ClockThứ Ba, 20/02/2018 11:58

Nguồn biển

TTH - Với truyền thống hơn 500 năm, làng đôi Diêm Trường- Phụng Chánh (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) kế nghiệp biển theo cha ông ngày xưa. Ở một xã đầm phá nhưng xây dựng được đội tàu đánh bắt ở các ngư trường xa tận Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng là một điều đáng nể.

Hiến kế bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biểnTạo ra điện từ nước biểnGần 600 tỷ đồng đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biểnMạch nguồn giữ biểnĐồng hành cùng học sinh vùng biển

Tiếng từ “Ô Châu”

Diêm Trường - Phụng Chánh không chỉ biết đến với tên gọi thân thương “làng đôi” bởi cư dân nơi đây nhiều đời gắn bó, sống chan hòa tình cảm chung đình làng, chung chợ... Theo “Ô Châu cận lục” (Dương Văn An), nơi đây nổi tiếng với nghề làm muối, xả ván đóng thuyền và dệt chiếu cói.

Ước mơ vươn khơi xa của cư dân Diêm Trường - Phụng Chánh 

Xưa, nghề muối khá thịnh ở Diêm Trường - Phụng Chánh, cực thịnh dưới thời vua Gia Long. Kỹ thuật làm muối được học từ vùng Quảng Nam ra. Vào tháng 3-4 (AL), trời hanh khô nắng, những xứ đồng bên kia đầm Cầu Hai đất bị nhiễm mặn, không canh tác được sẽ trở thành ruộng muối phục vụ sinh kế người dân trong làng.

Ông Trần Hưng Long, một người già trong làng kể, theo sử sách, xứ đồng Văn Chỉ nằm ven đầm Cầu Hai vào mùa khô sẽ trở thành những ruộng muối. Nước lấy từ vùng cửa biển Tư Hiền. Để tạo những ruộng muối và “khuôn” giữ nước mặn, diêm dân dùng đất sét thịt có sẵn ở những xứ đồng trong làng đắp, nện thành nền, tạo thành ruộng muối.

Hạt muối không chỉ phục vụ nhu cầu trong làng mà còn theo các thương thuyền đi nhiều nơi trong tỉnh. Ông Phạm Tấn Xiêm, Trưởng làng Diêm Trường cho hay, sử làng có ghi lại, đất Diêm Trường- Phụng Chánh có hai “đặc sản” vang danh là muối và đất thịt nung gốm. Mỗi khi kinh thành Huế có nhu cầu trưng dụng muối, làng Phước Tích đều lấy nguyên liệu Diêm Trường. Hạt muối mang vị mặn mòi của biển, qua nung trong lò gốm Phước Tích trở nên thanh, dịu hơn, sau đó mới tiến cung. Đất sét thịt từ những xứ đồng của làng cũng được nghệ nhân làng gốm chọn mua bởi đặc tính dẻo, đa sắc, phục vụ cho việc nung những mẻ gốm nức tiếng làng nghề.

Đất quý của làng thì đến nay chưa có nghiên cứu mang tính khoa học nào để chứng minh. Nhưng ông Xiêm nhớ lại, vào thời kỳ đất nước đổi mới, nhiều HTX tìm đến mua lại đất ruộng làm gạch, nung gốm nhưng các cụ cáo niên nhất quyết không bán.

Xứ đồng Văn Chỉ - nay là những vuông tôm trù phú với diện tích hơn 20ha. Trên khoảnh đất rộng mênh mông - là ruộng muối năm xưa, có đình Văn Chỉ thờ đức Khổng Tử và các bậc tiền bối của làng. Gần đó là Nhà thờ làng Diêm Trường- thờ 52 họ tộc và 3 họ khai canh, khai khẩn. Trong sân, còn có miếu bà Trà Quận Công. Ông Xiêm tự hào: “Trong làng xưa có nhiều vị đóng góp cho thủy binh triều Nguyễn. Nhờ truyền thống giữ đất, giữ nghề biển mà đến nay con cháu hai làng có nên mảnh đất còn nguyên hình hài cha ông buổi đầu khai phá. Đó là “mạch nguồn” truyền thống của làng không hề hai nhạt”.

“Cốt” biển trong máu

Ông Trần Hưng Long đúc kết, qua bao thăng trầm, người dân vẫn bám biển làm giàu bởi cốt cách, gốc gác cư dân làng biển vốn đã ăn sâu trong máu.

Bà Hoàng Thị Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cung cấp một con số khá “khiêm tốn”: Toàn xã có hơn 150 phương tiện tàu thuyền đánh bắt các loại, công suất từ 20-900CV với khoảng 400 hộ dân tham gia khai thác trên biển, đầm phá. Sản lượng đánh bắt đạt hơn 300 tấn/năm (trong đó, riêng tàu xa bờ khoảng 100 tấn). Tuy nhiên, chỉ là một xã đầm phá nhưng xây dựng được đội tàu đánh bắt ở các ngư trường xa tận Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng là một điều đáng nể.

Ở Vinh Hưng chỉ có đội tàu xa bờ đánh bắt ngoại tỉnh và thôn đầm phá Trung Hưng nhưng đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương cũng như đảm bảo đời sống cho người dân nơi đây. Để có một “cuộc hẹn” với những chủ tàu đánh bắt ngư trường xa thật không phải dễ bởi quanh năm suốt tháng, họ đã trở thành “những người con của biển”, ăn ngủ với sóng gió.

Chủ tàu Trần Thuận (thôn Phụng Chánh) đã cho tôi cái hẹn sau chuyến đi biển với con “tàu 67” thành công. Dám đầu tư con tàu trị giá tiền tỷ không phải là chuyện giản đơn, song ông chủ thuyền 8X này cho thấy tinh thần bám biển và ý chí làm giàu không hề thua kém ai. Anh Thuận nói: “Thuyền đang chờ thời tiết thuận trở lại để ra Quảng Ninh cùng với đội tàu địa phương đánh bắt tôm, cá, mực xuất khẩu. Biển ngoài kia có thể làm nghề gần như quanh năm. Cả đội tàu anh em trong xã giờ đều làm nghề ngoài đó, làm ăn rất khá”.

Ông Trần Cảng, Chủ tịch Chi hội Nghề cá thôn Trung Hưng thông tin, đội tàu đánh bắt xa bờ của thôn có 25 chiếc, công suất từ 60-900CV, hoàn toàn là lao động tại địa phương. Bình quân mỗi tàu có từ 5-6 lao động, thu nhập bình quân 60-70 triệu đồng/người/năm. Các tàu này tham gia đánh bắt các loại tôm, mực và cá xuất khẩu ở các ngư trường Quảng Ninh, Hải Phòng.

Vừa đón chuyến xe khách từ Hải Phòng về thăm quê, ngư dân Trần Thanh Quang, chủ tàu công suất 750CV ở thôn Diêm Trường cho biết, nhờ hoạt động theo “đội đoàn” nên các chủ tàu dù làm ăn xa khơi, nơi vùng biển xứ người vẫn hỗ trợ nhau trong đánh bắt, tiêu thụ hải sản. Mỗi chuyến đi của các thuyền trong tổ đội từ 1-2 ngày, hải sản đánh xong sẽ có đầu mối của thương lái từ chợ Đầu Hà, Hà Cối (Quảng Ninh) thu mua ngay trên biển. Mỗi chuyến thu nhập từ 15-20 triệu đồng, trừ chi phí, chủ tàu cũng lãi 4-5 triệu đồng/chuyến. “Nghề biển sống xa nhà, một năm không lãi được vài trăm triệu thì xem như thất bại. Mình tích lũy đó, đến lúc thay máy, cải hoán tàu thuyền, bao nhiêu chi phí nữa. Mỗi lao động trên tàu đều được “hạch toán” tiền công theo từng năm. Ngày Tết về cũng là lúc đội tàu xa quê trở lại Huế với nhiều hy vọng cho một chuyến “ra quân” mới gặt hái được nhiều thành quả”, ngư dân Trần Thanh Quang trải lòng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

Chiều 14/3, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh do Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động và nói chuyện truyền thống với 115 chiến sĩ mới (CSM) đang được huấn luyện tại đơn vị.

Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới
Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), Lê Phước Long (sinh năm 1996) mê bộ môn vật ngay từ lúc nhỏ. Chính thức bước lên sới vật để thi đấu năm 16 tuổi, đến nay Long đã đạt được những thành tích đáng kể với bộ môn thể thao truyền thống này.

Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống
Return to top