ClockChủ Nhật, 20/07/2014 06:22

Nguyễn Quang Huy và máy bay mô hình Quad-rotor

TTH - Máy bay mô hình Quad-rotor lấy không ảnh phục vụ công tác quy hoạch đô thị, giám sát an ninh và phòng cháy rừng là sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng và hiệu quả cao của Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Văn Chiến, đơn vị Trung tâm Tư vấn kiến trúc và ứng dụng địa chất, Trường ĐH Khoa học - Đại học Huế.

Từ ý tưởng và sáng tạo

Nguyễn Quang Huy (đầu tiên, bên trái) giới thiệu với người xem về máy bay mô hình Quad-rotor tại Triển lãm sản phẩm khoa học và công nghệ Đại học Huế năm 2014

Ý tưởng nghiên cứu về ứng dụng máy bay mô hình lấy không ảnh được Nguyễn Quang Huy ấp ủ từ lâu và chính thức hình thành từ năm 2008, khi Huy làm đề tài về quy hoạch mô phỏng đô thị tại Thái Lan. Lúc đó, Huy đang học thạc sĩ tại đây và là thành viên của CAADRIA 2008 (The Association for Computer - aided Architectural design research in Asia).

Về Việt Nam năm 2011, Huy tham gia Câu lạc bộ máy bay mô hình Huế. Từ đây là cả một quá trình dài tìm tòi và nghiên cứu để hiện thực hoá niềm đam mê. “Thời điểm đó, chi phí để lắp ráp một máy bay mô hình lên tới 40-50 triệu đồng, các thiết bị đắt tiền và phải đặt hàng từ Trung Quốc hoặc qua các trang diễn đàn trên mạng”, Huy kể. Tuy nhiên, chiếc máy bay mô hình đầu tiên do Huy tự bỏ tiền túi ra để lắp ráp đã bị sét đánh khi bay thử nghiệm ở Bạch Mã, vì... bay cao quá! Sau “vụ” này, Huy bắt tay vào nghiên cứu làm lại chiếc mới. Lần này, Huy đã rút ra nhiều kinh nghiệm.
Huy cho biết: “Ban đầu, mình lắp ráp và sử dụng máy bay mô hình cánh bằng (UAV truyền thống). Tuy nhiên, loại này tính chất định vị chính xác khó hơn, đòi hỏi điều kiện cất cánh mặt bằng rộng và dễ ảnh hưởng môi trường xung quanh do tiếng ồn và cháy nổ. Do vậy mình tiếp tục tìm tòi, tiếp cận công nghệ Quad-rotor”. Máy bay mô hình Quad-rotor do Huy sáng chế về cơ sở khoa học vẫn dựa trên nguyên lý cơ bản của máy bay Quad-rotor, tuy nhiên sản phẩm này đã được Huy và nhóm nghiên cứu nâng cấp máy ảnh chuyên dùng sử dụng sóng wifi tầm xa kết nối hệ điều hành Android và iOS; đồng thời, sáng tạo thêm bằng cách đưa máy tính và hệ thống phát wifi để tăng cường mở rộng giao tiếp cho các thiết bị lấy thông tin khi thiết bị đang hoạt động; nâng cấp lazer xanh định hướng tuyến vào ban đêm và định vị mặt đất để lấy toạ độ GPS. Đây là bộ phận nhóm đang phát triển để định vị đối tượng gián tiếp qua GPS ứng dụng cho giám sát an ninh, phòng cháy rừng và cứu hộ. “Hệ thống định vị này sẽ giúp xác định chính xác toạ độ gián tiếp, ví dụ có một cháy rừng, nếu không biết toạ đồ cụ thể để vào dập lửa thì rất nguy hiểm trong khi chờ chụp ảnh vệ tinh thì quá lâu, do vậy sản phẩm này sẽ vô cùng hữu ích”, Huy hào hứng.
 
Đến hiệu quả
Với quá trình đô thị hoá, cảnh quan mặt đất của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có nhiều biến động lớn. Việc cập nhật được những thông tin về hiện trạng, đánh giá sự biến động bề mặt đô thị là một trong những lĩnh vực cấp thiết. Song song với mục tiêu phát triển đô thị, quá trình đô thị hoá sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan di tích và cả vùng đệm đi tích. Việc thiếu thông tin hiện trạng và trục nhìn trên bề mặt sẽ có thể dẫn đến sai sót trong đánh giá quy hoạch và khó khăn trong việc kiểm soát vùng đệm di tích. Một điều quan trọng nữa là Thừa Thiên Huế có mật độ rừng nguyên sinh và phòng hộ rất cao, tuy nhiên các trạm quan sát phòng chống cháy rừng còn hạn chế về mật độ và chiều cao quan sát. Nhu cầu giám sát an ninh cũng rất cần những thiết bị đa năng và chia sẻ thông tin từ điểm nhìn trên cao.
“Giải pháp lấy không ảnh là tối ưu cho các nhu cầu hiện nay. Tuy nhiên chi phí lấy không ảnh khá lớn khi thuê ảnh chụp vệ tinh và máy bay trực thăng. Chụp ảnh vệ tinh một cái tối thiểu là 100 USD, dùng máy bay trực thăng tốn cả 100 triệu đồng, còn máy bay mô hình Quad-rotor lấy không ảnh chỉ dùng pin nên kinh phí rẻ hơn nhiều. Ngoài ra, việc cập nhật không ảnh định kỳ dưới các góc độ khác nhau và chủ động thời gian lấy không ảnh là rất cần thiết cho công tác quản lý quy hoạch, phòng chống cháy rừng và an ninh”, Huy cho hay.
Anh Nguyễn Văn Phúc, Chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, máy bay mô hình Quad-rotor lấy không ảnh của Huy đã phát huy kết quả rất tốt trong việc lấy không ảnh đối tượng nghiên cứu theo yêu cầu, cung cấp thực trạng tổng thể cảnh quan và ảnh hưởng môi trường vùng đệm đến di tích. “Chúng tôi đang dự kiến hợp tác với Huy để cung cấp một số hình ảnh và clip quay của vùng lõi và vùng đệm di sản, từ đó giám sát các hoạt động đang diễn ra, nhất là xây dựng trái phép trong vùng di tích. Thiết bị này giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí và có thể kiểm tra định kỳ nhiều hơn. Năm 1992, khi làm hồ sơ di sản, Trung tâm phải nhờ máy bay chụp không ảnh để đưa vào hồ sơ. Dự định năm nay chúng tôi sẽ hợp tác với Huy để sử dụng máy bay mô hình Quad-rotor chụp không ảnh, góp phần vào lộ trình từ nay đến năm 2017 làm hồ sơ tái ứng cử di sản Huế trong đó mở rộng cảnh quan ra tới thượng nguồn sông Hương. Muốn vậy phải nhờ không ảnh nhiều”.
“Không chỉ giúp giảm thiểu chi phí lấy không ảnh cho các đơn vị quản lý Nhà nước, máy bay mô hình Quad-rotor sẽ giúp các đơn vị quản lý quy hoạch và bảo tồn cảnh quan di tích hiệu quả hơn khi thông tin được cập nhật dễ dàng hơn. Ngoài ra, ứng dụng của một số ngành và lĩnh vực khác có thể phối hợp sử dụng chung như phòng chống cháy rừng, an ninh. Nếu được tiếp tục đầu tư nghiên cứu, thiết bị còn khả năng hỗ trợ ứng dụng vào lĩnh vực công nghệ thông tin và nông nghiệp...”, Huy nói.
Bài và ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”

TIN MỚI

Return to top