ClockChủ Nhật, 12/11/2017 14:31

Người vẽ yêu thương

TTH - “Người Huế mình thiệt quý, quý như kỳ nam”, người bạn đã thốt lên với tôi như thế sau khi xem triển lãm tranh của nữ họa sĩ Bội Trân tại khu nhà vườn của chị.

 Cách đây hơn 20 năm, chị là gương mặt nổi trội trong giới mỹ thuật Huế với việc mở phòng tranh cá nhân tại nhà riêng ở đường Trần Hưng Đạo và ở khách sạn Morin. Chị được xem là nữ họa sĩ đầu tiên của Huế mở phòng tranh riêng, chính thống và sang trọng.

Nữ họa sĩ Bội Trân

Và cũng đã 15 năm trôi qua kể từ ngày con trai chị mất khi cứu bạn, chị rút lui về với khu nhà vườn của mình, vẽ những nỗi đau từ trái tim. Cũng đều đặn trong lặng thầm, kỷ niệm ngày mất của con, chị triển lãm những tác phẩm của mình tại nhà. Những bức tranh của người đàn bà đã đi qua nhiều giông bão của cuộc đời, người xem như nghe thấy vang lên những tiếng nguyện cầu thánh thiện trong mảng tranh thiếu nữ - một mảng đề tài lớn của Bội Trân.

Đó là tiếng nguyện cầu cho yêu thương, cho hòa bình, cho lòng nhân ái mà chị mượn hình ảnh thiếu nữ để thể hiện như lời chị thì thầm “Những gương mặt, dáng dấp thiếu nữ chỉ là cái cớ, còn nội dung nằm bên trong”. Chị vẽ thiếu nữ “chín” đến độ đã định hình một phong cách tranh thiếu nữ riêng của mình mà người thưởng lãm tranh chị nhiều sẽ nhận ra nét riêng ấy: luôn trong trang phục áo dài, mái tóc đen dài, đôi mắt to, chiếc cổ cao, thánh thiện phảng phất một nỗi buồn sâu kín đằng sau vẻ hiền dịu.

Và chị đã vẽ những dấu mốc đi qua cuộc đời mình: vui, buồn, yêu thương, hy vọng trong hình hài những thiếu nữ mảnh mai mà ẩn chứa một sức dẻo dai, sự can trường.

Tiếp xúc với Bội Trân, xem tranh của chị và lặng nhìn những việc chị làm càng thấy chị đúng là một con người mang đậm chiều sâu văn hóa Huế: lặng thầm làm việc, không khoe khoang và để công việc, tác phẩm nói lên tất cả. Chị vẽ, nấu ăn, đọc sách, làm vườn, kiến thiết xây dựng nhà cửa… mà cái gì chị làm cũng đều chu đáo, tuyệt vời.

và những tác phẩm của mình

Với nghề vẽ, sức nặng của nữ họa sĩ Bội Trân được thể hiện ở đẳng cấp quốc tế. Chị là nữ họa sĩ duy nhất ở Việt Nam gần 10 năm nay liên tục được mời gửi tranh bán đấu giá ở Christie’s và Sotheby’s - hai hãng đấu giá danh tiếng nhất thế giới với lịch sử thành lập hơn 250 năm. Trước Bội Trân, Huế có nữ họa sĩ Lê Thị Lựu nhưng nay bà đã mất. Chị cho rằng không phải chị giỏi mà do chị có duyên may. Nhưng may mắn đâu dài đến gần 10 năm với hai hãng bán đấu giá lừng lẫy như thế. Phải thực sự có tài, tranh có chất lượng, có tư tưởng mới đứng vững ở “chiến trường” thực lực ấy. Người xem tranh có thể nhìn thấy bản lĩnh Huế kiên cường trong con người chị, đó là nghị lực vươn lên, vượt qua nỗi đau. Nhờ vẽ mà chị “sống” được sau ngày mất con, nhờ vẽ mà chị thấy mình hạnh phúc, thấy mình tồn tại.

Chị bảo trong cuộc đời chị may mắn nhận được nhiều yêu thương từ những người tài hoa và đức độ, đã giúp chị tự hoàn thiện mình bằng tình thương của sự thấu hiểu, quý mến. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tấm gương cho chị về lòng vị tha; dịch giả Bửu Ý cho chị về sự cố gắng không ngừng nghỉ để hoàn thiện nhân cách, còn thầy Nguyễn Trung thì dạy chị về đức điềm tĩnh…

Câu chuyện bên giá vẽ với người nữ họa sĩ vừa bước sang tuổi 60, đã đi qua nhiều biến cố của cuộc đời nhưng vẫn mỉm cười, cư xử nhẹ nhàng, đã cho tôi câu trả lời tại sao tranh chị không tràn ngập nỗi buồn mà đầy nét bình yên như thế. Như lời chị nói, chị nhận yêu thương nên từ trong trái tim, chị luôn cảm ơn chân thành đến cuộc đời. Tiếng nói chân thật nhất của người nghệ sĩ là tác phẩm. Đó không còn là câu chuyện của riêng chị mà là của tất cả  nghệ sĩ.

Bài, ảnh: XUÂN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa hoa bình yên

Sáng nay trời trở lạnh. Cái lạnh mang hơi hướm của một tiết xuân đang đầy. Mưa lún phún rơi nhẹ trên những luống cải ngồng đang vàng hoa. Mùa hoa cải của ngày tháng đầu năm ở Huế mới đẹp làm sao. Cả một bãi dài là màu xanh êm dịu và màu vàng thắm đượm dưới mắt tơ. Hoa cải mang mùi ngai ngái, vất vưởng khó tan. Hương cải theo gió bay xa.

Mùa hoa bình yên
“Nồi cháo yêu thương”

Những phần cháo dù nhỏ, giá trị không lớn, nhưng lại chứa đựng tấm lòng yêu thương của những sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế.

“Nồi cháo yêu thương”
“Trái tim biển” mặn mòi yêu thương

Ở Phú Hải, một xã nơi chân sóng thuộc huyện Phú Vang, có một “Trái tim biển” lặng lẽ yêu thương, lắng đọng mặn mòi, để cuộc đời mãi tươi xanh sự sống.

“Trái tim biển” mặn mòi yêu thương

TIN MỚI

Return to top