ClockThứ Hai, 03/08/2015 10:51

Nguy hại nghiện game

TTH - Nghiện game, học sinh “cúp” giờ, học hành và sức khỏe đều sa sút, người lớn bỏ bê công việc. Để có tiền “nướng” vào game, không ít người sa vào trộm cướp, vi phạm pháp luật… Câu chuyện buồn này không mới, nhưng chưa bao giờ cũ...

Chuyện nơi quán net

10 giờ sáng, trước quán game ở đường Đặng Huy Trứ, TP. Huế (gồm hai phòng) kín xe máy, xe đạp. Lát sau một khách hàng “nhí” đạp xe đến, ngó nghiêng ý chừng sợ không còn chỗ. Nhân viên đon đả “còn máy, vào đi”. Cánh cửa mở ra rồi đóng lại “nuốt” cậu bé choai choai cỡ tuổi học sinh cấp hai vào trong. Chốc chốc, một vài thanh, thiếu niên dựng xe phía ngoài rồi cũng mất hút sau cánh cửa. Trưa đứng bóng, nhưng vẫn không khách nào rời quán. Một thanh niên cầm giấy bút từ bên kia đường chạy qua, cũng là lúc quản lý mở cửa dặn: “Hỏi từng người ăn món gì. Ghi cho kỹ. Cấm nhầm”. Đó là chủ hàng cơm bụi, chuyên phục vụ cơm trưa cho game thủ mải mê “ôm” máy vi tính xuyên trưa.
Những “game thủ” trong quán nét.
Giả vờ tìm hiểu thị trường game, chúng tôi được quản lý cho biết, khách của quán, một số chơi từ sáng đến tận chiều, có người “bám” luôn tới giờ đóng cửa (10 giờ đêm). Nhiều khách là học sinh, sinh viên “cúp” giờ học hoặc được nghỉ giữa chừng nhưng không về nhà mà “dọt” luôn tới quán, hoặc sinh viên sau kỳ thi đến đây để xả sì - trét. Trong số khách “chung thủy” từ sớm qua trưa đến chiều, đa số gọi cơm, nhưng cũng có người (thường là tuổi học sinh) nhịn bữa luôn, bởi hai lý do hoặc tiền chỉ đủ cho game hoặc quá “nhập vai” với các trò chơi, không thiết ăn uống. Cha mẹ phải tìm đến tận lôi cổ con về là “chuyện thường ngày” ở quán. Hỏi có bao giờ cha mẹ tới tìm con to tiếng ồn ào, quản lý lắc đầu bảo chưa từng xảy ra. “Đến tìm con, kéo con về là chuyện riêng của gia đình người ta. Ngày mai “ông con” đó tiếp tục tìm đến, tụi tui vẫn chào đón bình thường. Kinh doanh mà. Khách có tiền cứ chơi, trật tự không phá phách là được”. Vị quản lý còn “bật mí” một số chiêu để giữ chân khách, kiểu như “a lô là có”, “gọi là…ok”. Có nghĩa, trong quán lúc nào cũng có nước suối, nước ngọt sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách. Ngoài ra, quán còn “bắt tay” với tiệm cơm, đồ ăn các loại, khách có nhu cầu, nhân viên chỉ cần mở máy “a lô” (ngoại trừ bia rượu đề phòng khách say xỉn quậy phá).
Lúc quán game trên đường Lê Công Hành, TP. Huế, đang đắt khách, thì có hai người phụ nữ đèo nhau bằng xe máy đỗ phía trước. Chúng tôi “mắt tròn mắt dẹt” tưởng người “vác” bụng bầu to tướng đi chơi game. Nhưng không phải. Chị nhờ người chở đi tìm chồng. Ban đầu, cuộc “trao đổi” giữa vợ chồng đủ hai người nghe. Chừng không được, chị vợ lớn tiếng: “Anh nghĩ răng? Con còn nhỏ, vợ lại bầu bì, anh không lo đi làm ăn, cứ ngồi trết quán game? Ai chịu nổi…”. Chồng trông trổng: “Về trước đi, tí về”. Vợ: “Từ lúc anh mê game, bầy bừa bỏ làm bỏ ăn, mẹ con tui khổ lắm rồi. Tui đứng đây đến lúc anh về mới thôi”. Thấy vợ làm thiệt, cứ chạng ạng trước quán, anh chồng thấy chướng nên đành “rút”, nhưng vừa đi vừa ngăm vợ “về nhà biết tay…”
 
Vật vã cai nghiện
Chị H làm việc tại một cơ quan đóng trên địa bàn TP. Huế, chồng cũng là cán bộ Nhà nước, ai nhìn vào đều tấm tắc gia đình chỉnh chu. Ấy vậy mà, đứa con trai lớn nghiện game lúc nào không hay. Khuyên nhủ hết lời vẫn không ăn thua, nhiều lần đi “bắt” tận “sào huyệt”, nhưng con vẫn chứng nào tật nấy. Cắt nguồn tiền ăn sáng, tiêu vặt, vợ chồng chị đinh ninh con không thể đến quán net được nữa. Nhưng một ngày, chị tá hỏa khi nhận điện báo con trai liều lĩnh thực hiện một vụ cướp giật tài sản, bị người dân đuổi bắt, đưa đến cơ quan công an. Hiện, con trai chị H đang bị tạm giam chờ ngày ra vành móng ngựa. “Nghiện game cũng đáng sợ như nghiện cờ bạc, ma túy vậy. Người nghiện tàn tạ cả về thể chất lẫn tinh thần, người thân đau khổ, cuộc sống xáo trộn, có khi tan nát”, bà mẹ có đứa con nghiện game đến nỗi phải đi cướp giật buồn bã tâm sự.
Đó cũng là nỗi niềm của một gia đình hiện trú tại phường Phước Vĩnh, TP. Huế. Người cha nhớ lại những ngày kinh hoàng chứng kiến đứa con 15 tuổi nghiện game, suốt ngày “mết” ở quán nét, bỏ ăn bỏ ngủ đến nỗi tóc chuyển bạc, mặt mày vêu vao chỉ còn bằng nắm tay. “Mỗi lần nghĩ đến tui lại rùng mình. Thời gian đó cả nhà tui rối tung rối mù. Thay vì đưa tiền ăn sáng, tiêu vặt như trước đây, vợ chồng tui ngày mô cũng chuẩn bị thức ăn ba bữa đầy đủ. Cứ nghĩ không có tiền, hắn không thể đến quán nét. Vậy nhưng, tiền bạc trong nhà cất giấu kỹ đến mấy, cũng có lúc không cánh mà bay. Hắn còn cả gan bán xe đạp của mình, cạy khóa tủ… Dọa nạt có, đánh đập có, nhưng hắn vẫn không chừa.”, người cha kể.
Gần như rơi vào tuyệt vọng thì vợ chồng anh phát hiện ra “gót chân A - sin” của đứa con. “Hắn tỏ ra sợ sệt khi đứa bạn nghiện game như mình đi ăn trộm, bị bắt và bị xử tù. Tui liền bảo nếu hắn đi ăn trộm, vợ chồng tui ra tòa xin xử nặng hơn, ở trại giam lâu hơn, để nhờ công an dạy dỗ nghiêm. Thấy thái độ của tui “cứng” hắn đâm ra hoang mang, người cha nói. Kể từ lúc đó, người cha quyết định nghỉ việc một thời gian dài để kèm con, nghiêm khắc nhưng cũng nhẹ nhàng phân tích thiệt hơn. “Ban đầu không được tới quán game, hắn bứt rứt, vật vã ghê lắm, thậm chí bỏ ăn, lờ đờ như kẻ nghiện ma túy thiếu thuốc. Mưa dầm thấm đất, gần hai năm, hắn mới dần tỉnh ngộ, sau đó sang Lào học nghề tại nhà một người bà con. Nay hắn 17 tuổi, đã lấy lại được sức vóc trai tráng, mỗi lần gọi điện thoại về đều tỏ ra rất quyết tâm học nghề. Vợ chồng tui mừng, càng quyết không mất cảnh giác, để con rơi vào “tái nghiện”, người cha chia sẻ.
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi báo thông tin giả

Theo lực lượng chức năng, có không ít người dân đã gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (cứu hỏa), 115 (hỗ trợ cấp cứu) và các đơn vị công an để báo thông tin giả, tin không đúng sự thật gây phiền toái, tốn công sức, vật chất; gây bất ổn đến tình hình xã hội.

Lên án hành vi báo thông tin giả

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top