ClockThứ Tư, 24/02/2016 09:59

Người trẻ mê biển

TTH.VN - “Đã theo nghiệp “ăn sóng nói gió” là một đời gắn bó với biển”, thật mừng khi câu nói đó xuất phát từ những ngư dân trẻ tuổi.

Mê biển

Đối với những ngư dân đánh bắt gần bờ, thời điểm này, tiết trời dường như chưa cho phép họ giông buồm vượt sóng. Những chiếc thuyền nan công suất 8 – 12CV, xếp hàng trên bãi cát dài. Tôi gặp Lê Văn Mĩnh (29 tuổi, thôn 10, Điền Hòa, Phong Điền) khi anh ngồi trên bãi cát, hướng ánh mắt về phía biển.

Lê Văn Mĩnh quyết tâm theo đuổi nghề đi biển

Mĩnh là một thanh niên trẻ, chưa vợ, dáng người thấp đậm nhưng nước da mặn mòi, cơ săn chắc. Anh mồ côi cha từ nhỏ, chẳng được học hành tử tế nên phải lang bạt khắp các thành phố lớn để làm thuê rồi học nghề sửa xe máy nhằm kiếm kế mưu sinh. Cách đây độ 3 năm, anh quyết định trở lại quê hương lập nghiệp bằng cái nghề ông cha để lại - nghề đi biển. “Trong thôn mình ít thanh niên đi biển mặc dù nghề này do ông cha để lại. Nhưng bây giờ, ai đi đâu, làm gì không biết chứ mình quyết trở về với ghe (thuyền) máy”, Mĩnh chắc nịch mở đầu câu chuyện.

Nói như Mĩnh quả  không sai khi ở các vùng bãi ngang, thanh niên đi biển ngày càng ít, bởi lẽ công việc này quá đổi cực nhọc. Mĩnh lại khác, anh sẵn sàng bỏ nghề sửa chữa xe máy có thu nhập khá ổn định ở thành phố để trở về đi theo “sóng gió”. Anh trở lại quê hương với một số vốn ít ỏi cùng kinh nghiệm nghiệp ngư gần như là số 0 tròn trĩnh. Hỏi tại sao làm thế? Mĩnh cười xòa: “Tổ tiên mình đều làm nghề đi biển. Biển nuôi sống cả gia đình từ bao đời nay nên dù có cực nhọc vẫn theo nghề này. Lúc nhỏ, trước khi học nghề sửa xe máy mình cũng có theo ba đi biển nhiều lần. Vì thế, trở lại nghề này không quá bở ngỡ. Mình không có ghe máy nên phải “đi hôi” (đi bạn) để có thêm kinh nghiệm từ những người đi trước và có thêm thu nhập”.

Hơn hai năm ròng “đi hôi”, kinh nghiệm sóng nước dày lên từng ngày. Bây giờ, Mĩnh rành con nước không thua gì những ngư dân lão luyện. Từ vùng nước nông đến vùng nước sâu, từ ổ mực đến ổ cá, Mĩnh thuộc trong lòng bàn tay. Ngồi bên những tay lưới mới coóng, Mĩnh nói: “Sắp đến mùa cá trích, mình phải mua lưới loại này mới đánh bắt hiệu quả được. Mua được vàng lưới này cũng nhờ “đi hôi” đấy. Có lưới, mỗi chuyến biển trở về mình có thêm một cổ phần nữa. Thu nhập vì thế tăng lên”.

Tôi cố ý hỏi thật sâu về kinh nghiệm đi biển như để trắc nghiệm anh ngư dân trẻ tuổi, thế là Mĩnh chia sẻ một loạt “bí kíp” khiến tôi chẳng thể nào theo kịp. Nào là ra tre khơi, vào tre lộng; bủa đàn, bủa nổi; nước vàng, nước thẳng; nhìn trăng, đoán hướng… Mĩnh chia sẻ: “Dân ở mình chỉ đánh bắt gần bờ, không có những tàu cá to, máy móc hiện đại như ở các nơi khác nên ngoài các loại lưới phù hợp thì cần kinh nghiệm đánh cá, xác định luồng cá rồi đưa ra phương thức đánh bắt hợp lý. Ví dụ, sắp đến mùa cá trích, muốn đánh bắt có hiệu quả cần có kinh nghiệm xác định luồng cá và biết lúc nào ra khơi, lúc nào vào lộng, lúc nào bủa đàn, lúc nào bủa nổi. Đối với mùa cá nục thì cách bố trí lùm tre quan trọng. Và tùy theo hướng cá mà bủa trong tre hay ngoài tre”.

Trước khi chia tay, Mĩnh nháy mắt: “Năm nay, mình hết “đi hôi” rồi, mình vừa đặt mua chiếc ghe ở Quảng Trị, chuẩn bị đưa vào. Có ghe máy, mình sẽ chủ động công việc, không phụ thuộc vào người khác nữa. Mơ ước có ghe riêng từ lâu đã thành hiện thực”. 

Chủ tàu cá 820CV

Con tàu mới cứng mang số hiệu TTH – 91666 neo nơi bến cảng chờ ngày vươn khơi. Chủ tàu, anh Nguyễn Văn Diện (sinh năm 1978, tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Phú Vang) đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đầu năm. 15 năm gắn bó với nghề đi biển, ngư dân trẻ Nguyễn Văn Diện bây giờ mới sắm cho mình được một chiếc tàu cá riêng có công suất lên đến 820CV. Anh Diện bảo: “Chiếc tàu mới cứng sẽ lần đầu tiên đạp sóng vươn khơi trong vụ cá Nam năm nay. Để đóng được con tàu này mình phải gom góp vốn từ nhiều năm đi bạn và vay mượn từ nhiều nguồn”.

Nguyễn Văn Diện bên chiếc tàu có công suất 820CV

Cũng như bao thanh niên miền biển khác, từ nhỏ Nguyễn Văn Diện đã gắn bó với biển. Lớn lên, thay vì ngược xuôi các thành phố lớn kiếm kế sinh nhai, Diện ở lại quê hương lập nghiệp bằng nghề tổ tiên truyền lại, mặc dù những năm tháng đầu tiên theo nghiệp sóng nước Diện phải chạy đôn, chay đáo xin thuyền bạn để ra khơi.

Nhiều năm liền đi biển, Diện học hỏi không ít kinh nghiệm sóng nước từ các chủ tàu. Diện kể: “Ông cha lấy nghề đi biển làm kế sinh nhai nên từ nhỏ mình đã ý thức theo đuổi nghề này. Hồi đó, không có tàu to, phương tiện kỹ thuật hiện đại như bây giờ. Đánh cá dựa vào kinh nghiệm. Gia đình mình không có thuyền riêng  nên muốn đi biển phải xin làm bạn với các chủ thuyền rồi theo họ vươn khơi tính công từng ngày tùy vào sản lượng”.

Nói về thu nhập những năm tháng làm bạn thuyền, Diện bộc bạch: “Đi bạn mình chỉ ăn được 1 cổ phần, giống như đi làm công cho họ. Hôm nào đánh bắt nhiều thì cổ phần mình nhiều, còn ít thì ăn ít. Thu nhập phập phù, không được bao nhiêu, ước chừng mỗi năm đi bạn kiếm khoảng 35 triệu đồng”

Giờ đây, Nguyễn Văn Diện đã là thuyền trưởng của chiếc tàu có công suất thuộc vào loại lớn ở thị trấn Thuận An. Suy nghĩ của anh bây giờ cũng đổi khác. “Lúc đi bạn, mình chỉ lo cho cá nhân. Bây giờ đã là chủ thuyền, không chỉ lo lắng cho riêng bản thân mà phải quan tâm nên đời sống của 15 bạn thuyền. Lúc trước, mình đi bạn có những nỗi khổ gì thì mình cũng đã hiểu. Do vậy, sự sẻ chia với bạn thuyền là điều quan trọng", anh Diện chia sẻ.

“Không chỉ ở thị trấn Thuận An mà nhiều nơi khác cũng có nhiều người trẻ tuổi theo nghề đi biển. Riêng Thuận An, nhiều ngư dân trẻ trước đây đi bạn để kiếm sống thì bây giờ họ đã trở thành chủ tàu có công suất lớn như Nguyễn Văn Diện, Dương Văn Đe, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Văn Me…”, Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB ngư dân trẻ thi trấn Thuận An cho biết.   

Lê Thọ

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức trẻ ở đại dương

Với mục đích tăng cường lực lượng trẻ vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, Câu lạc bộ (CLB) "Ngư dân trẻ" thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) được thành lập cách đây 6 tháng.

Sức trẻ ở đại dương

TIN MỚI

Return to top