chỉ thông cảm, anh còn ủng hộ việc làm “bao đồng” của vợ”. 

Muốn con sinh ra, được nuôi dưỡng lớn lên bằng tình yêu ở mảnh đất là nơi chôn nhau cắt rốn của cả cha và mẹ, vợ chồng quyết định để Khánh trở về Huế trước, sống cùng cha mẹ ruột. Tại đây, cô đã quyết định “bước ra khỏi nhà”, chạy ngược chạy xuôi, kể cả đêm hôm khuya khoắt hay rét mướt, đến bệnh viện, nhà riêng của người chưa từng một lần gặp mặt để cho sữa từ cơ thể mình, hỗ trợ giúp trẻ mới sinh được tráng ruột bằng sữa non của mẹ, hướng dẫn kiến thức để các bà mẹ bị mất sữa “lấy lại” được nguồn sữa. Trong những “chuyến đi” như vậy, không ít lần Khánh nhận  câu hỏi từ chính người được giúp, tại sao không nhận chi phí? Cô trả lời: “Vì sao tôi phải nhận phí? Tôi chỉ muốn các trẻ, cũng như con tôi, được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ”.

Ngọt ngào

Chị Hạnh Trinh (trú ở phường Tây Lộc, là chuyên viên Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thuộc Sở Khoa học Công nghệ) xúc động kể, lần đầu làm mẹ, lúc đang mang thai, Trinh thường vào facebook của hội hiến tặng sữa mẹ tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm. Thấy Bảo Khánh trả lời những thắc mắc cho chị, cũng như cho nhiều người khác rất nhiệt tình, tự nhiên chị có cảm giác yên tâm. “Thai ở tuần 37, Khánh bày tôi cách mát xa ngực cho sữa tiết ra. Lúc được chỉ định sinh mổ, biết sinh xong mẹ con sẽ cách ly, tôi lo quá gọi Khánh. Khánh bảo cứ yên tâm, sáng mai sẽ có mặt giúp tôi gửi sữa non vào phòng cách ly. Thời gian ở bệnh viện, con tôi không chịu kiên nhẫn bú sữa mẹ. Khánh chỉ dẫn tôi vắt sữa ra cho con, sau đó kiên trì tập cho bé bú mẹ. Mọi việc sau đó “êm xuôi”, tốt đẹp. Tôi rất biết ơn, vì những ngày đầu khó khăn đều nhờ vào giúp đỡ của Khánh. Chẳng ruột rà gì mà Khánh lo lắng cho mẹ con tôi thật chu đáo, tận tụy”.

Đó cũng là cảm xúc của chị Nguyễn Thiên Trúc (trú phường Vỹ Dạ, TP. Huế). “Do đầu ngực bị tụt vào bên trong nên đứa con đầu lòng của tôi không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Khi sinh đứa thứ hai, tôi quyết định sẽ mua máy, hút sữa của mình cho con bú. Thế nhưng Khánh bảo, mua máy làm gì, để chị hướng dẫn. Trong lúc tôi căng thẳng, mồ hôi mồ kê tứa ra, Khánh ân cần bảo tôi bình tĩnh, đặt bé nằm đúng tư thế, để ti ở mũi cho bé ngửi sữa mẹ. Theo bản năng, bé sẽ cạp được đúng “khớp”.  Sau 10 ngày ròng rã Khánh ở cạnh, con tôi đã được bú sữa từ bầu vú của mẹ”. Chị Trúc bảo, tấm lòng của Khánh sao mà nhân hậu, ấm áp. Em gái ruột chị Trúc tình trạng đầu ngực cũng bị tụt, nhờ Khánh trợ giúp, hướng dẫn. Khánh đến là 3 giờ chiều. Lúc đó bé đang ngủ. Người nhà định thức bé dậy, nhưng Khánh ngăn lại. Kiên nhẫn ngồi đợi cho đến lúc 6 giờ tối, bé thức giấc, Khánh mới tập cho bé bú.

Chị Lưu Thị Trinh (ở Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) thì gọi tên những gì Khánh đã làm cho các bà mẹ và các bé là việc làm nhân văn, khiến cuộc sống này đẹp hơn. Sau khi sinh con, chị Trinh bị áp xe vú, phải mổ và mất sữa. Trong 2 tuần phẫu thuật, điều trị tại Huế, cháu bé của chị Trinh được Khánh trực tiếp cho sữa từ cơ thể mình, đồng thời xin sữa từ các bà mẹ đang cho con bú “tiếp tế”. Trước khi hai mẹ con xuất viện, Khánh xin sữa, cấp đông mấy chục bịch, đóng thùng ra Đông Hà, là nguồn dự trữ cho bé trong quá trình chị Trinh kích sữa trở lại. Facebook và điện thoại Bảo Khánh có “vô số” lời cảm ơn và cảm phục tấm lòng của chị. Em ruột chị Trúc viết giản dị nhưng xúc động: “Cảm ơn mẹ Chíp (tức Bảo Khánh) nhiều. Em sẽ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Mẹ Chíp đã giúp em tự tin”. Còn Khánh lại chia sẻ, người Khánh cảm ơn nhiều nhất là mẹ của cô, người mẹ đã rất thấu hiểu, ủng hộ và chăm sóc bé Chíp giúp cô trong lúc Khánh “bôn ba” giúp người khác…

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; vì thế việc trao cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa trao thêm cơ hội để phụ nữ tự khẳng định mình.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ
Đồng hành cùng chi hội trưởng

Đề xuất tăng phụ cấp cho chi hội trưởng (CHT), đổi mới các phong trào để thu hút hội viên, cùng các CHT nắm bắt tình hình, hoàn cảnh chị em để có cách giúp đỡ hợp lý, kịp thời... là cách mà hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp và chính quyền địa phương đồng hành cùng các CHT trong việc xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ trên toàn tỉnh.

Đồng hành cùng chi hội trưởng

TIN MỚI

Return to top