ClockThứ Bảy, 28/10/2017 06:01

Nguy cơ lở núi đe dọa hàng chục hộ dân

TTH - 14 hộ dân sống dưới chân đèo Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, Phú Lộc) phản ánh, hơn 10 năm qua, họ phải sống trong lo âu trước nguy cơ núi lở rình rập.

Những vết nứt đe dọa sạt lở tại khu vực đèo Phú Gia

Sống thấp thỏm dưới “quả bom” đất

Đứng ở Quốc lộ 1A nhìn vào đèo Phú Gia thuộc thôn Phú Gia dễ dàng quan sát thấy hai dải đất bị nứt và sụp xuống tạo thành khoảng rộng giống như ruộng bậc thang. Vết nứt thứ nhất dài khoảng 250m, rộng 3m nằm ngay trên khu dân cư. Vết nứt thứ hai dài khoảng 150m, rộng 2m, cách vết nứt thứ nhất khoảng 200m.

Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Tiến, nguyên nhân làm cho núi bị nứt là vào năm 1996, gần đó có mở một mỏ đất để phục vụ thi công cảng Chân Mây. Phần đất ở dưới chân núi đa phần đã bị lấy đi, dẫn đến hỏng chân núi, gây ra hiện tượng núi nứt và sụp xuống. Hiện kết cấu của đất núi rất yếu, nơi đây lại ít cây cối, nếu mưa lớn kéo dài thì khả năng nước thấm vào đất, rất dễ sụp xuống vùi lấp nhà ở và đe dọa tính mạng người dân.

Nhà của ông Ngô Trữ nằm ngay ở phía dưới chân đèo Phú Gia, chỉ cách vết nứt khoảng 20m bằng con đường dân sinh nhỏ.  “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa, nhà tôi và mọi người phải sống trong lo sợ. Mỗi lần nghe báo mưa lớn là cả nhà phải đến trú nhờ nhà người thân, chỉ mình tôi ở lại giữ nhà. Đã hơn 10 năm qua, người dân chúng tôi vẫn sống như thế, ảnh hưởng quá lớn đến công việc và sinh hoạt”, ông Trữ lo lắng.

Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UND xã Lộc Tiến cho hay, không phải trong năm nay mới triển khai các phương án di dời dân trong mùa mưa mà đã kéo dài 10 năm qua.  Mỗi lần có bão, hay mưa kéo dài, sẽ có một tổ công tác về thông báo và yêu cầu các hộ dân đi nơi khác, khi nào hết mưa thì quay về nhà. Có hộ không đi, UBND xã buộc phải cưỡng chế nhân đạo với phương châm bảo đảm tính mạng trước rồi mới bảo vệ tài sản.

Theo thống kê của UBND  huyện Phú Lộc, trước đây tổng cộng có 21 hộ dân bị ảnh hưởng, nguy cơ lở núi làm lấp nhà. Qua khảo sát gần đây thì còn lại 14 hộ. Trong 14 hộ này, đặc biệt có 6 hộ nằm ngay dưới chân núi đoạn bị nứt.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, một trong 6 hộ dân nhà nằm ngay dưới chân núi cho hay, khi núi bắt đầu bị nứt và sụp xuống, các cơ quan chức năng có về khảo sát. Sau đó có cấp đất tái định cư, yêu cầu chúng tôi di dời và hỗ trợ 20 triệu đồng. Nhưng người dân chúng tôi không thể đi vì nơi ở mới không đủ điều kiện phát triển kinh tế, cộng với đó chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng thì không đủ xây dựng lại một ngôi nhà mới.

Vào năm 2006, có một đợt mưa lớn kéo dài kết hợp với bão  làm lở núi, khối lượng đất lớn sụp xuống san lấp một ngôi nhà. Rất may, trong nhà lúc đó có hai người và đều may mắn thoát chết. Hiện hộ dân này đã di dời đến nơi khác.

Chưa có giải pháp tối ưu

Ngày 16/8/2013, UBND huyện Phú Lộc có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xem xét bố trí kinh phí thực hiện tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng sạt lở đất tại chân đèo Phú Gia. Trong tờ trình có lập phương án chia làm hai giai đoạn để di dời. Giai đoạn một, di dời 9 hộ có nguy cơ ảnh hưởng cao với kinh phí 6,7 tỷ đồng (trong hai năm 2013-2014); giai đoạn 2 di dời 5 hộ còn lại kinh phí 5,3 tỷ đồng (trong hai năm 2015-2016).

Ông Mai Văn Xỉ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho hay, kinh phí 20 triệu đồng hỗ trợ cho mỗi hộ dân là theo quy định của Chính phủ về hỗ trợ tái định cư do thiên tai gây ra.

Người dân thôn Phú Gia lý giải, họ rất muốn đi đến nơi tái định cư. Nhưng phải có chế độ đền bù thỏa đáng, bởi vì nguyên nhân làm nứt núi và nguy cơ sạt lở như hiện nay là do mở mỏ đất chứ không phải do thiên tai gây ra. Trong khi đó, người dân đã sinh sống từ trước khi mở mỏ đất, nên di dời thì phải đền bù cho người dân.

Ông Vương Đình Cẩm cho biết, trong các lần tiếp xúc cử tri HĐND cấp tỉnh và huyện, UBND xã đều có các đề xuất sớm di dời người dân. Đã có nhiều phương án được đưa ra, riêng với địa phương, phương án hỗ trợ mỗi hộ dân 20 triệu đồng để di dời thì chưa phù hợp. Gần đây, UBND xã có đề xuất phương án lập tái định cư xen ghép, nhưng vẫn đang trong quá trình chờ đợi.

Theo ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc,phương án di dời người dân đã được thực hiện nhiều lần, nhưng vẫn chưa thống nhất. Hiện phương án duy nhất mà UBND huyện đang xử lý là mỗi lần mưa to sẽ chủ động di dời đến nơi an toàn.

Như thế, cho đến nay vẫn chưa thống nhất được một giải pháp nào để di dời 14 hộ dân tại chân đèo Phú Gia đến nơi an toàn. Thiết nghĩ các cấp cần sớm có biện pháp, tránh tai họa có thể xẩy ra đối với người dân.

Bài, ảnh: Đức Quang - Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
Có khả năng xuất hiện đợt lũ mới

Từ đêm ngày 1 đến ngày 3/12, trên các sông khu vực Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đề phòng sạt lở đất khu vực miền núi, ngập úng vùng trũng.

Có khả năng xuất hiện đợt lũ mới
Khắc phục sạt lở các tuyến giao thông “huyết mạch”

Sáng 16/11, lãnh đạo Văn phòng Quản lý đường bộ II.5 (Khu Quản lý đường bộ II) thông tin, mưa lớn làm đất, đá phía ta luy dương sạt lở gây ách tắc giao thông tại Km32 quốc lộ 49 và Km395 đường Hồ Chí Minh qua Thừa Thiên Huế.

Khắc phục sạt lở các tuyến giao thông “huyết mạch”

TIN MỚI

Return to top