ClockChủ Nhật, 30/10/2016 13:31

Người tốt

TTH - Nhà có ba người nhưng đã bốn buổi tối liên tiếp chỉ hai vợ chồng ăn cơm với nhau.

Vắng con trai đang học lớp 11 khiến bữa tối của hai “lão thành” (như anh tự trào) trở nên nhạt nhẽo. Nhớ lúc trước, mỗi khi chị chuẩn bị cơm chiều, thằng bé cứ xớ rớ đứng quanh. Nghe tiếng dầu mỡ xèo xèo trên bếp, nó chun mũi hít hà “thơm quá!”; thấy mẹ cho thức ăn ra đĩa, nó sáng mắt nhìn theo “hấp dẫn chưa kìa!”; miệng nói tay gắp thức ăn thổi phù phù rồi đưa luôn lên miệng. Chị khẽ cốc con, mắng yêu: “Hỗn, chờ ba đã!”. Nó toét miệng “con thử mà!” rồi hihi, khiến chị vui lây. Lắm lúc chỉ ngồi nhìn con ăn, chị đã thấy vui.

Vắng con, chị không muốn sửa soạn nhiều món, ngồi vào mâm chỉ cốt qua loa xong bữa. Bữa cơm càng thêm phần tẻ nhạt khi không có tiếng nói cười của trẻ.

Miệng nhai uể oải, đầu óc anh để tận đâu.“Em gọi cho nó chưa?”, anh đột nhiên hỏi. Chị chống đũa nhìn chồng, phân vân: “Có, nghe xung quanh ồn ào lắm”. Nỗi băn khoăn lây sang anh: “Ở đâu lại ồn ào nhỉ?”. Cả hai bần thần hồi lâu rồi cùng nhìn ra khoảng sân vắng nhá nhem lúc cuối ngày.

Đầu tuần trước, con trai xin phép anh chị tham gia hoạt động tình nguyện nên tối về trễ. Cụ thể là hoạt động gì? Thằng bé lảng tránh trước vẻ ngạc nhiên cùng lời chất vấn của ba mẹ. Nó bối rối loanh quanh, cuối cùng xoa dịu bậc sinh thành bằng cách úp mở: “Lúc nào việc làm có kết quả, con sẽ thưa chuyện”. Việc chính đáng thì có gì phải giấu - nghĩ thế nên chị không yên lòng mỗi khi con ra khỏi nhà, càng rối bời những lúc nó về trễ. Nó lớn rồi nên không thể giữ mãi trong vòng tay mình - đã bao lần anh chị tự động viên những mong nỗi lo khi vắng con được xoa dịu nhưng, sự bình yên chỉ có được trong chốc lát.

Mấy tối rồi, khi tivi hết chương trình thời sự, anh chị bắt đầu đi ra đi vô, phấp phỏng. Chị tha thẩn ra tận đường lớn, dán mắt vào dòng người xuôi ngược để tìm chiếc xe đạp điện màu xanh quen thuộc của con. Đứng chồn chân nhìn mỏi mắt, chị lại lặng lẽ đi vô. Nghe tiếng mở cổng rèn rẹt, anh lật đật chạy ra, niềm hy vọng ngời ngời tan biến, khi chỉ thấy chị. Anh rút điện thoại gọi cho con; nét mặt đang đăm đăm khó chịu bỗng bừng lên niềm vui khi nghe nó đáp lời. Buồn bực trong anh cứ vơi dần mỗi khi nghe giọng con. Chị ngồi bên, tròn mắt, luôn mồm: “Sao? Nó nói sao?”. Kết thúc cuộc gọi, anh quay qua phía chị: “Nó sắp về rồi. Hình như đang mua bán gì đó, nghe có tiếng hỏi giá lao xao.”. Chị ngạc nhiên: “Mua bán gì?”. “Ai biết!”, anh buông xuôi.

Anh chị chuyển qua bàn về dự định tương lai của con, miệng nói nhưng chốc chốc mắt liếc nhìn ra cổng rồi ngước lên đồng hồ trên tường. Sự kiên nhẫn cứ vơi dần theo tiếng tích tắc của đồng hồ. Chị lại nhấp nhổm đứng lên đi ra cổng, anh cất giọng: “Lần này nhất định phải hỏi cho ra lẽ. Nó không nói rõ, không cho đi nữa!”.

Người đang bừng bừng nhưng nghe con bấm chuông gọi cửa, anh lật đật đi lấy chìa khóa, giọng cứ như reo “có đây, có đây!”. Chị thì vội vàng vào bếp hâm lại thức ăn cho con. Nhìn nó toét miệng cười, bực dọc trong anh tan hết. Anh đỡ ghi đông xe để dắt vô nhà thay con rồi giục nó đi tắm, ăn cơm. Chỉ khi thằng bé đã lên phòng riêng, anh chị mới tắt đèn, đi ngủ.

Không biết con làm gì trong những tối về trễ khiến anh chị thường trực một nỗi lo. Sau nhiều lần lưỡng lự, anh quyết định làm theo lời chị, bí mật dõi theo hành tung của con khi nó ra khỏi nhà. Lần đầu, anh bị đèn đỏ làm gián đoạn việc “bám đuôi”, khi vượt qua được giao lộ thì không thấy con đâu, đành tiu nghỉu quay về. Lần thứ hai, anh lẽo đẽo bám theo con, thấy thằng bé vẫn vô tư, vừa chạy xe vừa nói chuyện với bạn, anh bất ngờ xấu hổ khi thấy mình khuất tất như kẻ trộm. Thế là anh bỏ cuộc giữa chừng, tự nhủ “chắc nó chẳng làm điều xấu”.

Rụt rè, anh tìm đến nhà cô chủ nhiệm. Anh hồi hộp, nửa muốn biết sự thật về những tối vắng nhà của con, nửa lo lo khi phải nghe điều chẳng lành. Mấy lần anh đưa tay định bấm chuông gọi cửa nhưng lại thôi; lúc lâu anh mới vượt qua được chính mình. Và rồi, đáp lại vẻ nôn nóng của anh, cô chủ nhiệm tươi cười kể về những việc làm thiện nguyện của nhóm bạn “Kết nối yêu thương” mà con anh là thành viên. Nhóm nhận bán hoa cho các đại lý, bán vé xem phim, xem ca nhạc cho các rạp hát để hưởng hoa hồng. Số tiền thu được, chúng mua quà tặng trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn của thành phố. Hằng tuần, cả nhóm thay nhau đến thăm và chăm sóc các cụ ở đó… Anh thắc mắc: “Sao cháu nhà tôi lại giấu chuyện này?”. “Đó là bí mật của cả nhóm, chúng sợ nói trước nhưng không làm được sẽ xấu hổ với người thân, cô tươi cười. Đến giáo viên chủ nhiệm mà lúc đầu các em cũng giấu đấy”.

Lời cô khiến anh lâng lâng suốt chặng về. Vừa chạy xe anh vừa lan man nghĩ về con, những mong sớm đem tin lành về cho vợ. Vừa thấy anh, chị đã hỏi dồn: “Anh biết chuyện gì chưa?”. Anh cười, cố ý nhẩn nha, kéo dài sự sốt ruột của vợ: “Biết rồi, để từ từ”. Chị hấp tấp đính chính: “Là em hỏi anh vừa xem tivi không?”. Anh ngớ người:“Không, có chuyện gì?”. Chị vỗ vai anh, giọng vút cao: “Con vừa được lên tivi, cả nhóm bạn của nó chăm sóc các cụ già neo đơn”. Anh tròn mắt:“Thiệt hả, nó làm gì?” Vẫn giọng hồ hởi, chị kể: “ Nó cho các cụ ăn uống, rửa mặt rồi đẩy xe đi dạo loanh quanh. Nó còn nhìn vào ống kính vẫy tay, tươi cười nữa. Nhìn nó trên tivi, thấy lạ lắm!”. Chị kể đi kể lại, vừa nhấn nhá vừa vung tay giả làm động tác của con. Bất chợt chị hạ giọng: “Cũng may mình chưa làm điều gì khiến con tổn thương”. Anh gật đầu, nói khẽ: “Để im coi nó có tự nói ra không nhé”. Cả hai nhìn nhau tươi cười.

Hôm sau, chị dọn phòng ngủ của con, thấy rơi ra một xấp vé từ túi áo của nó. Tò mò, chị lật coi thử, hóa ra là vé xem xiếc. Cầm tập vé và liên tưởng lời anh kể, chị nghĩ, chắc vì số vé này mà mấy bữa rồi nó đi suốt, về đến nhà là rút ra đếm đi đếm lại rồi ngồi thừ. Tối nay biểu diễn mà còn những hai chục vé thì sao đây. Tự nhiên, chị lo thay cho con, nóng lòng mong nó đi học về. Chị lẳng lặng nhét tập vé vào lại túi áo của con rồi qua phòng bên, nói nhỏ với anh. Anh cười: “Em coi như không biết, cứ để đó anh”.

Bữa trưa có nhiều thức ngon nhưng thằng bé ăn ít lại lặng lẽ, hình như đang nghĩ điều xa xăm. Vừa ăn anh vừa bâng quơ với chị:“Nghe nói có đoàn xiếc Trung ương vào diễn hay lắm, nhiều anh em trong đơn vị muốn đi xem mà không biết mua vé ở đâu cho tiện.” Đang tư lự, thằng bé bất ngờ sôi nổi, chen ngang: “Để con bán… à quên, để con mua cho”. Anh vẫn thản nhiên: “Để ba hỏi lại có mấy chú muốn xem và xem đêm nào rồi sẽ nhờ con. Nếu họ đã mua vé rồi thì thôi”. Ba có vẻ dửng dưng nhưng con cứ dặn đi dặn lại:“Ba nhớ nghen, ba nhớ nghen”…

Đầu giờ chiều, vào cơ quan được một lúc, anh gọi về cho con, nhờ mua hai mươi vé xem xiếc tối nay. Nói chuyện với ba mà giọng nó cứ như reo và “dạ, dạ” liên hồi. Tưởng tượng cảnh con đang vui, anh mỉm cười lặng lẽ. Tan tầm, anh đánh xe về, cầm tập vé xem xiếc đi thẳng tới mái ấm tình thương dành cho trẻ em lang thang cơ nhỡ ngay cạnh trụ sở ủy ban phường.

Đêm, con trai về trễ như mọi hôm nhưng anh chị không còn lo. Họ ngồi nơi phòng khách nói chuyện vui và chờ con. Và rồi, nó về, mang theo cả niềm vui. Nó bảo vừa ở chỗ rạp xiếc và được nghe chuyện cảm động về một người hảo tâm tặng vé vào xem cho các bạn lang thang cơ nhỡ. Đây là lần đầu được xem xiếc trong rạp nên các bạn ấy thích lắm, ai cũng cảm ơn người cho vé nhưng người đó giấu tên. Thằng bé xuýt xoa: “Sao có người tốt thế!”. Anh nhìn con trìu mến:“Người tốt ở quanh ta mà con”. Chị bất chợt xen vào:“Việc con làm cũng tốt đó thôi”.

Thằng bé tròn mắt nhìn ba mẹ, thoáng ngạc nhiên lẫn niềm vui long lanh  trong đôi mắt trẻ.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa tấm gương “người tốt, việc tốt”

“Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Lan tỏa tấm gương “người tốt, việc tốt”
“Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp”

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhiều mô hình cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa mạnh mẽ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; xứng đáng với lời dạy của Bác: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp”.

“Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp”
Người tốt & việc tốt

Câu chuyện giữa tôi và bác sĩ Đoàn Văn Quýnh, Nhà giáo Ưu tú, bác sĩ phụ trách Phòng khám Thiện Sanh (TP. Huế) thật nhiều cảm xúc khi nói đến những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành y. Bác sĩ Quýnh giãi bày: “Trong xã hội, nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp, nhưng riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Muốn làm tốt công việc của mình, bản thân người thầy thuốc còn phải luôn luôn rèn đức, hướng tâm, hướng thiện, hết lòng hết sức tận tụy phục vụ người bệnh”.

Người tốt  việc tốt
Return to top