ClockThứ Năm, 29/12/2011 04:42

Người sử dụng lao động “ép” người lao động?

TTH - Các ông Nguyễn Phúc Hậu, Đinh Văn Thiện (Xí nghiệp đá Ga Lôi), Nguyễn Viết Xuân, Phan Văn Lợi (Kho A, vật liệu nổ), Nguyễn Viết Khang, Nguyễn Viết Ty (Xí nghiệp đá Phú Lộc), ông Phạm Văn Cường (Xí nghiệp đá ốp lát), là công nhân thuộc Công ty cổ phần Khai thác đá Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Công ty) có đơn khiếu nại, phản ánh: Nhiều lần họ có đơn kiến nghị về việc sắp xếp, bố trí việc làm cho cán bộ, công nhân tại Công ty có nhiều mâu thuẫn. Công ty có giải quyết, nhưng việc giải quyết không sòng phẳng, không đến nơi đến chốn, mang tính chất cá nhân nội bộ, ép buộc, bố trí công việc không phù hợp với tình hình sức khỏe... nên họ có đơn xin thôi việc. Vậy nhưng, Công ty lại ban hành quyết định cho một người “được nghỉ 6 tháng không lương”, 2 người thôi việc, nhưng Công ty còn nợ chế độ. Số người còn lại chưa có quyết định gì.

“Loằng ngoằng” xin thôi việc, nhưng cho nghỉ không lương...

 

Theo hợp đồng lao động (không xác định thời hạn) giữa công ty với ông Phạm Phúc Hậu thì ông Hậu vào Công ty làm việc, là công nhân lái máy đào Xí nghiệp đá Ga Lôi, từ ngày 1/1/2002 đến nay. Ông Hậu cho biết: đã hơn 10 năm lái máy cho Công ty, nhưng mức lương hàng tháng chỉ nhận cố định là 2.400.000đ. Thu nhập này không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, nên ngày 14/6/2011, ông có đơn xin thôi việc. Sau khi gửi đơn, ông Hậu tiếp tục làm việc hết 45 ngày theo luật, nhưng công ty vẫn không có văn bản, quyết định nào giải quyết đơn xin thôi việc của ông. Ông Hậu gặp ông Trần Văn Can (nay là phó giám đốc công ty) hỏi vấn đề trên, thì được trả lời: “Về viết một lá đơn tình nguyện không thanh toán tiền chế độ ở Công ty, thì Công ty mới tạo điều kiện làm thủ tục cho thôi việc”. Không đồng ý với cách giải quyết này, ông Hậu nghỉ làm việc tại Xí nghiệp đá Ga Lôi kể từ ngày 27/7/2011.

 

 Các ông Phạm Phúc Hậu, Nguyễn Viết Xuân, Phan Văn Lợi đến phản ánh sự việc tại Báo Thừa Thiên Huế

 

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, ngày 15/9/2011, giám đốc công ty lại ban hành Quyết định số 67/QĐ-GĐCT/TCNS cho ông Phạm Phúc Hậu được nghỉ việc không lương với thời gian 6 tháng, kể từ ngày 15/9/2011 đến ngày 15/3/2012.

 

Luật sư Lê Thị Trà My cho biết: HĐLĐ của ông Hậu là hợp đồng không xác định thời hạn. Ông Hậu đã có đơn xin nghỉ việc và đáp ứng đủ thời hạn báo trước. Do đó, ông có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản trợ cấp thôi việc cho ông theo đúng quy định của pháp luật (mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương nếu có).
 
Việc công ty ra quyết định cho ông Hậu nghỉ không lương 6 tháng như nêu trên mà chưa có sự thỏa thuận với ông là vi phạm các quy định của pháp luật về lao động. Mặt khác, trên thực tế, ông đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với công ty từ trước khi công ty ban hành quyết định cho nghỉ không lương và việc ông đơn phương chấm dứt HĐLĐ đó là đúng quy định của pháp luật nên quyết định này (cho nghỉ không lương) không có giá trị cả về mặt pháp lý và thực tiễn.
 
Cùng ngày 15/9/2011, công ty có quyết định giải quyết thôi việc cho ông Nguyễn Viết Xuân và ông Phạm Văn Lợi. Quyết định nêu rõ “Mọi chế độ liên quan được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành”. Tuy nhiên, sau khi ban hành Quyết định thôi việc cho ông Xuân và ông Lợi, công ty vẫn chưa giải quyết chế độ cho các ông này như quy định của pháp luật. Khi các ông Xuân, Lợi “làm dữ” thì công ty mới làm việc và có biên bản thỏa thuận ngày 26/10/2011 nội dung: “Công ty đã ra quyết định thôi việc đối với ông Nguyễn Viết Xuân và ông Phan Văn Lợi. Tuy nhiên do điều kiện công ty hiện nay đang khó khăn nên chưa thể xem xét, giải quyết khoản trợ cấp thôi việc theo luật được. Qua trao đổi, thống nhất đi đến thỏa thuận: Công ty sẽ giải quyết vấn đề trợ cấp thôi việc cho ông Xuân, Lợi theo luật, chậm nhất là trước ngày 30/12/2011”. (Phía Công ty cho biết thêm: vì tình hình tài chính khó khăn nên hiện nay Công ty còn nợ cơ quan Bảo hiểm xã hội 400 triệu đồng- pv). Các ông Nguyễn Viết Khang, Nguyễn Viết Ty, Đinh Văn Thiện, từ ngày gửi đơn xin thôi việc, Công ty hoàn toàn “ngó lơ”, không giải quyết. 

 

“Ép” người lao động?

 

Trao đổi với phóng viên, phía công ty không thừa nhận có việc hù dọa, ép buộc, mang tính cá nhân, nội bộ như các ông có đơn khiếu nại. Tuy nhiên, việc các ông Phạm Phúc Hậu, Nguyễn Viết Khang, Đinh Văn Thiện, Phạm Văn Cường, Nguyễn Viết Ty, Phan Văn Lợi, Nguyễn Viết Xuân có đơn xin thôi việc và hiện nay Công ty đã ban hành Quyết định thôi việc đối với 2 ông Xuân, Lợi, cho nghỉ không lương 6 tháng đối với ông Hậu và chưa giải quyết gì đối với những người còn lại, là đúng.

 

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tường Vy, Phó Phòng Tổ chức- Hành chính, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Ngoại trừ các trường hợp ông Xuân, Lợi không chấp hành việc điều động thuyên chuyển đến địa điểm làm việc khác, là vi phạm kỷ luật, nên công ty chấp nhận cho thôi việc (theo đơn), những người còn lại nêu trên có tay nghề vững, có kinh nghiệm, Công ty mong muốn họ trở lại làm việc nên chưa ban hành quyết định cho thôi việc. Trường hợp ông Hậu, công ty ban hành quyết định cho nghỉ không lương 6 tháng, là để tạm thời chốt sổ bảo hiểm xã hội, không phải đóng khoản tiền này trong thời gian 6 tháng, đợi kết quả hòa giải thương lượng với người lao động (NLĐ). Nếu NLĐ vẫn không chịu trở lại làm việc thì Công ty sẽ có quyết định thôi việc đối với NLĐ và giải quyết chế độ thôi việc, theo luật quy định.

 

Tuy nhiên, ông Phạm Phúc Hậu và những NLĐ có đơn khiếu nại nói trên lại cho rằng, cách lý giải như nêu trên của lãnh đạo công ty là trốn tránh trách nhiệm trước việc làm sai trái, vi phạm pháp luật lao động. Công ty đã “ép” NLĐ khi cố tình “ngó lơ”, không giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật, đối với những trường hợp có đơn xin thôi việc của các ông Thiện, Khang, Ty, Cường và “bỗng nhiên” ban hành quyết định cho nghỉ không lương 6 tháng đối với ông Hậu, trong lúc ông không hề có đơn, cũng không hề có sự thỏa thuận nào (về vấn đề này) giữa người sử dụng lao động với NLĐ!

 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

 

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC:
 
Ông Đào Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần khai thác đá Thừa Thiên Huế:
 
Công nhân nghỉ việc hàng loạt, có tình trạng bất ổn trong công ty
 
Thời gian vừa rồi, qua việc công nhân nghỉ việc hàng loạt, tôi thấy có tình trạng bất ổn trong công ty. Nếu trường hợp NLĐ sai thì không có vấn đề gì, nhưng trường hợp NLĐ hoàn toàn đúng thì điều quan trọng là Công ty cần xem xét lại công tác tổ chức. Đồng thời, công ty phải giải quyết và thực hiện các chế độ cho những NLĐ nói trên theo luật định.
 
Ông Trần Văn Can, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần khai thác đá Thừa Thiên Huế:
 
“Ban hành Quyết định cho NLĐ nghỉ không lương 6 tháng để “đỡ” đóng bảo hiểm xã hội là chưa đúng”
 
Công ty ban hành Quyết định cho NLĐ nghỉ không lương 6 tháng để chốt bảo hiểm xã hội, để doanh nghiệp và người lao động “đỡ” đóng bảo hiểm xã hội, như vậy là chưa đúng. Vì Công ty chưa thương lượng với NLĐ về vấn đề này. Nếu NLĐ không trở lại làm việc như mong muốn của Công ty thì Công ty sẽ cho họ thôi việc và giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.
 
Ông Phạm Phúc Hậu:
 
“Không giải quyết và thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc là cố tình chiếm đoạt một phần mồ hôi nước mắt của người lao động”
 
Chúng tôi có đơn xin thôi việc và đã thực hiện đủ thời gian báo trước (sau khi nộp đơn vẫn tiếp tục làm việc 45 ngày) là đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật lao động. Công ty không giải quyết và không thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc cho chúng tôi là cố tình chiếm đoạt một phần mồ hôi nước mắt của người lao động.
 
Sở dĩ chúng tôi nhờ đến công luận, vì có như thế may chăng vấn đề của chúng tôi mới được giải quyết minh bạch hơn, quyền lợi hợp pháp của người lao động mới được bảo vệ.
 
Phạm Thùy Chi (ghi) 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top