ClockThứ Năm, 25/08/2016 14:10

Nguy cơ “sa mạc hóa” vùng cát nội đồng

TTH - Nhiều doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép khai thác cát trữ lượng lớn trên vùng cát nội đồng huyện Phong Điền, tiềm ẩn nguy cơ “sa mạc hóa”, làm ảnh hưởng nguồn nước sản xuất nông nghiệp, sạt lở và chôn lấp mồ mả của người dân.

Cả người sống lẫn người chết lo lắng

Từ khi mỏ cát trầm Bàu Bàng, xã Phong Chương (được Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty CP Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa, gọi tắt là công ty) đi vào hoạt động đến nay, người dân các thôn Trung Thạnh, Đại Phú, Lương Mai, hết sức lo lắng. Chị Phạm Thị Lệ Tình, một hộ dân ở thôn Trung Thạnh, cho biết: “Khoảng một tháng trở lại đây, công ty cho xe vào mỏ lấy cát, bụi tung mịt mù, một ngày phải quét nhà 4-5 lần vì cát không chỉ vào sân mà còn bay tới tận buồng ngủ”.

Khai thác cát của Cty CP Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa tạo thành những hố lớn, nguy hiểm cho người, gia súc

Đi vào khu vực mỏ cát, chúng tôi thấy nhiều hố sâu, ngập nước. Phía bên kia, rừng tràm đã bị lấy mất cát làm hỏng chân, rừng cây có thể ngã đổ. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng thôn Trung Thạnh cho biết: “Với tần suất khai thác như hiện nay, thì vùng cát sau này sẽ không còn trồng được cây gì. Khi mùa lũ về, số cây trồng chắn cát, nước bị cuốn mất sẽ gây nên hiện tượng lũ xé; mùa hạn thì không giữ được nước, khô hạn cây trồng sẽ chết. Chưa nói đến việc lấy đi tầng cát bề mặt sẽ gây nên hiện tượng cát bay cát lấp, chỉ một thời gian nữa thì Tỉnh lộ 6 sẽ “biến mất” do cát vùi”. Theo ông Tuấn, mỗi ngày, công ty điều hàng chục xe chở cát thô ra khỏi địa bàn. Số xe này chạy vào thời điểm khoảng 16 giờ chiều cho đến 5 giờ sáng.

Anh Hồ Văn Tiến, cán bộ Địa chính - Môi trường xã Phong Chương cho biết: “Khi có phản ánh của người dân, xã đã thành lập đoàn kiểm tra số cây bị thiệt hại. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 30 ha cây tràm từ 5-10 năm tuổi trên địa bàn xã của hội nông dân, hội phụ nữ và các cá nhân, trồng từ sự hỗ trợ của các dự án, vẫn chưa được đền bù. Trong khi đó, giai đoạn 1, công ty chỉ được phép khai thác ở khu vực đất trống, nên người dân bức xúc là có cơ sở”.

Tương tự, tại xã Phong Hiền, Công ty CP Tập đoàn Việt Phương (được Bộ TN&MT cấp phép khai thác khoáng sản cát thủy tinh), từ khi đi vào hoạt động khai thác cát tại đây, đã gây bức xúc trong Nhân dân cũng như chính quyền địa phương. Ngoài lo lắng về hoạt động khai thác cát ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp do làm cạn kiệt nguồn nước ở khu vực Bàu Niêng, Bàu Lầy, hiện nay, người dân Phong Hiền đang khó khăn trong việc chôn cất. “Vùng mỏ cấp cho công ty lên đến hơn 400 ha, chồng lấn lên vùng nghĩa địa. Nên khi có nhu cầu chôn cất, phía công ty gây khó dễ”, ông trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, nói.

“Qua mặt” địa phương

Ông Lê Viết Phước, Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết: Với mật độ khai thác khoảng vài nghìn tấn cát/ngày như hiện nay, hệ lụy về môi trường, đời sống người dân là rất lớn. “Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh vừa qua, người dân rất bức xúc, lo lắng trước việc khai thác cát ồ ạt của Công ty Khánh Hòa. Trước đó, khi về khảo sát, lập quy hoạch địa phương cũng không hề hay biết, đến khi phía Công ty đi vào khai thác địa phương mới biết. Do vậy, người dân thắc mắc, địa phương cũng không biết sao mà giải đáp”. Ông Phước cho biết thêm, vừa qua, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc khai thác cát của Công ty. Sau ngày đoàn kiểm tra làm việc, phía Công ty có giảm mật độ xe chạy, chuyển thời gian lấy cát vào chiều tối đến rạng sáng.

Ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền bức xúc: “Kể từ khi Công ty CP Tập đoàn Việt Phương đi vào khai thác cát (đầu tháng 8/2016) đến nay, không thông qua địa phương. Người dân lo lắng phản ánh, xã liên lạc với phía công ty thì không nhận được sự hợp tác. Trong khi đó, trong quyết định cấp phép của Bộ TN&MT nêu rõ, công ty phải có nhà máy chế biến sâu mới cho khai thác cát công nghiệp. Giờ công ty chỉ chở cát thô bán cho nhà máy chế biến sâu của công ty Vitto tại KCN La Sơn”. Theo ông Thiện, từ khi được cấp giấy đầu tư đến nay, khu vực công ty hoạt động mới chỉ xây được một công trình phụ. Trong khi đó, khi về đầu tư tại địa phương, công ty hứa hẹn nhiều đến việc giải quyết lao động, tạo công ăn việc làm và đầu tư nhà máy chế biến cát trắng.

Hiện nay, vùng cát nội đồng huyện Phong Điền, có 5 đơn vị được Bộ TN&MT cấp phép khai thác cát trên diện tích cả nghìn ha, nâng tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh được cấp phép khai thác trên 40 triệu tấn, với tổng công suất khai thác hàng năm hơn 1 triệu tấn. Vừa qua, Sở TN&MT cùng các cơ quan hữu quan đã kiểm tra việc xuất cát thô đối với các tổ chức khai thác cát trên địa bàn tỉnh. Sở yêu cầu 5 đơn vị trên nghiêm chỉnh chấp hành không xuất bán cát thô ra thị trường nước ngoài; đối với các công ty chưa có nhà máy chế biến sâu thì đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy theo cam kết đầu tư.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Trên tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, huyện Phong Điền đã cùng với một số sở ngành, làm việc cụ thể với Ban lãnh đạo các công ty khai thác cát trên địa bàn, nhằm tăng cường quy chế phối hợp, giám sát của địa phương”. Ông Hùng nhấn mạnh: “Mặc dù có giấy phép, thủ tục đầy đủ nhưng việc các công ty này không thông qua lộ trình khai thác với địa phương là điều không thể chấp nhận được. Do vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường chức năng giám sát, đảm bảo công tác hoàn thổ, tái tạo môi trường như cam kết đầu tư ban đầu”.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khoai lang, dưa hấu... trên vùng cát Quảng Công

Hàng chục ha lúa, vùng đất không chủ động nguồn nước tưới, thường nhiễm mặn được xã Quảng Công (Quảng Điền) chuyển đổi sang trồng khoai lang, dưa hấu... mang lại hiệu quả cao.

Khoai lang, dưa hấu  trên vùng cát Quảng Công
Khởi nghiệp từ mô hình nuôi lợn rừng

Nguyễn Đăng Long (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) được nhiều người biết đến không chỉ vì là một là một đảng viên trẻ, cán bộ đoàn năng động cùng các phong trào tuổi trẻ, mà anh còn là một thanh niên khởi nghiệp thành công từ mô hình liên kết nuôi lợn rừng ở vùng cát Điền Hòa.

Khởi nghiệp từ mô hình nuôi lợn rừng
“Xanh hóa” vùng cát

Hàng chục ngàn ha rừng trên cát ven biển ngày càng xanh tốt không chỉ chống cát bay, cát lấp mà còn bảo vệ, góp phần mang lại hiệu quả cho hơn 500 ha ao hồ nuôi tôm trên cát.

“Xanh hóa” vùng cát
LHQ: “Mỗi năm, thế giới mất 24 tỷ tấn đất đai màu mỡ”

Trong một thông điệp nhân Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6 hàng năm), Tổng thư ký LHQ António Guterres cảnh báo rằng thế giới đang đánh mất 24 tỷ tấn đất đai màu mỡ mỗi năm và sự suy giảm chất lượng đất đai là nguyên nhân làm giảm sản phẩm quốc nội lên tới 8%/năm.

LHQ “Mỗi năm, thế giới mất 24 tỷ tấn đất đai màu mỡ”
Return to top