ClockChủ Nhật, 07/05/2017 12:50

Người sống - người chết

TTH - Chiếc ô-tô bóng nhoáng dừng ở đầu làng kéo theo những ánh nhìn không chớp.

Các bà đang cắt lúa dừng tay, mấy ông đang cày hò trâu đứng lại, cả mấy thằng bé chăn vịt cũng chống sào để nhìn. Trên con đường bê tông dẫn vào làng này, không thiếu xe chở gạch, chở lúa lại qua nhưng xe bóng đến soi gương được, lại có “hai đầu” y chang như thế kia thì họ chưa thấy bao giờ… Từ trên xe, một ông lặc lè cái bụng bia bước xuống. Ông đứng im hồi lâu nhìn trời, nhìn xung quanh rồi túc tắc vô làng. Đang đi, chốc chốc ông đứng lại, đảo mắt ngó quanh như tìm nhà người quen.

… Hơn ba mươi năm trước, ông đến đây vào một đêm mưa bầm dập. Sau khi vượt sông Ly, tổ trinh sát do ông phụ trách tiếp cận điều nghiên đồn Cây Thị; lúc quay ra thì đụng mìn. Tiếng nổ vang trời của trái phá kéo theo tiếng súng, tiếng mõ cùng rộ lên tứ phía. Đêm tháng mười đen đặc bỗng chốc bị loãng ra bởi thứ ánh sáng xanh lạnh của hàng trăm quả pháo sáng phụt lên bầu trời. Hai người hy sinh, ông bị thương. Cả tổ chỉ mỗi Thắng là còn khả năng chiến đấu. Không thể cùng thoát khỏi vòng vây, Thắng ở lại chặn địch để ông rút lui. Thắng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Quả lựu đạn anh dành cho mình và những tên địch liều chết nhào vô đã không nổ. Anh bị bắt.

Ông cũng không thể về cứ, với mình đầy thương tích, khi phía trước là dòng sông đang cuồn cuộn trong mùa lũ và các nẻo đường đã bị khóa chặt. Như sự tiếp diễn có hậu trong những chuyện cổ tích, ông thoát hiểm nhờ một người nhân ái. Người ấy thấy ông ngay trước ngõ nhà mình, chỉ hơn xác chết là còn thoi thóp thở. Ánh đèn pin loang loáng cùng tiếng hò reo của kẻ địch đang lần theo dấu máu đã thúc giục người ấy không thể chần chừ. Ông cụ giấu anh trong cái bồ đập lúa, gác trên chuồng trâu. Ngày ngày, với những bát cháo có nhiều hành và tía tô cùng những mảnh vải được xé từ  chiếc áo lỗ chỗ miếng vá và một thứ lá thuốc dùng để đắp vết thương, ông cụ đã giành lại sự sống cho ông. Hơn hai mươi ngày sau, vào một đêm nước lụt trắng đồng, người ấy dùng ghe đưa ông vượt sông về với đồng đội.

Lần trở lại này, ông muốn gặp ân nhân của mình. Thời gian hơn ba mươi năm đã đủ để ông, người chiến sĩ trinh sát năm xưa trở thành người đứng đầu một tổng công ty lớn. Ông sẽ đền đáp ơn cứu mạng cho ông cụ và hơn thế. Nhận nuôi vài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, làm một hai cái nhà tình nghĩa, nâng cấp con đường dẫn vào làng… với ông, đâu ngoài khả năng. Kinh phí quảng cáo của tổng công ty ông vẫn đều đều tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu, cho các giải thể thao đó thôi. Chắc nghe ý định của ông, không những ông cụ mà cả làng này sẽ nể trọng, sẽ đón tiếp nồng nhiệt. Dù không dám thành thật ngay với lòng mình nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ của ông, chuyến “về nguồn” này cũng là dịp để ông phô trương sự thành đạt của mình. Chẳng thế mà trước đó, hơn mười ngàn ngày hòa bình có lẻ, ông chưa giành được một ngày cho làng nhỏ bên sông Ly này, nơi có con người từng bất chấp cái chết để che chở sự sống cho ông.

Ông ngạc nhiên trước ánh mắt xa lạ của những con người nhem nhuốc nơi đây. Lòng tự trọng và một chút tự ti đã không cho họ có sự vồ vập như ông tưởng. Với họ, ông cao sang xa vời, cứ như thuộc về thế giới khác. Họ đâu hay, chính hạt gạo ba trăng trên cánh đồng thiếu nước và những củ khoai lang trên bãi cát sau làng kia từng đưa người này qua cơn hoạn nạn.

Ông bâng khuâng đứng trước mảnh vườn xưa. Cảnh cũ đổi nhiều và người xưa đã xa rồi. Tiếp ông, không phải người ông hàm ơn mà là một phụ nữ đen gầy, khó đoán tuổi. Chị ngạc nhiên đến ngớ người trước sự xuất hiện đường đột của ông khách sang trọng. Chị tất bật kéo ghế, pha nước rồi luôn mồm xuýt xoa về sự bừa bộn của nhà quê đang mùa gặt. Như đoán được sự sốt ruột của ông, chị nói ngay về người ông muốn biết: “Ông cụ mất hơn mười năm rồi. Trước khi đi kinh tế mới ở Tây Nguyên, con trai ổng bán lại cơ ngơi này cho nhà em”. Khoảng im lặng đột ngột bao trùm căn nhà nhỏ. Ông hụt hẫng trong nỗi buồn chơi vơi. Đang lặng người, bỗng ông giật mình trước hoài niệm xa xăm của chị chủ nhà: “Tội nghiệp ông cụ lắm. Sau giải phóng, người làng này kê khai làm chính sách có công với cách mạng. Ổng cũng làm, nói là từng nuôi giấu một anh bộ đội giải phóng bị thương hồi đánh đồn Cây Thị. Nhưng lấy ai xác nhận lời ông cụ? Kẻ ác mồm còn bảo: “Con ổng đi lính ngụy, giờ thấy cách mạng thắng rồi nên phịa ra để ăn phần". Ổng buồn lắm, thỉnh thoảng lại ra đầu làng ngóng, gặp anh bộ đội nào đi qua cũng hỏi nhưng đáp lại là những cái lắc đầu thông cảm. Nhiều người an ủi ông rằng, có lẽ anh bộ đội đó đã hy sinh; bởi chỉ có cái chết mới khiến người ta quên ân tình…”.

Ông điếng người trong nỗi đau chợt đến. Chị sẽ nghĩ gì nếu biết con người hững hờ kia đang hiện hữu ở đây? Chị vô tình nên không thấy vẻ bối rối trên mặt ông. Lần đầu tiên trong đời, ông sợ những lời hỏi thăm dành cho mình. Câu chuyện giữa chủ và khách bỗng trở nên gượng gạo, rời rạc. Để giải tỏa nỗi phập phồng, ông đứng lên tạm biệt chủ nhà. Ông đi ra xe bằng những bước chân thất thểu, với cõi lòng tê tái. Tự nhiên ông cảm thấy lạc lõng ngay trên con đường đầy rơm rạ, đã một thời thấm máu của chính mình.

Ngang qua ngôi trường đầu làng, ông dừng lại hồi lâu; mắt dán vào tấm bảng “Trường tiểu học Tống Đình Thắng”. Người đồng đội năm xưa lãnh phần ở lại chặn địch để ông rút lui giờ đã hóa thân vào đất này. Ông bồi hồi, rưng rưng nhớ về kỷ niệm của một thời máu lửa.

Ông vẫy tay gọi cậu bé quàng khăn đỏ đang ngồi đọc truyện dưới bóng phượng ở sân trường. Cậu bé chớp mắt nhìn ông ngỡ ngàng. Ông lên tiếng: “Cháu có biết Tống Đình Thắng là ai mà trường cháu được mang tên?”. Cậu bé tròn mắt. Trước nụ cười thân thiện của ông, cậu sôi nổi: "Cô giáo bảo, ngày xưa chú ấy chiến đấu giải phóng quê hương cháu đấy. Bọn giặc bắt được đánh dữ lắm nhưng chú ấy không khai; sau khi hy sinh, chú được truy tặng Anh hùng. Quê chú ấy ngoài Bắc, xa lắm, nhưng người làng cháu ai cũng biết. Chú được thờ trong đình làng kia kìa”. Cậu bé chỉ tay về phía ngôi nhà cổ nép dưới bóng cây đa phía trước. Rồi cậu chỉ ra cánh đồng, nơi có những chiếc nón trắng đang nhấp nhô trên thảm lúa vàng: “Cả cánh đồng kia cũng mang tên là đồng ông Thắng đấy bởi chú hy sinh ở đó”.

Từ lâu ông đã biết, người đồng đội bất khuất ấy đã hòa vào đất đai cây cỏ, thân xác anh đã biến thành cát bụi nơi này. Nhưng đấy, anh vẫn hiển hiện trong tiếng học bài mỗi ngày của trẻ, trong niềm vui nỗi buồn của những con người lam lũ trên đồng lúa kia. Người đồng đội đã hy sinh và ông, ai đang sống và ai đã chết, ít nhất trong lòng những nông dân chất phác ở vùng quê này? Ông tự vấn, người lặng đi trong tủi hổ chợt đến.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nước rút chậm, nhiều địa bàn còn chia cắt

Đến chiều 16/10, nhiều địa bàn vùng thấp trũng trên địa bàn tỉnh nước xuống chậm, nhiều nơi bị chia cắt, cô lập. Công tác hỗ trợ người dân nhanh chóng được triển khai.

Nước rút chậm, nhiều địa bàn còn chia cắt
QUẢN LÝ XÂY DỰNG LĂNG MỘ:
Không để người chết “lấn” đất người sống - kỳ 2: Hướng đến phương thức hỏa táng

UBND tỉnh đã có nhiều văn bản về việc quy hoạch tổng thể, xây dựng, quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh. Lộ trình thực hiện quy hoạch, số lượng và quy mô nghĩa trang do Nhà nước xây dựng và quản lý tăng lên, số lượng và quy mô diện tích đất do Nhân dân mai táng và xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch ngày một giảm dần, tiến tới chấm dứt việc mai táng, xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch, hướng đến phương thức hỏa táng.

Không để người chết “lấn” đất người sống - kỳ 2 Hướng đến phương thức hỏa táng
Bếp lửa của mẹ

Trước đó, cùng với năn nỉ mẹ bỏ bếp củi, tôi kêu thợ đúc đanh, xây bệ, lát gạch men tạo nên không gian mới sáng sủa ngay cạnh gian bếp nhem nhuốc, rồi mua bếp gas lắp vào.

Bếp lửa của mẹ
Khoảng trống trên đồng

Sau những đợt quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa bờ vùng khiến cánh đồng làng tôi ngay ngắn, thẳng tắp.

Khoảng trống trên đồng
Return to top