ClockThứ Bảy, 09/11/2019 07:00

Người Việt Nam xây dựng Cố cung Bắc Kinh

TTH - Thời đang là sinh viên Đại học Tổng hợp Huế, trong giờ học Hán Nôm với thầy Nguyễn Đình Thảng, chúng tôi được thầy dạy rằng, Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) là do Nguyễn An, một người Việt chúng ta xây dựng.

Huế đẹp hơn qua ống kính của các nhà nhiếp ảnh

Vẻ đẹp của Kinh thành Huế do các nghệ nhân Việt Nam tạo dựng mãi trường tồn với thời gian (ảnh minh họa)

Thông tin trên làm chúng tôi hết sức tự hào, nhưng lại quên, phần nữa là do không phải chuyên ngành của mình theo đuổi, nên đã không hỏi lại thầy là căn cứ tư liệu ở đâu.       

Sau này đi làm, nhân đến làm việc với một đơn vị du lịch, khi trò chuyện về di tích lịch sử văn hóa, tôi buột miệng khoe thông tin mà thầy tôi đã dạy. Cứ tưởng sẽ làm lan tỏa lòng tự hào dân tộc đến đối tác, ai dè anh này-là lãnh đạo đơn vị du lịch nọ- đã nói gần như “mắng” vào mặt tôi, rằng là tự hào nhảm nhí, vô căn cứ. “Tàu nó… đẻ mình ra, công trình nó khủng khiếp lắm, học còn chưa được, ở đó mà thiết với kế, xây với dựng!”. Anh ta làm một mách khiến tôi ngồi nghệch mặt chẳng biết phải chứng minh ra làm sao. Đành “ôm hận” hy vọng có ngày giải tỏa…

Rồi công việc chuyên môn, cơm áo gạo tiền thường nhật cứ cuốn đi khiến tôi cũng quên luôn “mối hận” ngày xưa cũ. Chiều cuối tuần lang thang dạo phố, chân lạc bước ghé vào một chiếu sách cũ nép bên vệ đường. Một cuốn sách màu vàng nâu nhàu nhĩ khiêm tốn nép mình ở góc xa. Tôi cầm xem, thấy tên sách đề “Chuyện về các quan thái giám trong lịch sử phong kiến Việt Nam”. Sách của tác giả Phạm Minh Thảo, xuất bản năm 2010. Cầm lên lật một số trang. Bất chợt, cái tên Nguyễn An đập vào mắt. Chẳng cần suy nghĩ, tôi rút ví mua ngay. Về nhà, câu chuyện về nhân vật có cái tên Nguyễn An tất nhiên là ưu tiên một. Bằng việc tham khảo các sử liệu, tác giả Phạm Minh Thảo đã cho người đọc biết chân dung nhân vật Nguyễn An như sau:

Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (1381), quê ở vùng Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Thời vua Trần Thuận Tông nhà Trần, Nguyễn An lúc ấy đang lứa tuổi thiếu niên đã tham gia các hiệp thợ xây dựng cung điện ở kinh thành Thăng Long. Năm 1407, nhà Minh đánh bại nhà Hồ, tướng nhà Minh là Trương Phụ ngoài việc bắt cha con Hồ Quý Ly cùng toàn bộ triều đình nhà Hồ đem về Trung Quốc còn lùng bắt các thanh thiếu niên trai trẻ tuấn tú của Việt Nam mang sang Trung Hoa, chọn để hoạn làm thái giám phục vụ trong cung vua nhà Minh. Nguyễn An không may cũng nằm trong số này.

Sương sớm Đại nội (ảnh minh họa)

Những năm Vĩnh Lạc, Minh Thành Tổ cho dời đô từ Nam Kinh lên Yên Kinh, đổi tên là thành Bắc Kinh và cho xây dựng lại to đẹp hơn, vua thấy Nguyễn An rất giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc xây dựng, lại liêm khiết hiếm thấy nên tin dùng. Năm Vĩnh Lạc 14 (1416) theo lệnh của Minh Thành Tổ, Nguyễn An được giao trọng trách “tổng công trình sư” xây dựng thành Bắc Kinh mới (Cố cung). Đến đời vua Minh Anh Tông thành Bắc Kinh lại được trùng tu và xây dựng bổ sung. Năm 1437, vua Minh Anh Tông giao cho bộ Công xây dựng lại kinh thành, viên Thị lang bộ Công là Sái Tín tâu xin trưng dụng 18 vạn dân phu giỏi nghề và chi tiêu tốn kém, nhưng dự kiến phải 5 năm mới xây xong; vua Minh thấy vậy liền giao cho Nguyễn An làm tổng đốc công (tổng công trình sư) trùng tu thành Bắc Kinh. Sách Kinh thành ký thắng của Dương Sĩ Kỳ viết: “…Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ Công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng.”

Nguyễn An sau đó còn được vua nhà Minh giao xây dựng Thành nội tức là Hoàng thành (thêm hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ, và dinh thự công sở các ty), Thành ngoại với 9 cửa kinh sư: cửa Chính Dương (có 1 chính lầu và 3 gian Nguyệt thanh lâu (lầu ngắm trăng), và các cửa: Sùng Văn, Tuyên Vũ, Triệu Dương, Phụ Thành, Đông Trực, Tây Trực, An Dinh, Đức Thắng (mỗi cửa này đều có 1 chính lầu và 1 Nguyệt thanh lâu). Công việc trên được ông chỉ huy thực hiện hoàn thành trong hơn hai năm, rút ngắn tiến độ được gần một năm, mà lại chỉ dùng hết một vạn nhân lực để thi công. Tháng 3 năm Chính Thống thứ 5 (1440), ông lại được nhà vua giao cho 7 vạn thợ và lệnh cho xây dựng và trùng tu ba điện: Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân, cùng hai cung: Càn Thanh, Khôn Ninh (hai cung, ba điện này được xây xong năm 1420, nhưng năm 1421 lại bị sét đánh hư hại). Đến tháng 10 năm sau (1441) thì công việc này xong, vua nhà Minh thưởng cho Nguyễn An: 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấn thóc và 1 vạn quan tiền. Đến tháng 10 năm Chính Thống 10 (1445), ông được giao xây dựng lại tường thành Bắc Kinh, vốn trước bên ngoài xây bằng gạch nhưng ở trong đắp đất nên hễ mưa là sụt.

Những trận lụt lớn trên sông Hoàng Hà vào các năm 1444 - 1445, vua nhà Minh đều tín nhiệm cử ông đến hàn khẩu đê điều ở những nơi xung yếu nhất, chỉ đạo xây dựng lại các công trình trị thủy sông Hoàng Hà. Nguyễn An còn trị thủy con sông Tắc Dương ở thôn Dịch, nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương. Ông đích thân chỉ đạo đào đắp các công trình thủy lợi rất lớn. Năm Chính Thống thứ 14 (1449), Nguyễn An được cử đi tuần tra tuyến kênh đào từ Thông Châu đến Nam Kinh. Năm 1453, niên hiệu Cảnh Thái thứ tư, đời Minh Đại Tông (Cảnh Đế), sông Trương Thu ở Sơn Đông vỡ đê, tu sửa mãi không xong, ông lại được vua nhà Minh cử đến trị thủy, không may trên đường đi thì mất. Trước khi mất, ông trăn trối: Đừng xây lăng mộ, nên đem toàn bộ của cải của ông góp vào quỹ công để phát chẩn cho dân bị lụt ở Sơn Đông, nơi ông đang đi mà chưa tới.

Các công trình do Nguyễn An thiết kế và xây dựng ở Trung Quốc vẫn còn lưu dấu là:

Cửa Chính Dương, còn gọi là Tiền Môn, ở phía Nam quảng trường Thiên An Môn, ngày nay vẫn tồn tại, là cửa chính trong 9 cửa của Ngoại thành, xây dựng năm 1437 - 1439.

Ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân, được xây năm 1417 - 1420, trùng tu 1440 - 1441, sau này nhà Thanh đổi tên lần lượt thành Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa.

Hai cung Càn Thanh cung và Khôn Ninh cung, được xây năm 1417 - 1420, trùng tu năm 1440 - 1441.

Dinh thự công sở các cơ quan triều đình: phủ Tôn Nhân; các bộ: Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công; Hồng Lô Tự, Khâm Thiên Giám, Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học (Quốc Tử Giám)... Trong các công trình này, nay còn lại Quốc Học tức là Thư viện Thủ đô Bắc Kinh ngày nay.

Tường thành Bắc Kinh cả mặt trong và mặt ngoài cao gần 11m, nền tường thành dày 19,280m, mặt thành rộng 15,550m.

Nghiên cứu viết về Nguyễn An, nhà sử học Trương Tú Dân ở Thư viện Bắc Kinh đã nhận xét: “Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan trăm ngàn người không được một. Còn Nguyễn An hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng nào trong túi, là một con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An là người kiệt xuất trong hoạn quan, công với quốc gia không thể phai mờ. Ngày nay tên Tam Bảo thái giám, đàn bà trẻ con đều tỏ tường, còn tên nhà đại kiến trúc Nguyễn An - A Lưu thì ngay học giả, chuyên gia ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay. Tôi nghĩ, với An không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên.”

Một con người đầy nhân cách và có công lớn với lịch sử Trung Quốc như vậy mà ngay cả người Trung Quốc - như nhận xét của nhà sử học Trương Tú Dân - cũng còn “ít ai hay biết”, không trách khi đề cập đến ông, vị lãnh đạo của đơn vị du lịch mà tôi nhắc ở đầu bài đã tỏ ra hồ nghi, thậm chí còn cho rằng tôi… bốc phéc. Những thông tin mà tôi vừa may mắn tiếp cận, có thể là hơi muộn màng, hy vọng sẽ đến được với ông; cũng như sẽ giúp cho tôi, cho bạn vững tin mà tự hào về nhân cách và tài năng của người Việt Nam ta trong cộng đồng các dân tộc thế giới.

Bài, ảnh: HY KHẢ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024
Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp. Công tác giám sát vấn đề này đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top